Loài cá khét tiếng tại sông Amazon (Brazil) đã là nguồn cảm hứng cho rất
nhiều bộ phim kinh dị của Hollywood, với điểm chung là lột tả khả
năng... tỉa sạch xương bất kỳ sinh vật sống nào không may rơi vào lãnh
địa của chúng.
Nhưng bạn có biết nguồn cơn của nỗi sợ hãi này đến từ đâu không? Đó
là Theodore Roosevelt - người đã được chứng kiến sự hung hãn của piranha
và đưa vào một trong những cuốn sách của mình.
15 phút rỉa sạch tận xương một con bò
Chuyện
xảy ra vào năm 1912, Roosevelt tiến hành một chuyến thám hiểm xuống hạ
lưu "con sông bí ẩn" nằm sâu trong lưu vực sông Amazon.
Chuyến đi
bắt đầu với 19 người, nhưng chỉ 16 trở về. Lý do không quá đặc biệt:
bệnh tật, bị thương, thiếu lương thực, mệt mỏi, đuối nước... Ngay bản
thân Roosevelt khi trở về cũng trong tình trạng nguy kịch, khi vết
thương tại chân đang có dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng.
Nhưng dù có trải nghiệm không mấy vui vẻ, thì đây vẫn là chuyến đi có
nhiều ý nghĩa. Roosevelt khi đó đã trở thành chính khách Bắc Mỹ đầu
tiên ghé thăm rừng Amazon, và các ngư dân tại đây đã "chiêu đãi" họ bằng
những món... đặc sản giải trí tương đối rùng rợn.
Theo như ghi
chép của Herbert R. Axelrod - chuyên gia nghiên cứu về cá nhiệt đới, các
ngư dân tại Amazon có dùng lưới quây một khu vực rộng 90m, trong đó
chứa hàng trăm con piranha bị bỏ đói. Roosevelt lúc đó được dặn không
được phép xuống nước, vì chúng là những con cá vô cùng đáng sợ.
Để
chứng minh, họ đẩy một con bò già ốm yếu xuống sông. Một cảnh tượng
kinh khủng đã xảy ra: hàng trăm con cá quẫy mình xâu xé, kéo con bò xấu
số xuống nước. Chỉ hơn 10 phút sau, họ kéo lên một bộ xương trắng nhởn.
Cảnh
tượng ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Roosevelt. Sau này trong cuốn
sách về chuyến thám hiểm mang tên "Through the Brazilian Wilderness",
ông mô tả đây là "loài cá hung hãn nhất thế giới. Ngay cả cá mập cũng
thường chỉ săn mồi nhỏ hơn chúng. Còn piranha, chúng sẵn sàng lao vào
tấn công, dù con mồi lớn hơn chúng nhiều lần."
"Hàm răng sắc nhọn giống cá mập, cơ hàm lại khỏe đến bất ngờ, cách
chúng tấn công giúp răng ngập đến tận xương. Đầu chúng nhỏ, đôi mắt
lạnh lùng đến tàn nhẫn, hàm răng "máy xay thịt", và hành vi thì hoàn
toàn phù hợp với cấu tạo cơ thể."
Sự thật bất ngờ: cá piranha không quá hung hãn như chúng ta tưởng
Cảnh
tượng Roosevelt thấy là thật, và suốt một thời gian dài loài người đã
bị ám ảnh bởi sự đáng sợ của piranha. Tuy nhiên sau này, các nghiên cứu
đã hé lộ một sự thật: việc chúng xơi tái con bò nhanh như vậy âu cũng là vì con người.
Cần
biết rằng khu vực sông được quây lại đó chứa toàn những con cá piranha
bị bỏ đói, nên chúng hung hãn hơn bình thường và có thể tấn công con mồi
rất nhanh. Còn trong điều kiện thực tế, cá piranha rất khó có thể hạ
gục được một con người trưởng thành khỏe mạnh.
Theo các tài liệu ghi nhận, piranha đã từng tấn công sinh vật sống
nhưng chủ yếu là những cá thể chậm chạp, yếu đuối và già cỗi đến uống
nước. Còn về cơ bản, chúng là loài ăn xác. Hầu hết các bộ xương người và
động vật có dấu vết của piranha thực chất đều đã chết trước đó. Một
nghiên cứu năm 2003 cũng cho thấy trong lịch sử có rất ít trường hợp con
người bị piranha ăn thịt, và ít nhất 3 trường hợp trong đó đã chết
trước khi bị tấn công.
Piranha có thể ăn nhiều thứ: thú, côn
trùng, cá, thậm chí là ăn lẫn nhau. Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều
người, chúng không thực sự tấn công bất kỳ thứ gì. Nếu có sinh vật nào
vô phúc bơi ngang qua, chúng sẽ chỉ... xin một miếng rồi thôi chứ không
cắn rỉa liên tục. Và đa phần các nạn nhân của chúng đều sống sót, chỉ bị
xây xước không đáng kể.
Thậm chí bạn có thể bơi ngang qua một
khúc sông có piranha mà vẫn bảo toàn tính mạng, vì chúng không coi con
người đang di chuyển là một mục tiêu được ưu tiên.
Tuy nhiên, cũng
cần lưu ý rằng các trường hợp bị piranha "xin" một vài ngón tay hoặc
chân là có thật, và tỉ lệ đang ngày càng tăng lên. Nguyên nhân là bởi
các con đập tại sông Amazon đang xuất hiện ngày càng nhiều, tạo môi
trường hoàn hảo cho piranha đến và sinh sản.
Tình cờ thay, các con
đập với dòng nước chảy chậm cũng là địa điểm ưa thích dành cho con
người đến bơi lội, dẫn đến tỉ lệ chạm trán giữa người và cá cũng tăng
cao.
Tham khảo: IFL Science, How Stuff Work