Mỗi ngày ở đền bà Mariamman (quận 1) đều có nhiều người đến úp mặt vào phiến đá lớn để giãi bày nỗi lòng.
Đền bà Mariamman được xây dựng đầu thế kỷ 20, là ngôi đền Hindu giáo của người gốc Ấn, tọa lạc trên đường Trương Định (quận 1, TP HCM). Đền còn có tên gọi khác là chùa Bà Ấn thờ thần Mariamman. Đây là vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ, sức khỏe dồi dào, hôn nhân suôn sẻ, con cháu đông vui...
Ngay lối vào là điện chính thờ nữ thần Mariammam, cạnh đó là hai điện phụ thờ hai vị thần bảo vệ. Khu vực này được rào chắn vì là nơi linh thiêng nên chỉ có người phụ trách cúng lễ mới được vào đây, cấm phụ nữ.
Ở vị trí chính giữa trên tầng cao của điện chính là tượng nữ thần Mariamman với gương mặt đỏ hung. Đôi khi tượng bà có nhiều tay thể hiện cho sức mạnh, trong đó có một tay cầm đinh ba, một tay bưng chén cơm. Quanh chùa còn nhiều tượng bà Mariamman đủ kích thước cùng tượng, tranh ảnh của những vị thần khác trong Hindu giáo.
Lúc đầu, đền được xây dựng chỉ dành riêng cho người Ấn ở Sài Gòn nhưng về sau mở cửa rộng rãi cho tất cả mọi người. Sau khi thắp hương ở điện chính, nhiều tín hữu sẽ ra phía sau úp mặt vào vách đá cầu nguyện.
Nhiều người còn cầu nguyện và sờ lên bức tượng sư tử cạnh điện chính để mong mọi ước nguyện thành hiện thực. Con sư tử chính là vật cưỡi của nữ thần Mariamman, có sức mạnh linh thiêng.
Công trình được người Ấn ở Sài Gòn cải tạo vào giai đoạn 1950-1955. Nhiều vật liệu xây dựng, đồ trang trí, điêu khắc, các tượng thần... nhập từ Ấn Độ và do những người dân ở đất nước này thực hiện.
Theo Quỳnh Trần (VnExpress)