AUSTRALIAKhi phát hiện ra những đám khói âm ỉ trên núi Wingen, một người nông dân từng tuyên bố tìm ra núi lửa ngầm. Nhưng thực tế không phải vậy.
Núi Wingen là vỉa than cháy chậm tự nhiên duy nhất của xứ sở chuột túi. Đồng thời, nó cũng là mỏ than cháy lâu đời nhất trên thế giới, âm ỉ liên tục suốt 6 thiên niên kỷ ở độ sâu 30m. Vì lý do này, nó được mọi người đặt cho biệt danh là núi Burning (Núi Cháy).
Ngày nay, biệt danh của núi Cháy thậm chí còn nổi tiếng với du khách hơn tên thật của nó. Ảnh: NSW National Parks and Wildlife Service
Núi Burning là một phần của lãnh thổ rộng lớn thuộc sở hữu của người Wanaruah, trải dài từ Broke đến dãy Liverpool. Từ Wingen có nghĩa là "lửa" trong ngôn ngữ của Wanaruah. Một số bằng chứng cho thấy từ xa xưa, người bản địa đã sử dụng nhiệt của ngọn núi để sưởi ấm trong những tháng mùa đông, nấu ăn và rèn các công cụ.
Thần thoại Wanaruah truyền qua nhiều thế hệ kể rằng trước kia người Gumaroi, từ phía bắc dãy Liverpool, phái một đoàn đột kích xuống phía nam để cướp phụ nữ Wanaruah về làm vợ. Được bộ tộc Wiradjuri ở phía tây cảnh báo, những chiến binh Wanaruah tinh nhuệ nhất ra trận đối đầu với kẻ thù. Một trong những người phụ nữ Wanaruah quyết định ngồi bên một rìa núi trên dãy Liverpool để đợi chồng. Khi chiến binh này mãi mãi không trở về, người vợ vô cùng đau lòng. Cô khóc lóc, cầu xin Biami, vị thần của bầu trời, hãy cho mình chết theo chồng. Thay vì lấy mạng của người phụ nữ tội nghiệp, thần Biami biến cô thành đá. Và nước mắt khóc chồng của cô biến thành lửa, cháy phía dưới ngọn núi Burning vĩnh viễn.
Tuy nhiên, với các nhà khoa học, núi Burning đơn giản chỉ là một hiện tượng địa chất bất thường. Người đầu tiên phát hiện ra khói bốc lên từ những ngọn đồi ở phía bắc được cho là một nông dân tên Smart, làm việc tại nhà ga Cressfield (khoảng 9 km về phía nam) vào năm 1828. Anh ta nghĩ đó là một đám cháy từ những bụi cây, nhưng nó không di chuyển trong nhiều ngày. Sau khi xem xét, Smart tuyên bố rằng anh ta đã tìm thấy một ngọn núi lửa. Câu chuyện này gây xôn xao trên hàng loạt mặt báo ở Sydney vào tháng 3/1828 và một số cuộc thăm dò đã diễn ra sau đó.
Đến năm 1829, người ta biết rằng đó là một vỉa than đang cháy, một phần của khu vực địa chất 235 triệu năm tuổi, tạo thành các mỏ than chính của Thung lũng Hunter. Khi một phần nào đó bị cháy hết, ngọn lửa sẽ chuyển sang phần tiếp theo. Tuy nhiên, vì ngọn lửa nằm sâu khoảng 30 m dưới lòng đất - nơi khí oxy hạn chế, nên tốc độ cháy chậm. Do đó, đám cháy ngầm di chuyển khoảng một mét về phía nam mỗi năm. Khi nó đã di chuyển được 6 km, người ta ước tính rằng nó đã cháy trong khoảng 6.000 năm qua. Nó đã dịch chuyển 150 m kể từ năm 1828.
Các vết nứt và lỗ thông hơi tạo ra trên mặt đất cho phép khí lưu huỳnh thoát ra và ngọn lửa ngầm đốt vỉa than tới 1.700 độ C có oxy để cháy. Ảnh: Brent Mail/NSW Government
Do dấu vết của đám cháy ngầm từng lộ ra trên bề mặt, các nhà khoa học suy đoán có thể một đám cháy rừng đã châm mồi cho ngọn lửa ngầm, nhưng nguyên nhân chính xác vẫn còn là bí ẩn. Lớp phủ màu trắng trên mặt đất không phải là tro từ cây cối cháy, mà là xỉ, phèn và lưu huỳnh. Trong khoảng 50 năm, Công ty Winjennia đã khai thác phèn từ đám cháy, để sử dụng trong sản xuất thuốc mỡ và chất lỏng được cho là có tác dụng chữa bệnh.
Đi bộ trên núi Burning là cách tốt nhất để khám phá khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo này, dọc hai bên đường là các bảng cung cấp thông tin cho du khách. Men theo cung đi bộ đường dài , khách du lịch có thể dễ dàng nhận thấy sự biến đổi của thảm thực vật theo dấu của ngọn lửa ngầm. Cuối con đường thực vật bắt đầu biến mất do sức nóng tới 350 độ C. Khi mặt đất nguội đi, rêu và địa y là những loài đầu tiên xuất hiện.
Đài quan sát đặt trên một điểm cao của con đường đi bộ lên núi để du khách ngắm nhìn khu bảo tồn. Ảnh: National Parks and Wildlife Service
Khu Bảo tồn núi Cháy thuộc hệ thống vườn Quốc gia New South Wales là điểm du lịch hút khách tại Australia. Khu bảo tồn nằm trên đường cao tốc New England cách Sydney 300 km và cách thị trấn Scone, New South Wales 25 km về phía bắc. Du khách được khuyên mang theo nước uống đầy đủ, mũ và kem chống nắng. Khu bảo tồn mở cửa tham quan miễn phí, song để đảm bảo an toàn giữa Covid-19, tất cả khách du lịch phải đặt chỗ cắm trại, tránh giờ cao điểm từ 11h - 14h.
Anh Minh (Theo Sydney Morning Herald)