Trên thế giới chỉ có 2 cây dã hương cổ thụ, một cây ở xã Tiên Lục (Bắc Giang) và một cây ở châu Phi, nhưng cây ở châu Phi đã chết vì sâu, mối.
Cây dã hương nghìn năm tuổi hiện đang được lưu giữ và bảo tồn tại
thôn Giữa (xã Tiên Lục, Lạng Giang, Bắc Giang). Cây được coi là "thần
mộc" và cũng là cây dã hương độc nhất vô nhị, quý hiếm nhất trên thế
giới.
Cây dã hương cổ thụ có dáng bề thế, uy nghi, vỏ cây xù xì, thô ráp, cành lá xum xuê quanh năm.
Chu vi thân cây dã hương chỗ to nhất đo được đến 17,4m, khoảng 8 người ôm. Chiều cao 36m, lớp vỏ cây dày trung bình khoảng 15cm.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi
trường Việt Nam cho biết: "Trong Từ điển bách khoa Larousse của Pháp năm
1932, họ đã nói trên thế giới chỉ có 2 cây dã hương quý hiếm, một cây ở
châu Phi và một cây ở Việt Nam. Chúng tôi đã đề nghị người dân ở Lạng
Giang phải cố gắng bảo vệ cây thật tốt."
Cũng theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, cây dã hương không chỉ có giá trị về
văn hoá mà còn có giá trị về lịch sử. Điều quan trọng nhất là việc con
người Việt Nam bảo vệ để tri ân những bậc tiền nhân đã trồng cây dã
hương từ ngàn năm trước này.
"Việc bảo tồn các cây di sản cổ thụ của Việt Nam cực kì quan trọng đối
với hiện nay và cả tương lai." Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và
Môi trường Việt Nam nhấn mạnh.
Cây dã hương thuộc họ long não là loại cây quý hiếm, có thể sống hàng
nghìn năm. Hoa nhỏ, thường nở vào cuối mùa xuân, có màu vàng nhạt. Các
bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, có mùi hương đặc trưng. Gỗ cây thường
được sử dụng để làm thuốc, tác phẩm mỹ thuật, đồ gia dụng...
Xưa kia, vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) đã sắc phong cho cây là “Quốc chúa
đô mộc Dã Đại vương” (cây dã hương lớn nhất nước). Tới sau này, năm
1989, Bộ Văn hóa – Thông tin xếp cây dã hương ở Bắc Giang nằm trong quần
thể cụm di tích quốc gia (gồm cây dã hương, đình Viễn Sơn, chùa Phúc
Quang, đình Thuận Hòa, đền Thánh Cả).
Đến năm 2012, cây dã hương được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Hình ảnh dã hương "thần mộc" quý hiếm nhất trên thế giới nhìn từ trên cao.