Nhắc đến Ấn Ðộ, mọi người nhất định sẽ nhớ đến sông Hằng. Thực ra, ở Ấn Ðộ có một cái giếng bậc thang nhân tạo có thể sánh ngang với lăng mộ Taj Mahal - Di sản thế giới UNESCO. Ðó chính là giếng bậc thang Chand Baori, dịch nghĩa là giếng Mặt Trăng, có niên đại hơn 1.200 năm tuổi.
Giếng Mặt Trăng nằm trong ngôi làng Abhaneri tại miền Đông bang
Rajasthan (Ấn Độ). Thiết kế tinh tế và sự hùng vĩ của nó cho đến ngày
nay vẫn được nhiều người khen ngợi.
Giếng có nhiều bậc thang được xây dựng xung quanh thành cho phép
người ta có thể đi lên hoặc xuống giếng lấy nước một cách dễ dàng. Đây
cũng là một trong những công trình giếng bậc thang cổ kính nhất ở
Rajasthan. Nó được xem là giếng bậc thang lớn và kỳ lạ nhất trên thế
giới.
Chand Baori không chỉ là một giếng nước mà còn là một tòa kiến trúc
với hình dạng Kim tự tháp đảo ngược. Thông qua quy mô của quần thể kiến
trúc này chúng ta có thể thấy được kỹ thuật cao siêu của những nghệ nhân
điêu khắc đá ngày xưa.
Cấu trúc công trình Chand Baori có hình vuông và có đến 13 tầng
ngầm, 3 mặt của nó là các đường đi dạng bậc thang nằm song song trên
mép tường. Tổng cộng có 3.500 bậc thang hẹp được bố trí một cách hoàn
hảo từ trên thành giếng xuống đáy giếng. Giếng có chiều sâu 20m, dưới
đáy giếng âm u là một vũng nước có màu xanh lá cây hơi sánh.
Giếng được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX bởi Vua
Chanda của triều đại Nikumbha. Theo các truyền thuyết cổ xưa của người
dân địa phương thì ma quỷ đã giúp họ xây dựng công trình này chỉ trong
vòng một đêm. Giếng nước có nhiều bậc thang như vậy là để ngăn chặn mọi
người leo xuống lấy những đồng xu, mà khách hành hương cũng như cư dân
địa phương ném xuống đó để cầu may.
Rajasthan là một vùng đất khô hạn, vì lý do đó mỗi giọt nước đều rất
đáng giá. Điều này đã buộc người dân địa phương phải tìm cho mình một
nguồn sống bằng cách tự đào một cái giếng lớn và sâu mới có thể bắt được
mạch nước ngầm, hứng được nước mưa để sử dụng quanh năm.
Diện tích rộng của Chand Baori đảm nhận chức năng như một chiếc bể
khổng lồ để giữ nước mưa, công trình cung cấp nước cho khu vực dân cư
Abhaneri suốt nhiều thế kỷ liền trước khi hệ thống cung cấp nước hiện
đại được xây dựng.
Chand Baori là giếng nước sâu nhất, lớn nhất trên thế giới, hơn 1.000
năm trở lại đây, giếng cổ này đã nuôi sống hơn 300.000 người. Nó được
gọi là “Tiền thân của hệ thống thoát nước đô thị bền vững hoặc có cường
độ thấp”. Ở Ấn Độ, Chand Baori thậm chí có thể sánh ngang với Taj Mahal.
Một giếng nước được xây một cách hùng vĩ và tuyệt vời như vậy không
khỏi khiến cho người ta ngưỡng mộ và bái phục kỹ thuật cao siêu của thợ
điêu khắc đá Ấn Độ thời xưa. Kiến trúc đường lên xuống bằng bậc thang
cho phép người dân Rajput có thể lấy nước bất cứ lúc nào, từ bất cứ phía
nào cũng như bất cứ thời gian nào trong năm. Ngoài chức năng giữ nước,
công trình Chand Baori còn là nơi tụ tập của người dân địa phương
Abhaneri vào những ngày hè nóng bức.
Giếng được xem như là một chiếc quạt mát khổng lồ, nhiệt độ đo được ở
đáy giếng thấp hơn trên mặt đất từ 5 - 6 độ C. Hiện nay, do nguồn nước
có màu xanh sánh và không đảm bảo vệ sinh nên giếng không còn được sử
dụng.
Tuy nhiên, giếng lại trở thành một công trình kiến trúc ấn tượng của
Ấn Độ với niên đại hơn 1.000 năm tuổi, rất thu hút du khách. Những mục
đích khác về việc xây dựng giếng bậc thang hiện vẫn chưa được làm rõ.
Một số người tin rằng, ngoài lý do cung cấp nước thì chắc hẳn nó còn
phục vụ mục đích khác, có thể là tâm linh.
3 mặt của giếng là bậc thang, mặt còn lại được xây dựng một công
trình dinh thự nhỏ. Dinh được xây rất công phu, tỉ mỉ và đẹp mắt. Đây là
nơi dành cho Vua và Nữ hoàng đến để nghỉ ngơi, thi họa. Công trình
Chand Baori đã từng xuất hiện trong bộ phim bom tấn “The Dark Knight
Rises”. Ngày nay, không chỉ đơn thuần là một giếng nước, Chand Baori còn
là một địa danh nổi tiếng, thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch
tham quan mỗi năm.
Trần Thắng
Nguồn CAND