Đình Giáp Nhị, quận Hoàng Mai thờ phụng Thành hoàng Làng là một vị thần đã sáng lập ra Đạo giáo ở Trung Quốc - đó là Thái Thượng Lão Quân - Lão Tử. Đây là một di tích tôn giáo ít gặp trong các ngôi đình làng của người Việt trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Nằm ở phía Nam thủ đô Hà Nội, tại phường Thịnh Liệt, quận
Hoàng Mai có một ngôi đình thờ Thành hoàng làng không phải là các thần linh bản
địa, mà là một vị thần đã sáng lập ra Đạo giáo ở Trung Quốc - đó là Thái Thượng
Lão Quân (Lão Tử). Đây là một hiện tượng thật ít gặp trong các ngôi đình làng của
người Việt trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Nhà tiền tế đình Giáp Nhị
Theo nhiều học giả thì sau ngày ra đời ở Trung Quốc, Đạo
Giáo đã theo chân các nhà cai trị, trí thức cùng một số phù thuỷ phương Bắc bắt
đầu du nhập sang nước ta vào khoảng thế kỷ thứ II sau công nguyên. Khác với Nho
giáo, khi sang nước ta, Đạo giáo đã bắt gặp ngay những nét tương đồng trong tín
ngưỡng bản địa (tục sùng bái thần linh, ma thuật, phù phép...) nên nhanh chóng
phát triển. Hơn nữa, vốn mang trong mình tư tưởng phản kháng giai cấp thống trị
nên Đạo giáo đã được người Việt Nam sử dụng làm vũ khí chống lại kẻ đô hộ.
Kiến trúc thờ tự của Đạo giáo gọi là quán. Ở Thăng Long - Hà
Nội có rất nhiều quán nổi tiếng như Bích Câu đạo quán, Huyền Thiên cổ quán, Đồng
Thiên quán, Nghinh Tiên vọng quán, Trấn Vũ quán, Linh Tiên quán, Lâm Dương
quán, Hội Linh quán... Quán thờ Thái Thượng Lão Quân ở nước ta hiện vẫn còn ở rất
nhiều nơi, song Lão Tử được thờ ở đình Giáp Nhị lại là một trường hợp khá đặc
biệt. Ngài được thờ theo nghi thức thờ Thần hoàng làng.
Theo sử liệu thì đình Giáp Nhị có nguồn gốc từ một ngôi đình
nhỏ thờ Thổ thần. Đến thế kỷ XVIII, ông Bùi Huy Bích (người làng Giáp Nhị) thi
đậu Hoàng giáp khoa Kỷ Sửu (1769) được triều đình thăng giữ chức Đốc trấn Nghệ
An, ông đã cho rước bài vị của Thái Thượng Lão Quân từ Nghệ An về thờ tại đình
làng.
Thái Thượng Lão Quân được Đạo giáo đồng nhất với Lão Tử, người
đã xây dựng nền học thuyết tư tưởng của Đạo giáo Truyền thuyết, sử sách ghi
chép về ngài khá phong phú, hiện trong đình Giáp Nhị vẫn còn lưu giữ được cuốn
thần tích chép chuyện Lão Tử và một số nhân vật trong Bát Tiên cùng nhiều hoành
phi, câu đối có nội dung nói về Đạo giáo.
Qua đây, có thể thấy Thái Thượng Lão Quân từ việc thờ trong
các di tích Đạo quán đã trở thành một vị Thành hoàng che chở, bảo hộ cho cuộc sống
của dân làng, đã làm phong phú thêm trong kho tàng văn hoá dân gian của thủ đô
Hà Nội, đồng thời, thể hiện sự đa dạng, phong phú và cởi mở của người Việt đối
với các thần linh ngoại bang.
Di tích đình Giáp Nhị đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Quy mô kiến trúc hiện nay là kết quả của những lần trùng tu ở thế kỷ XX. Các hạng
mục của đình được quy hoạch trong một khuôn viên khép kín gồm nghi môn, tiền tế,
trung đình và hậu cung.
Nghi môn đình làm dạng tứ trụ. Đỉnh hai trụ chính đắp đôi
nghê chầu. Sau các trụ là 3 cổng có hình thức kết cấu giống nhau. Cổng chính có
dạng giống như tam quan chùa, hai cổng bên nhỏ hơn chồng diêm hai tầng 4 mái giả
ống, đỉnh mái đắp hình rồng chầu mặt trời, thân các trụ đều bổ khung viết câu đối
chữ Hán.
Nghi môn đình Giáp Nhị có kết cấu đặc biệt hơn so với các
ngôi đình khác
Qua nghi môn là khoảng sân khá rộng, phía bên phải đình là
giếng đình. Đình Giáp Nhị gồm 5 gian tiền tế, 5 gian trung tế và 3 gian hậu
cung tạo thành hình chữ đinh. Nhà xây kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ta, giữa
bờ nóc đắp hình rồng chầu mặt trời, hai bên gắn hai đầu kìm.
Bộ khung các nếp nhà được làm bằng gỗ, kết cấu theo kiểu:
"giá chiêng chồng rường con nhị". Phần trang trí trên kiến trúc chủ yếu
tập trung trên các con rường, đầu dư, bẩy hiên với các đề tài: rồng lá, lá lật,
vân xoắn, vân dấu hỏi... với đường nét tinh tế, khéo léo, đã nâng giá trị chạm
khắc gỗ ở di tích lên rất cao.
Hệ thống di vật của đình đa dạng về thể loại và chất liệu
như đồ gỗ, đồ đồng, đồ gốm sứ... Những bức cửa võng, hương án, sập thờ, cuốn
thư, ngai thờ, kiệu rước, hoành phi, câu đối, bát bửu, lư hương... với đề tài
truyền thống như: "tứ linh”, "tứ quý”, cúc mãn khai, rồng chầu mặt trời,
rồng lá, hổ phù... có thể ví như một bảo tàng mỹ thuật thu nhỏ minh chứng cho sự
ra đời, tồn tại và phát triển của di tích qua từng thời kỳ khác nhau.
Cũng như các ngôi đình thờ Thành hoàng khác, hàng năm, dân
làng Giáp Nhị lại mở hội để tưởng nhớ đến công lao của Thành hoàng làng đối với
dân bản xã. Trước kia, hội mở trong 4 ngày (từ ngày 13 đến ngày 16 tháng Hai âm
lịch), trong đó: Ngày 13 làm lễ tế mộc dục, ngày 14 tế mã, ngày 15 tế rước nước,
ngày 16 tế hoàn cung. Kiệu rước thành hoàng được rước ra miếu, rồi rước về chùa
Sét.
Vào những năm mở hội lớn đoàn rước đi xa hơn xuống tận chùa
Tự Khoát lấy nước giếng về tế thần. Lễ vật dâng cúng thần hoàng gồm trâu thui,
xôi trắng, lợn, trầu cau, oản quả.
Ngày nay, lễ hội đình Giáp Nhị chỉ tổ chức trong một ngày 15
tháng Hai (âm lịch)... Các sản vật dâng cúng Thành hoàng có hương đăng oản quả.
Ngoài phần lễ còn duy trì được nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đấu vật,
cờ tướng...
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đình Giáp Nhị
đã được UBND thành phố Hà Nội Quyết định xếp hạng di tích cấp Thành phố vào
ngày 7/12/2002.
Nguyễn Văn