Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, sự tan chảy ồ ạt của các sông băng do hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm nghiêng trục quay của Trái đất kể từ những năm 1990. Các nhà khoa học cho biết, điều này chứng tỏ tác động sâu sắc của con người lên hành tinh.
Cực bắc và cực nam là điểm mà trục quay giao nhau với bề mặt của Trái
đất, nhưng chúng không cố định. Những thay đổi về cách phân bố khối
lượng của Trái đất khiến trục, và do đó là các cực, chuyển động.
Sự tan chảy ồ ạt của các sông băng đã làm nghiêng vòng quay của Trái đất.
Trước đây, chỉ có các yếu tố tự nhiên như dòng hải lưu và sự đối lưu
của đá nóng trong lòng đất sâu mới góp phần làm di chuyển vị trí của các
cực. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy, kể từ những năm 1990, hàng trăm tỷ
tấn băng mỗi năm bị tan chảy vào các đại dương do khủng hoảng khí hậu đã
khiến các cực dịch chuyển theo hướng mới.
Các nhà khoa học nhận thấy hướng dịch chuyển địa cực chuyển từ nam
sang đông vào năm 1995 và tốc độ dịch chuyển trung bình từ năm 1995 đến
năm 2020 nhanh hơn 17 lần so với từ năm 1981 đến năm 1995. Kể từ năm
1980, vị trí của các cực đã di chuyển trong khoảng 4 mét.
Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Shanshan Deng, Viện Khoa học địa lý và
Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc dẫn
đầu.
Dữ liệu về lực hấp dẫn từ vệ tinh Grace, được phóng vào năm 2002, đã
được sử dụng để xem xét mối liên hệ giữa sự tan chảy của băng với các
chuyển động của cực trong năm 2005 và 2012, cả hai nghiên cứu đều cho
thấy cực chuyển động sau khi gia tăng băng tan. Nhưng nghiên cứu của
Tiến sĩ Deng đã tạo ra một nền tảng mới bằng cách mở rộng mối liên hệ
đến khoảng thời gian trước khi vệ tinh được phóng, và cho thấy các hoạt
động của con người đã dịch chuyển các cực kể từ những năm 1990, tức gần
ba thập kỷ trước.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters cho
thấy tổn thất do băng chiếm phần lớn sự dịch chuyển của cực, nhưng có
khả năng là việc khai thác nước ngầm cũng góp phần vào sự dịch chuyển.
Nước ngầm được lưu trữ dưới đất nhưng sau khi được bơm lên để sử dụng
trong sinh hoạt hoặc phục vụ nông nghiệp, phần lớn cuối cùng sẽ chảy ra
biển, phân phối lại trọng lượng của nó trên khắp thế giới. Trong 50 năm
qua, nhân loại đã lấy đi 18 nghìn tỷ tấn nước từ các hồ chứa sâu dưới
lòng đất mà không có sự thay thế.
Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Vincent Humphrey, Đại học Zurich, Thụy
Sĩ, người không tham gia vào nghiên cứu mới cho biết, điều này cho thấy
các hoạt động của con người đã phân bổ lại lượng nước khổng lồ trên hành
tinh. Nó lớn đến mức có thể thay đổi trục của Trái đất.
Tuy nhiên, ông cho biết, sự dịch chuyển của trục Trái đất không đủ
lớn để ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, nó có thể thay đổi độ dài của
một ngày, nhưng chỉ bằng mili giây.
Một số nhà khoa học cho rằng, với quy mô của tác động đáng kể của con
người lên địa chất và hệ sinh thái của Trái đất, cần công bố một kỷ
nguyên địa chất mới - kỷ nguyên Anthropocene. Kể từ giữa thế kỷ 20, đã
có sự gia tăng rõ rệt của lượng khí thải carbon dioxide và mực nước biển
dâng, sự tàn phá động vật hoang dã và sự biến đổi đất do canh tác, phá
rừng và sự phát triển.
HOÀNG DƯƠNG (Theo Guardian)
Nguồn: Báo Nhân Dân