Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố danh sách những công nghệ đột phá hàng năm, có khả năng tác động tích cực nhất đến thế giới. Từ biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng, 10 công nghệ năm 2021 đưa ra các giải pháp cho những thách thức toàn cầu.
Những công nghệ mới của năm 2021 cho thấy tốc độ đổi mới
nhanh chóng của nhân loại và tầm nhìn về một tương lai bền vững hơn, lành mạnh
hơn.
Jeremy Jurgen, Giám đốc điều hành tại Diễn đàn Kinh tế Thế
giới cho biết: “Mục tiêu của danh sách là luôn xác định những công nghệ có tiềm
năng tác động lớn nhất, đa dạng và đầy cảm hứng. mỗi công nghệ đều có tiềm năng
giải quyết những thách thức lớn trên toàn cầu”.
Các công nghệ trong danh sách, do các chuyên gia Diễn đàn
Kinh tế Thế giới và Khoa học Mỹ lựa chọn dựa trên một số tiêu chí, các công nghệ
hứa hẹn mang lại những lợi ích lớn cho xã hội và nền kinh tế, phải mang tính đột
phá, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và nhà nghiên cứu và dự kiến sẽ đạt được
quy mô đáng kể trong vòng 5 năm.
Trong 9 năm qua, các chuyên gia đưa ra dự đoán về những công
nghệ mới có những tác động lớn đến xã hội, kinh tế và môi trường trên toàn thế
giới. Nhiều dự đoán được chứng minh là đúng, cũng có những dự đoán khác không
hiện thực. Chỉ có thời gian mới trả lời được liệu 10 công nghệ mới nổi hàng đầu
năm nay sẽ thay đổi cuộc sống hay bị thay thế khi các nhu cầu cấp thiết xuất hiện.
10 công nghệ hàng đầu bao gồm:
Công nghệ khử cacbon
Khi các quốc gia đồng nỗ lực thực hiện các cam kết chóng biến
đổi khí hậu, hàng loạt công nghệ cung cấp các giải pháp giảm lượng khí thải
carbon, hoặc hấp thu carbon dioxide từ không khí, sẽ mở rộng quy mô nhanh
chóng.
Những công nghệ này bao gồm điều hòa không khí không phát thải
ròng, xi măng carbon thấp, các nguồn năng lượng tái tạo và protein không có thịt
cùng với những công nghệ xanh khác.
Cây trồng tự bón phân
Việc cung cấp lương thực cho dân số ngày càng tăng trên thế
giới chủ yếu trên cơ sở các loại phân bón công nghiệp chứa nitơ như amoniac,
quy trình sản xuất xả thải chiếm 1% đến 2% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu.
Những phương pháp tiếp cận kỹ thuật mới khiến cây trồng tự sản xuất phân bón bằng
việc mô phỏng lại mối quan hệ cộng sinh giữa rễ cây và vi khuẩn đất, có sẵn trong
tự nhiên.
Cảm biến hơi thở chẩn đoán bệnh
Giới thiệu công nghệ phân tích hơi thở di động bằng mô-đun cảm biến di động.
Hơi thở của con người chứa hơn 800 hợp chất. Những công nghệ
cảm nhận hơi thở mới sẽ phân tích những hợp chất này và phát hiện các thay đổi
về nồng độ của hợp chất có liên quan đến bệnh tật. Thử nghiệm giai đoạn đầu chứng
minh được tiềm năng của công nghệ cảm biến hơi thở, có thể chẩn đoán Covid-19,
bệnh lao và ung thư.
Sản xuất thuốc theo yêu cầu
Thiết bị do các nhà nghiên cứu MIT chế tạo có thể sản xuất một số loại dược phẩm khác nhau. (Ảnh: MIT News)
Theo truyền thống, thuốc được sản xuất theo lô lớn thông qua
quy trình nhiều bước với các bộ phận khác nhau, phân tán thành nhiều địa điểm
trên toàn thế giới. Những tiến bộ gần đây trong vi lỏng và sản xuất thuốc theo
yêu cầu mở ra khả năng mới, những loại thuốc thông thường như thuốc chống trầm
cảm và thuốc kháng histamine sẽ được sản xuất với liều lượng và công thức chính
xác, phù hợp với từng bệnh nhân, tại nhà thuốc địa phương.
Năng lượng từ tín hiệu không dây
Chip được nhúng 50 bộ dao động mô-men xoắn tạo ra năng lượng điện cho thiết bị điện tử nhỏ. Ảnh Đại học Quốc gia Singapore
Các thiết bị không dây cần nhiều năng lượng để hoạt động,
trong tương lai có thể sẽ không cần pin. Những thiết bị này, như máy điều hòa
nhịp tim và đồng hồ thông minh, sắp tới sẽ được sạc không dây nhờ tín hiệu Wifi
và 5G, mở ra một tương lai khi các thiết bị không dây tiêu thụ điện năng thấp
không bao giờ cần thay pin hoặc sạc.
Kỹ thuật chống các bệnh người cao tuổi
Những nghiên cứu gần đây mở ra sự hiểu biết về cơ chế lão
hóa cơ thể con người, cho phép phát triển những liệu pháp nhắm mục tiêu có thể
ngăn chặn chứng mất trí nhớ và những bệnh liên quan đến tuổi tác, cho phép những
người cao tuổi có thể chất khỏe mạnh hơn.
Amoniac xanh
Sơ đồ quy trình công nghệ sản xuất amoniac xanh
Amoniac đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất lương thực
nhưng quá trình sản xuất amoniac gây ra 1% tổng lượng phát thải khí nhà kính
toàn cầu do sản xuất amoniac truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm nguyên liệu.
Công nghệ Amoniac hướng tới sản xuất phân bón xanh từ các yếu
tố tự nhiên, - năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hydro từ nước và nitơ từ
không khí. Đây là một bước tiến nhảy vọt cho sự bền vững trong ngành phân bón,
cung cấp nhiều loại phân bón thân thiện với môi trường hơn cho cây trồng.
Thiết bị phát hiện các dấu vết sinh học không dây
Thiết bị không dây tích hợp theo dõi dấu hiệu sinh học máu liên tục từ xa
Theo dõi các bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư và một số
bệnh khác yêu cầu phải xét nghiệm máu thường xuyên để xác định và theo dõi một
số dấu hiệu sinh học nhất định. Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong cảm biến
không dây, di động và có thể đeo được hoặc tích hợp trong quần áo, kính áp
tròng có thể theo dõi liên tục những thông tin quan trọng, chuyển giữ liệu đến
các bác sĩ phụ trách, giúp kịp thời đưa ra những giải pháp trị liệu khẩn cấp bảo
vệ sinh mệnh của bệnh nhân.
Những ngôi nhà được in từ vật liệu địa phương
Xây nhà bằng máy in 3D có thể nhanh chóng giải quyết thách
thức thiếu nhà ở cho 1,6 tỷ người trên toàn thế giới đồng thời giảm thiểu ô nhiễm
môi trường từ việc sản xuất và vận chuyển các vật liệu xây dựng truyền thống.
Khái niệm về nhà in 3D đã trở nên quen thuộc với các kỹ sư xây dựng, nhưng những
tiến bộ mới cho phép xây dựng nhà từ vật liệu có sẵn ở địa phương như đất sét,
đá ong/
Để sản xuất những tòa nhà tối giản này, quá trình xây dựng bắt
đầu bằng việc sử dụng vật liệu địa phương với nước và các chất phụ gia đặc biệt.
Sau đó chuyển sang giai đoạn sử dụng máy in 3D in kết cấu ngôi nhà. Công nghệ
cho phép tiết kiệm thời gian, tiền bạc và năng lượng vận chuyển vật liệu xây dựng.
Không gian Internet vạn vật IoT
Khoảng 10 tỷ thiết bị đang hoạt động tạo nên Internet vạn vật
(IoT), con số này dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi trong 10 năm tới. Việc tối đa
hóa hiệu quả của IoT trong truyền thông và tự động hóa đòi hỏi các thiết bị phải
được phổ biến trên toàn thế giới, nhưng mạng di động trải dài chưa đến một nửa
toàn cầu, tạo ra những khoảng cách lớn trong kết nối các thiết bị.
Một hệ thống IoT, phát triển trên không gian vũ trụ có thể xóa
đi những khoảng trống không kết nối, sử dụng một mạng lưới các vệ tinh nano trọng
lượng nhỏ, chi phí thấp quay quanh Trái đất trên độ cao vài trăm km.
Những vệ tinh này có thể có kích thước rất nhỏ, tương tự nhu
một ổ bánh mì nhưng có thể nhận, xử lý và chuyển tiếp 100 triệu tin nhắn mỗi
ngày, có khả năng liên lạc với hàng triệu thiết bị trên mặt đất đồng thời.