Trong vòng vài ngày qua, đã có đến 2 chiếc máy bay gặp vấn đề về động cơ, khiến linh kiện rơi vãi xuống nhà dân bên dưới.
Vào ngày 20/2/2021, chuyến bay 328 của United Airlines - một chiếc
Boeing 777-200 bay từ sân bay quốc tế Denver đến Honolulu, Hawaii - đã
gặp sự cố động cơ, tạo nên một "cơn mưa" kim loại đổ xuống vùng ngoại ô
Broomfield, Colorado.
Một khối linh kiện khổng lồ, được cho là nắp
chụp động cơ, đường kính ước tính 4,5 mét, rơi thẳng xuống sân trước
của một ngôi nhà cách Denver 40km về phía tây bắc.
Nhiều tweet của
Sở cảnh sát Broomfield cho biết các mảnh vụn còn "hạ cánh" xuống Công
viên Cộng đồng và các khu dân cư Northmoor, Red Leaf. Website của đài
CBS trụ sở Denver đăng tải những hình ảnh về một chiếc xe tải của người
dân bị một mảnh kim loại đè nát, và vị trí xảy ra tai nạn chỉ cách nhà
dân đúng 3 mét.
Một hộ dân khác ở Broomfield, sống trong một ngôi
nhà trên đại lộ Sheridan, hết hồn khi một mảnh vỡ đâm xuyên mái nhà
trong lúc đang làm bánh sandwich, phá hỏng căn bếp, rồi "nhẹ nhàng" đáp
xuống cách nơi chủ nhân ngôi nhà đang đứng 60 cm.
Những tweet đăng
tải bởi các hành khách trên chuyến bay 328 cho thấy cảnh tượng kinh
hoàng khi động cơ máy bay, đã bong mất phần vỏ, bốc cháy và rung lên như
thể sắp rụng xuống.
Hôm sau, ngày 21/2/2021, CNN đưa tin hai người sống ở khu vực Sint
Josephstraat thuộc thị trấn Hà Lan của Meerssen đã bị thương sau khi
nhiều mảnh động cơ của một chiếc máy bay vận tải phát nổ và rơi xuống
mặt đất.
Máy bay vận tải Boeing 747-400, trên đường đến New York,
đã bị cháy động cơ không lâu sau khi cất cánh từ Maastricht, Hà Lan. Máy
bay này sau đó đã được điều hướng về sân bay Liege của Bỉ, nơi có một
đường băng khá dài và may mắn hạ cánh an toàn.
Ngoài việc khiến hai người bị thương (một người phải đi bệnh viện), các mảnh kim loại còn làm hỏng nhiều xe hơi và nhà dân.
Trên
thực tế, việc linh kiện rơi từ máy bay xuống mặt đất diễn ra khá phổ
biến đến mức người ta đã đặt cho nó một cụm từ viết tắt - TFOA
(Things Falling Off Aircraft, tạm dịch: linh kiện rơi khỏi máy bay). Hãy
cùng điểm lại một vài sự kiện TFOA nổi tiếng thế giới và những hậu quả
mà chúng để lại.
Tháng 12/2019 ở Milton, Massachusetts
Chuyến
bay 405 của Delta Airlines, một chiếc Boeing 767-400 bay từ Paris
(Pháp) đến sân bay Logan ở Boston, sắp hoàn tất hành trình thì một chiếc
cầu trượt thoát hiểm chưa được bơm hơi rơi ra khỏi khoang chứa. Chiếc
cầu trượt này rơi xuống sân sau của một nhà dân ở Milton, làm gãy hàng
loạt cây xung quanh.
Nếu không được kích hoạt, cầu trượt
thoát hiểm trên máy bay được thiết kế để tự động bơm hơi mỗi khi cửa máy
bay mở ra. Dữ liệu bay của chuyến bay nói trên cho thấy khi sự cố xảy
ra, máy bay đang băng qua Milton ở độ cao 670 mét.
Tháng 5/2012 ở Toronto, Canada
Nhiều
mảnh vụn từ máy bay chở khách của Air Canada, đang chở 318 khách và 16
thành viên đoàn trên đường đến Tokyo, đã rơi xuống hàng loạt xe hơi đậu
gần sân bay Pearson của Toronto.
Giống như sự cố Denver, chiếc
Boeing 777 của Air Canada cũng bị hỏng động cơ, mà máy bay đã phải hạ
cánh khẩn cấp xuống sân bay gần đó.
Don Enns, quản lý vùng thuộc
bộ phận điều tra hàng không của Uỷ ban An toàn Vận tải Canada, nói rằng
dù không có thiệt hại nào xảy ra với phần trước của động cơ máy bay, "tôi không nhớ ra đã có bất kỳ sự kiện nào mà phần sau của động cơ lại rơi ra như thế này"
Tháng 5/2012 ở bãi biển Hallandale, Florida
Cũng
vào tháng 5/2012, cửa của buồng chính trên một chiếc máy bay tư nhân
thuộc dòng Canadair CL600 bay từ Opa-Locka đến bãi biển Pompano,
Florida, đã bung ra và rơi xuống một sân golf.
Cánh cửa này, với
các bậc thang vẫn còn gắn trên đó, đã đâm sầm vào nhiều thân cây trước
khi hạ cánh xuống sân golf. Sau khi rơi mất cửa, máy bay đã được điều
hướng và hạ cánh an toàn xuống sân bay Fort Lauderdale.
Tháng 11/2010 ở Batam, Indonesia
Chuyến
bay số 32 của Qantas, một chiếc Airbus A380, bay từ London đến Sydney,
sau khi dừng chân tại Singapore đã tiếp tục cất cánh từ sân bay Changi
rồi gặp sự cố ở một trong bốn động cơ Rolls-Royce Trent 900 của nó.
Sự cố xảy ra 4 phút sau khi cất cánh, khi máy bay đang bay trên bầu
trời đảo Batam, Indonesia, và các mảnh vụn từ máy bay đã rơi xuống nhiều
nhà dân ở Batam.
Một cuộc điều tra đã cho thấy
một đĩa turbine trong động cơ bị rã ra, làm hỏng vỏ ngoài, một cánh của
máy bay, hệ thống nhiên liệu, bánh xe hạ cánh, và các bộ phận kiểm soát
bay lẫn động cơ. Nó còn gây cháy ở một trong các bình nhiên liệu của máy
bay, nhưng may mắn thay đám cháy đã được tự dập.
Đây là lần đầu
tiên loại tai nạn này xảy ra đối với một chiếc Airbus A380, vốn là mẫu
máy bay chở khách lớn nhất thế giới, khiến Qantas phải tạm thời ngừng
bay toàn bộ các máy bay A380 khác của hãng. Vụ việc còn buộc các hãng
hàng không Lufthansa và Singapore Airlines phải thay một vài động cơ
Rolls-Royce của họ, trong khi những chiếc A380 khác thuộc Air France và
Emirates không bị ảnh hưởng bởi chúng dùng động cơ sản xuất bởi Engine
Alliance, một công ty cổ phần giữa GE Aviation và Pratt & Whitney.
Ngay
sau tai nạn, giá cổ phiếu của Rolls-Royce Holdings đã giảm đến 10% trên
sàn chứng khoán London, trong khi cổ phiếu của Airbus cũng giảm nhưng
không nhiều bằng.
Tháng 11/2010 ở Milton, Massachusetts
Milton,
Massachusetts nằm ngay dưới đường hạ cánh của một trong những đường
băng thuộc sân bay Logan của Boston. Vào tháng 12/2010, thi thể bị biến
dạng của một teen đến từ Bắc Carolina đã được tìm thấy trên một con phố
vắng lặng ở Milton.
Người ta tin rằng Delvonte Tisdale đã bám vào
càng của một chiếc Boeing 737 bay từ sân bay quốc tế Charlotte Douglas
(Bắc Carolina) đến sân bay Logan của Boston. Áo thun và giày sneaker của
chàng trai xấu số được phát hiện nằm rải rác dọc đường bay của máy bay
và vụ việc đã làm dấy lên những lo ngại về an ninh tại sân bay
Charlotte.
Tháng 6/2003 ở Gatwick, Vương quốc Anh
Một
cặp đôi đang đi dạo trong rừng gần sân bay Gatwick của Anh thì một phần
của cánh cửa nặng gần 32kg từ chiếc Boeing 777 của British Airways đang
chở 272 khách rơi xuống đất, cách họ đúng 6 mét.
Cánh cửa này đã
bị bật ra khỏi vị trí ngay sau khi hạ cánh, và Chi nhanh Điều tra Tai
nạn Hàng không của Vương quốc Anh sau đó phát hiện ra rằng chỉ 1 trong
số 13 chốt trên cửa đã được gài chặt.
Tháng 8/2000 ở Los Angeles, California
Không
lâu sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Los Angeles, một chiếc Boeing
747 của KLM Royal Dutch Airlines chở 449 khách đã phải hạ cánh khẩn cấp
vì rơi mất nhiều phần linh kiện. Một mảnh có kích thước bằng một chiếc
máy rửa bát được xác định là đầu ống thoát khi thải của một trong 4 động
cơ.
Các kiểm soát viên không lưu đã quan sát thấy linh kiện rơi
ra từ máy bay và cảnh báo phi công. Phi công sau đó đã phải đổ 83 tấn
nhiên liệu xuống Thái Bình Dương trước khi quay về sân bay LAX an toàn.
Các mảnh linh kiện nói trên đã rơi xuống bãi biển bang Dockweiler.
Theo
báo cáo của CBS News, các nhà điều tra kết luận rằng một chú chim cỡ
lớn hẳn đã bị hút vào động cơ, khiến các cánh quạt mất cân bằng và va
vào nhau.
Tháng 7/2000 ở Paris, Pháp
Vào ngày
25/7/2000, chuyến bay 4590 của Air France, một chiếc máy bay siêu thanh
Concorde, đang trên đường từ sân bay Charles de Gaulle, Paris, đến sân
bay quốc tế John F. Kennedy, New York. Khi đang chạy trên đường băng cất
cánh, chiếc Concorde đã bám đuôi một chiếc DC-10 của Continental
Airlines, và chiếc máy bay chạy phía trước này đã bị rơi mất một dải
linh kiện bằng titanium vốn là một trong các phần chụp động cơ của nó.
Dải linh kiện có chiều dài 435mm, rộng từ 29-34mm, và dày 1,4mm. Khi
chiếc Concorde chạy đè lên nó, một trong các bánh xe của máy bay phát
nổ, bắn một mảnh bánh nặng 4,5kg bay với vận tốc ước tính 140m/s về phía
phần dưới của cánh trái máy bay.
Dù mảnh bánh xe này không đâm
thủng thùng nhiên liệu nằm trong cánh máy bay, nó đã tạo ra một đợt sóng
áp lực làm vỡ thùng nhiên liệu số 5, khiến nhiên liệu chảy ra và bốc
cháy. Trước tình thế đó, các kỹ sư đã tắt động cơ số 2 của chiếc
Concorde.
Khi thùng nhiên liệu bị vỡ, nó đã thổi các mảnh vụn vào
khoang chứa bánh xe hạ cánh của Concorde và làm đứt dây diện, khiến bánh
xe này không mở ra được. Thiếu lực đẩy do động cơ đã bị tắt, lại bị tác
động bởi ma sát ở phần bánh xe hạ cánh khiến phi công không thể kiểm
soát được máy bay.
Chiếc Concorde đã đâm vào khách sạn Hotelissimo Les Relais nằm gần
Gonesse, gây thiệt mạng cho toàn bộ 109 hành khách và 4 người trong
khách sạn. Thêm 6 người khác trong khách sạn đã bị thương nghiêm trọng.
Vụ
tai nạn này đã đặt dấu chấm hết cho "sự nghiệp" chở khách thương mại
của chiếc Concorde, vốn là một trong số chỉ hai mẫu máy bay siêu thanh
đang hoạt động vào thời điểm đó. Chiếc còn lại là Tupolev Tu-144 của
Soviet, hoạt động vào cuối thập niên 1970. Chính quyền Pháp đã kiện hãng
Continental Airlines và hai nhân viên của họ - người thợ máy đã thay
thế dải kim loại của chiếc được 10 và người quản lý của anh ta - với tội
giết người, cùng cáo buộc đã thực hiện hoạt động sửa chữa một cách cẩu
thả.
Continental đã kháng cáo với các nhân chứng nói rằng chiếc
Concorde đã bị cháy trước khi đâm phải dải titanium. Khi phiên toà diễn
ra ở Paris, Continental Airlines đã bị kết luận là có tội và phải nộp
khoản án phí 271.628 USD cùng khoản bồi thường 1 triệu Euro cho Air
France.
Người thợ máy của Continental Airlines bị cho nghỉ việc 15
tháng, tuy nhiên bản án này đã được gỡ bỏ bởi một phiên toà kháng cáo
vào tháng 11/2002. Dẫu vậy, phiên toà vẫn buộc Continental phải có trách
nhiệm hoàn trả 70% số tiền 100 triệu Euro mà Air France phải trả cho
gia đình các nạn nhân.
Ngày nay, có một khu vực tượng đài tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tai
nạn ở Gonesse. Nó được cấu tạo từ một miếng kính trong suốt cùng một
mảnh cánh của máy bay đâm xuyên qua. Năm 2006, một khu tưởng nhớ khác
được lập nên tại Mitry-Mory, phía nam của sân bay.
Tham khảo: InterestingEngineering