(Dân Việt) Hai pho tượng bằng gỗ có thể đứng lên hoặc ngồi xuống như người thật được lưu giữ trong ngôi miếu cổ hơn 700 năm tuổi ở Hải Phòng.
Không phải 1, mà có 2 pho tượng biết đứng lên, ngồi xuống
Nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng hơn 40km, huyện Vĩnh Bảo là huyện đất liền xa nhất của thành phố hoa phượng đỏ. Ngoài khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi đây còn nổi tiếng với pho tượng biết đứng lên, ngồi xuống trong ngôi miếu cổ Bảo Hà thuộc thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh.
Pho tượng Đại Vương Lý Linh Lang khi ngồi (ảnh trái) và khi đứng (ảnh phải).
Chỉ cần đi đến đầu làng Bảo Hà, tiếng cưa máy xẻ gỗ, tiếng đục đẽo vang lên bởi nơi đây vốn là làng nghề truyền thống đục tượng. Dọc 2 bên đường làng, những đống gỗ chất ngổn ngang đang chờ được tạo hình từ tay những người thợ tài ba.
Chúng tôi đến thôn Bảo Hà vào một ngày mưa bụi, kiểu thời tiết đặc trưng của miền Bắc những ngày sang xuân. Ngôi miếu cổ nằm ở ven đường lớn, gần giữa làng. Cổng miếu khá to đẹp và còn mới, có vẻ mới được sơn sửa lại. Trên những thân cột cổng là những câu đối, chữ đen nổi bật.
Miếu Bảo Hà có tuổi đời hơn 700 năm tuổi, là ngôi miếu cổ linh thiêng.
Ông Đặng Văn Thạnh (70 tuổi), thủ từ miếu Bảo Hà cho hay, ngày thường vẫn đông người dân hoặc những đoàn khách du lịch đến miếu tham quan nhưng do hôm ấy trời mưa nên vắng khách hơn.
Dẫn chúng tôi đi tham quan miếu, ông Thạnh giới thiệu, miếu Bảo Hà còn có tên gọi khác là Tam Xã Linh Từ. Sở dĩ có tên gọi như vậy là do từ cuối thế kỷ 13, miếu được nhân dân 3 xã Hà Cầu, Bảo Động, Mai An xây lên.
Trải qua các thời kỳ nhà Lê, Nguyễn… miếu được trùng tu và mở rộng dần. Đến đời vua Thành Thái (1889-1907) là lần trùng tu cuối cùng nên miếu hiện nay mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn nhiều hơn.
Miếu thờ vị Thành Hoàng làng là Đại vương Lý Linh Lang, con trai thứ của vua Lý Thái Tông.
Theo thần phả, Linh Lang sinh vào tháng Chạp, năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân, mẹ là cung phi thứ 9. Linh Lang được sinh ra tại làng ở Trị Chợ, Thủ Lệ (quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay).
Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng tử Linh Lang chỉ huy quân sĩ chống giặc. Trong một đợt hành quân, ngài tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân.
Trong một trận giao tranh quyết liệt với giặc Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), Hoàng tử Linh Lang đã anh dũng hy sinh. Về sau, để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng Bảo Hà xây miếu thờ ngài trên nền đồn binh xưa.
Tượng Đại Vương Lý Linh Lang là sự kết hợp tinh hoa của nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn của làng Bảo Hà.
Dân làng khi đó đã tạc tượng ngài để thờ cúng. Là vùng đất nổi tiếng với nghệ tạc tượng và cái nôi của bộ môn nghệ thuật múa rối cạn, những người thợ tài ba đã tạo nên một pho tượng “có một, không hai” có thể đứng lên, ngồi xuống.
“Nhiều người cứ nghĩ trong miếu chỉ có một pho tượng, nhưng thực chất là có 2 pho. Tuy nhiên, chỉ có một pho được trưng ra cho mọi người cùng chiêm ngưỡng”, thủ từ Thạnh chia sẻ.
Theo ông Thạnh, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, pho tượng đầu tiên đã bị phá hỏng khá nặng. Hiện pho tượng vẫn được lưu giữ trong hậu cung của miếu nhưng được che vải đỏ, chỉ những vị chức sắc quan trọng của địa phương mới được lại gần.
Năm 1991, miếu Bảo Hà được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cũng từ đó, dân làng quyết định tạc thêm một tượng Đại vương Linh Lang giống với pho tượng cũ. Bức tượng này cũng được đặt ở hậu cung nhưng để phục vụ khách tham quan. Ai có nhu cầu, sau khi làm lễ đều được ông thủ từ cho chứng kiến cảnh tượng đứng lên, ngồi xuống.
Giải mã bí ẩn bức tượng biết cử động như người thật
Tượng Đại vương Lý Linh Lang ở miếu Bảo Hà được tạc cao khoảng 1,7m, nét mặt khôi ngô, tuấn tú, đầu đội mũ Bình Thiên, thân vận áo Long Cổn ngồi trên ngai, tay cầm văn tự. Cạnh tượng là 4 mỹ nữ đứng hầu, phía trước là quan văn, quan võ đứng chầu.
Pho tượng có thể đứng lên, ngồi xuống là sự sáng tạo độc đáo, hiếm có của người dân làng tạc tượng Bảo Hà. Người dân địa phương coi bức tượng là một báu vật của làng.
Theo ông Thạnh, bí mật của sự chuyển động của bức tượng Đại vương Lý Linh Lang nằm ở cánh cửa hậu cung. Các nghệ nhân tạc tượng xưa đã khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn, làm ra hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp chân của pho tượng.
Ông Đặng Văn Thạnh (70 tuổi), thủ từ miếu Bảo Hà.
“Khi cánh cửa mở ra sẽ truyền lực lên các khớp nối ở chân khiến pho tượng dần đứng lên và ngược lại, khi cửa khép lại thì bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu”, ông Thạnh giải thích.
Việc đóng, mở cánh cửa hậu cung để bức tượng đứng lên, ngồi xuống chỉ có ông Thạnh làm được vì ông là người giữ chìa khóa cánh cửa. Ngoài sự độc đáo của pho tượng Đại vương Lý Linh Lang thì ngôi miếu Bảo Hà cũng rất linh thiêng, vì vậy, thường có nhiều người lui tới đây để thờ cúng.
Ông Thạnh cũng tiết lộ thêm, trước bệ tượng có một giếng nước, đường kính khoảng nửa mét, hình bán nguyệt được gọi là “mắt rồng”. Thời xưa, nếu thả quả bưởi xuống giếng, quả bưởi có thể trôi xa ra tận sông Vĩnh Trinh cách khoảng 500m. Nhưng hiện nay, do người dân xây nhà nhiều, nên thả quả bưởi chỉ còn trôi xa khoảng 30-40m ra đến cái hồ trước cửa miếu.