(Dân trí) - Một khúc gỗ bí ẩn đã nổi bồng bềnh trong làn nước trong xanh ở hồ miệng núi lửa gần 120 năm nay mà không phân hủy.
Một khúc gỗ đã nổi bồng bềnh trên mặt nước hồ Crater, bang Oregon, Mỹ, một cách bí ẩn suốt hơn 100 năm nay khiến các nhà khoa học chưa tìm được lời giải đáp chính xác.
Khúc gỗ đặc biệt đã trôi nổi trên mặt hồ Crater theo phương thẳng đứng hơn 100 năm nay
Đó là một khúc gỗ dài chừng 9 m với phần nhô lên khỏi mặt nước hơn 1 m, đường kính 60 cm. Khắp vùng chẳng ai không biết tới khúc gỗ nổi tiếng này và gọi nó với cái tên “Old Man of the Lake” (Ông già của hồ nước).
Được biết, khúc gỗ lần đầu được phát hiện vào năm 1902 cũng là năm Crater Lake trở thành công viên quốc gia.
Kỳ lạ ở chỗ, nó không hề bị chìm xuống hay phân hủy suốt hàng thế kỷ trôi qua
Nhà thám hiểm Joseph Diller từng mô tả về khúc gỗ trắng trôi nổi dọc theo hồ Crater. 5 năm sau, nhà thám hiểm này quan sát thấy vẫn khúc gỗ đó nhưng di chuyển khoảng 400 m so với vị trí ban đầu.
Một nghiên cứu khác được nhà tự nhiên học John Doerr dành 3 tháng quan sát vào năm 1938. Kết quả cho thấy, khúc gỗ bí ẩn chuyển động không theo quy luật nào, có lúc còn di chuyển rất nhanh. Từ ngày 1/7 đến 30/9/1938, nó di chuyển hơn 99 km. Vào ngày mưa gió, thậm chí khúc gỗ di chuyển tới 6 km.
Nhiều câu chuyện được người dân thêu dệt càng khiến cho nơi này trở nên nổi tiếng
Việc xác định niên đại bằng carbon cho thấy nó ít nhất 450 năm tuổi, trải qua gần 120 năm “du lịch” khắp hồ Crater cũng là hồ nước sâu nhất nước Mỹ và sâu thứ 9 trên thế giới.
Và một điều kỳ lạ ở chỗ, những khúc gỗ thông thường chỉ nổi vài năm rồi sẽ tự chìm xuống nước. Nhưng đây là khúc gỗ “thách thức” mọi định luật vật lý khi nổi theo chiều dọc cả thế kỷ mà vẫn giữ nguyên kết cấu, không có dấu hiệu mục ruỗng hay phân hủy.
Cũng từ những điều kỳ lạ kể trên, người dân trong vùng còn thêu dệt nên câu chuyện về “khúc gỗ biết điều khiển thời tiết”. Họ tin rằng, nếu khúc gỗ được kéo sát vào bờ, gió bão sẽ nổi lên. Nhưng chỉ khi được thả tự trôi bình thường, trời lại sáng. Dù vậy, đó vẫn chỉ là chuyện truyền miệng của người dân địa phương.
Có dịp ghé thăm hồ Crater, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội chèo thuyền ra hồ để tận mắt ngắn nhìn khúc gỗ “Ông già của hồ nước”
Đến nay, các nhà khoa học cho rằng, có thể do nước hồ Crater trong sạch, luôn ở nền nhiệt thấp giúp khúc gỗ “bảo toàn” được hình dáng như ngày đầu.
Du khách nếu có dịp tới hồ nước sâu nhất nước Mỹ Crater, đừng bỏ qua cơ hội chèo thuyền ra hồ để tận mắt chứng kiến khúc gỗ đặc biệt này. Phải chăng cũng nhờ những điều kỳ lạ khiến cho nó vô tình trở thành điểm du lịch hấp dẫn của hồ miệng núi lửa.
Hoàng Hà
Theo Odd/ WK