Ngày 29/8, CNBC đưa tin, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD, niêm yết tại Trung Quốc tăng hơn 5%, một ngày sau khi công bố lợi nhuận nửa đầu năm 2023 tăng vọt.
Ngày 28/8, nhờ số lượng giao hàng kỷ lục, nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc công bố lợi nhuận ròng tăng 204,68% trong nửa đầu năm 2023 với thu nhập ròng 10,95 tỷ nhân dân tệ (1,50 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, so với 3,59 tỷ nhân dân tệ (492 triệu USD) cùng kỳ năm 2022.
Một chiếc BYD ATTO 3 được trưng bày trong Triển lãm Ô tô Anh tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Farnborough vào ngày 17 tháng 8 năm 2023 ở Farnborough, Anh.
Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của công ty sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc tăng 5,6%, đồng thời giá cổ phiếu của doanh nghiệp ở Thâm Quyến tăng tới 4,75% ngày 29/8.
Trong hồ sơ chứng khoán, BYD cho biết, những con số ấn tượng này có được chủ yếu do sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh doanh xe năng lượng mới. Theo hồ sơ chứng khoán của doanh nghiệp, doanh thu trong 6 tháng đầu năm tăng 72,72% so với nửa đầu năm 2022.
Jiong Shao, nhà phân tích công nghệ Trung Quốc của ngân hàng đa chức năng Anh Barclays cho biết: “Nếu nhìn vào các con số của BYD, rõ ràng mức tăng trưởng doanh thu rất mạnh, nhưng chúng tôi thậm chí còn ấn tượng hơn về tỷ suất lợi nhuận của công ty. Tỷ suất lợi nhuận gộp của BYD trong nửa đầu năm 2023 là 18%. Đó là tỷ suất lợi nhuận gộp của Tesla.”
Thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc công bố kết quả bán hàng quý tốt nhất từ trước đến nay. Theo thông báo của công ty, doanh số bán xe du lịch năng lượng mới trong quý 2 là 700.244 chiếc, tăng khoảng 98% so với cùng kỳ năm 2022. Để so sánh, công ty đối thủ Tesla của Mỹ thông báo đã giao được 466.140 xe trên toàn cầu trong quý II năm 2023.
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh số và số lượng xe xuất xưởng. Đây cũng là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, hiện đang là động lực chính trong xu hướng chuyển đổi từ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe năng lượng sạch, thân thiện môi trường.
“BYD đang hướng tới mục tiêu đáp ứng thị trường đại chúng, nơi Tesla không thể tiếp cận,” Vivek Vaidya, đối tác liên kết (nhà tư vấn cao cấp) của công ty tư vấn kinh doanh Mỹ Frost & Sullivan nhận xét trên chương trình “ Street Signs Asia ” của CNBC ngày 29/8. Vaidya cho biết: “Những chiếc xe do Trung Quốc sản xuất có được lợi thế rất lớn về giá so với Tesla, có những tính năng kỹ thuật tương tự, những chiếc xe trông tuyệt đẹp”.
Cuộc chiến giá cả của Tesla
BYD đang chịu áp lực từ cuộc cạnh tranh gay gắt giá cả giữa các đối thủ trong nước và đặc biệt từ Tesla. Nhà sản xuất xe điện của tỷ phú Elon Musk đã khởi đầu cuộc chiến, liên tiếp giảm giá Model S và Model X trong tháng 8 nhằm giành thị phần lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường Trung Quốc. Cũng trong tháng này, Tesla giảm giá tiếp mẫu xe Model Y và Model 3.
Kể từ khi Tesla giảm giá vào tháng 1, BYD và các đối thủ cạnh tranh trong nước như Nio và Xpeng cũng đồng loạt giảm giá.
Ông Shao từ Barclays, trong chương trình “Squawk Box Asia ” của CNBC ngày 29/8 nói: “Mức giá thấp hơn để loại bỏ những đối thủ yếu hơn trong cuộc cạnh tranh thực sự là liều thuộc tăng cường sức khỏe của ngành. Ông Shao lưu ý: “Biên lợi nhuận hoạt động của BYD là 5%, đây là mức lợi nhuận hoạt động khá tốt và nhiều công ty trên thị trường xe điện Trung Quốc thậm chí còn có tỷ suất lợi nhuận gộp âm, chưa nói đến tỷ suất lợi nhuận hoạt động.”
Động thái giảm giá được các công ty xe điện thực hiện khi người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu trong tình huống sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc yếu hơn dự kiến sau đại dịch Covid và những biện pháp chống dịch ngặt nghèo được dỡ bỏ.
Ông Vaidya của Frost & Sullivan cho biết, các thương hiệu đồng loạt giảm giá để cung cấp càng nhiều sản phẩm ra thị trường càng có hiệu quả cao.
“Xe điện hơi khác so với xe động cơ đốt trong. Xe điện tiếp tục mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất thiết bị gốc OEM sau khi bán”, Vaidya cho biết, đề cập đến các OEM như Tesla trong trường hợp này, doanh nghiệp tiếp tục thu lợi nhuận từ các dịch vụ khác như phần mềm, thiết bị sạc, pin xe điện.
“Ví dụ, khi xe điện bắt đầu được sử dụng, Tesla có các điểm sạc và mỗi dặm chạy bằng Tesla, Tesla sẽ tiếp tục thu được một số tiền. Vì vậy, động thái giảm giá hoặc cuộc chiến giá cả đang diễn ra là nhằm đưa sản phẩm ra thị trường càng nhiều càng tốt,” Vaidya nói. “Sau đó, doanh nghiệp bắt đầu thu lợi từ các dịch vụ.”
Cạnh tranh gay gắt trên thị trường xe điện
BYD đang mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài lĩnh vực ô tô. Ngày 28/8, BYD thông báo, chi nhánh sản xuất điện tử của hãng mua lại công ty sản xuất điện tử di động Mỹ Jabil tại Trung Quốc với giá khoảng 2,2 tỷ USD.
Chi nhánh điện tử BYD Electronics sản xuất nhiều loại sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị sản xuất năng lượng mới, robot và thiết bị thông tin liên lạc.
Công ty Trung Quốc Xpeng cũng cho biết đang mua lại doanh nghiệp phát triển xe điện thông minh của hãng dịch vụ gọi xe công nghệ Didi trong cuộc trao đổi cổ phiếu trị giá 744 triệu USD. Xpeng cũng tuyên bố kế hoạch phát triển một mẫu xe điện dưới một thương hiệu mới, sẽ ra mắt trong năm 2024 với giá dành cho thị trường đại chúng.
Hiện Xpeng đang hợp tác phát triển 2 mẫu xe điện mới với Volkswagen, tích hợp phần mềm hỗ trợ người lái ADAS tiên tiến của Xpeng cho thị trường Trung Quốc với kế hoạch tung ra thị trường vào năm 2026.