Dân trí - Khách tham quan thử cho ăn thịt, cá thì rùa không ăn mà quay mặt bò nhanh đi nơi khác. Mỗi khi sư tụng kinh, những cụ rùa dù đang ở đâu cũng bò về nằm phục, như chăm chú lắng nghe.
Những ngày cuối tuần hay dịp lễ tết, phật tử, du khách đến chùa Phước Kiển đông nườm nượp, bởi ngoài nét cổ kính, trang nghiêm ngôi chùa còn có những lá sen cõng người đến 140kg và những "cụ" rùa thích ăn chay, nghe kinh...
Chùa Phước Kiển tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp còn có tên gọi khác là chùa Lá Sen được thành lập từ năm 1845.
Theo chia sẻ của Hòa thượng Thích Huệ Từ, trụ trì chùa Phước Kiển thì câu chuyện chùa Lá Sen có các cụ rùa trăm tuổi thích ăn chay, nghe kinh kệ ở đây là có thực.
Ngoài ăn, ngủ, nghe kinh những cụ rùa tại chùa Lá Sen thích bò quanh quẩn trong chánh điện (Ảnh: Bảo Kỳ).
Hiện chùa nuôi 6 "cụ" rùa, trong đó có 1 "cụ" 108 tuổi (nặng 15 kg), 1 "cụ" 103 tuổi (nặng 13 kg). Có 1 con rùa rất đặc biệt, tuổi đời nhỏ nhất, chỉ ngủ mùng (màn) và không bao giờ chịu… xuống nước. Ngoài ra còn có hơn 10 cá thể rùa được phật tử phóng sanh tại chùa và được chăm sóc chu đáo.
Nói về câu chuyện các "cụ rùa" thích ăn chay vị trụ trì cho biết, từ lúc về chùa "tu hành" đến nay các cụ rùa đều ăn chay, đặc biệt cực kì thích rau muống. Mỗi ngày một "cụ" có thể ăn hết 1kg rau muống. Có nhiều khi khách tham quan thử cho ăn thịt, cá thì rùa không bao giờ ăn mà quay mặt bò nhanh đi nơi khác. Mỗi khi sư tụng kinh, những cụ rùa dù đang ở đâu cũng bò về nằm phục, như chăm chú lắng nghe tiếng kinh phật.
Du khách đến tham quan có thể thoải mái ẵm bồng, vuốt ve các cụ rùa (Ảnh: Bảo Kỳ).
Vì tuổi đời trăm năm và biết "tu hành" nên những "cụ" rùa ở chùa này được khách thập phương khi đến thăm chùa đều rất yêu mến. Phật tử đến viếng chùa gọi những "cụ" rùa là "ông quy". Những "ông quy" này suốt ngày chỉ bò quanh quẩn trong sân chùa, ai muốn sờ mó, ôm bồng đều được và dù có bế đi đâu thì "ông quy" vẫn bò về chỗ cũ.
Ngoài chuyện về các cụ rùa, chùa Phước Kiển còn được nhiều người biết đến bởi có những lá sen khổng lồ cõng người nặng cả đến trăm kí. Trước đây chùa từng bị dội bom 2 lần, chỗ hố bom chính là 2 ao sen hiện tại.
Du khách thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm ngồi trên lá sen khổng lồ (Ảnh: Bảo Kỳ).
Năm 1992, Hòa thượng Thích Huệ Từ phát hiện giống sen lạ trong ao, có người gọi là sen vua, có khi gọi là súng nia, cây nong tầm… Lá sen to, dày đường kính tối đa đến 3m. Mặt trên lá có nhiều vân xanh, mặt dưới đầy gai màu nâu đỏ. Hoa sen nở quanh năm không có gương như sen Việt. Lúc mới nở có màu trắng chuyển sang sắc hồng rồi ngả màu tím khi tàn.
Ông Trần Văn Lạc, Phật tử phụ trách trông coi ao sen cho biết, khi mùa thuận tức mùa nước nổi lá sen to đến 3m. Còn ngày thường đường kính của loại sen này chỉ tối đa 2m. Để đứng hoặc ngồi được trên lá sen cần phải đặt một tấm mâm mỏng bằng thiếc hoặc nhựa lên mặt lá, rồi mới từ từ bước vào giữa tâm của chiếc mâm và lá sen. Một lá sen có thể cõng được người tối đa 140kg.
Lá sen cõng người là giống sen vua còn gọi là sung nia, có đường kính tối đa lên đến 3m (Ảnh: Bảo Kỳ).
"Tôi biết đến chùa lá sen qua mạng xã hội nhưng cứ tưởng chùa ở xa, tình cờ đi ngang Đồng Tháp và thấy chùa nên chúng tôi ghé vào tham quan. Đây là lần đầu tiên tôi được đứng trên chiếc lá sen to đến thế và cũng là lần đầu tiên thấy được những cụ rùa hiền từ vô cùng", chị Trần Thị Phượng đến từ Vĩnh Long nói.
Bảo Kỳ