Nói cách khác, bạn có thể dạo chơi ở Bắc Cực với một chiếc quần short và áo phông. Nhưng tiếc là đó chẳng phải tin mừng đâu
Nhiệt độ tại nhiều khu vực phía Nam Vành đai Bắc Cực
Mùa hè năm 2019 là thời điểm phá vỡ nhiều kỷ lục về nhiệt độ trên thế
giới. Nhiệt độ tại các nước châu Âu liên tục vượt kỷ lục, nhiều người
chết về nắng nóng, thậm chí là ở những quốc gia nổi tiếng là có khí hậu
ôn hòa.
Câu chuyện tại Vành đai Bắc Cực hóa ra cũng không khả quan
hơn. Các chuyên gia khí tượng cho biết vào tháng 7 vừa qua, bạn thậm
chí hoàn toàn có thể mặc quần short với áo phông để dạo chơi tại một vài
khu vực phía Nam của Vành đài Bắc Cực. Bởi lẽ, nhiệt độ ở đó chẳng khác
gì Sài Gòn lúc này.
Chỉ có điều, đó lại chẳng phải tin gì đáng mừng, khi nó chỉ chứng
minh rằng hiện tượng Trái đất nóng lên đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ
hơn.
Cụ thể theo NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương
Quốc gia Mỹ) thì vào ngày 26/7, nhiệt độ ở ngôi làng Markusvinsa phía
Bắc Thụy Điển tại rìa phía Nam Vành đai Bắc Cực đã chạm ngưỡng 34,8°C.
Đáng chú ý hơn, nhiệt độ này được ghi nhận vào buổi chiều, và đó cũng là
con số kỷ lục được ghi nhận tại khu vực này.
Những con số tương tự cũng xuất hiện tại các vùng lãnh thổ khác. Như
làng Saltdal của Na-Uy, nhiệt độ lên tới 35,6°C, còn Alaska - vùng đất
thường xuyên ngập chìm trong băng giá - cũng phá kỷ lục khu vực với
32°C.
Không còn băng giá ở một vài khu vực thuộc Vành đai Bắc Cực.
"Những khu vực nhiệt độ tăng đáng kể nhất đang trải rộng khắp Bắc
Bán cầu, như Alaska, Bắc Canada, Nga... với nhiệt độ cao hơn nền nhiệt
trung bình khoảng 2°C," - báo cáo của NOAA cho biết.
Một
dấu hiệu khác cho thấy Vành đai Bắc Cực đang trải qua một mùa hè đáng
sợ, đó là những đợt sấm sét ở bầu trời cách điểm cực khoảng 483km. Tất
nhiên là Bắc Cực vẫn có sấm sét từ xưa rồi, nhưng chưa bao giờ ở gần như
vậy. Đó là chưa kể đến đợt cháy rừng lớn đến khủng khiếp trải rộng khắp
Alaska, Alberta, Greenland và Siberia đang khiến tình hình tệ hơn rất
nhiều.
Tháng 7/2019 cũng được ghi nhận là thời điểm nóng kỷ lục
trong lịch sử hiện đại. Đây thực sự là tín hiệu rất đáng lo ngại, vì
thời điểm năm 2016 Trái đất còn phải hứng chịu pha mạnh của El Niño, vậy
mà nhiệt độ cũng không cao bằng lúc này.
Và theo Mạng lưới thời
tiết Thế giới, nhiều khả năng nhiệt độ này đến từ những tác động của con
người đến quá trình biến đổi khí hậu trên thế giới.
Tham khảo: IFL Science, Science Alert