Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang nỗ lực sản xuất xe điện chi phí thấp, xóa bỏ vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong phân khúc xe điện hạng trung, thân thiện với người tiêu dùng đại chúng.
Reuters, dẫn phát biểu của các giám đốc điều hành doanh nghiệp sản xuất ô tô châu Âu tại triển lãm phương tiện giao thông tại Munich, Đức (IAA Mobility 2023) cho biết, các công ty châu Âu, quan ngại trước khả năng mở rộng thị trường của các công ty Trung Quốc, đặt mục tiêu sản xuất các xe điện có giá thành phù hợp, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện hơn với người dùng trên thị trường châu Âu và thị trường Trung Quốc.
Giám đốc điều hành công ty Renault Luca de Meo trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại triển lãm xe IAA Munich nói: “Chúng tôi phải thu hẹp khoảng cách về chi phí với một số hãng xe Trung Quốc, những công ty đã bắt đầu sản xuất các xe điện loại này từ thế hệ trước đó”. Ông nói thêm, khi chi phí sản xuất giảm, giá thành xe trên thị trường cũng sẽ giảm theo.
Ông De Meo cho biết, chiến lược phát triển của nhà sản xuất ô tô Pháp hướng tới khả năng ngang bằng về giá với Trung Quốc, chiếc R5 EV sắp ra mắt vào năm 2024 sẽ rẻ hơn từ 25% đến 30% so với các mẫu Scenic và Megane chạy điện của công ty.
Các nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc như BYD, Nio và Xpeng đều đang tập trung vào thị trường xe điện Châu Âu, nơi đang có những chính sách gắt gao nhằm giảm thiểu tác động môi trường. Doanh số bán hàng của các công ty Trung Quốc tăng gần 55%, đạt khoảng 820.000 xe trong 7 tháng đầu năm 2023, chiếm khoảng 13% tổng doanh số bán ô tô trên thị trường này.
<iframe src="https://www.facebook.com/plugins/video.php?height=314&href=https%3A%2F%2Fwww.facebook.com%2Ftrinhthaibang%2Fvideos%2F3447694995447928%2F&show_text=false&width=560&t=0" width="560" height="314" style="border:none;overflow:hidden" scrolling="no" frameborder="0" allowfullscreen="true" allow="autoplay; clipboard-write; encrypted-media; picture-in-picture; web-share" allowFullScreen="true"></iframe>
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu lo ngại về khả năng mở rộng của xe điện Trung Quốc tại triển lãm ô tô Munich. Video Reuters
Xpeng có kế hoạch mở rộng sang nhiều thị trường quốc gia châu Âu hơn trong năm 2024, công ty công nghệ Chiết Giang Leapmotor tuyên bố sẽ ra mắt 5 mẫu xe cho thị trường nước ngoài, chú trọng thị trường châu Âu trong hai năm tới.
Theo công ty dịch vụ tư vấn công nghiệp ô tô Inovev, 8% xe điện mới bán ở châu Âu trong năm 2023 là do các thương hiệu Trung Quốc sản xuất, tăng từ 6% năm 2022 và 4% năm 2021.
Khoảng 41% doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm triển lãm tại sự kiện IAA Mobility tại Munich năm 2023 có trụ sở tại châu Á, số lượng công ty Trung Quốc tham dự gấp đôi, trong đó có các công ty lớn như BYD, Xpeng và nhà sản xuất pin CATL.
Sự xuất hiện của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại châu Âu đã làm dấy lên mối lo ngại, với những sản phẩm giá rẻ, thân thiện người dùng và ứng dụng công nghệ cao, những công ty này có thể thống trị doanh số bán xe điện.
Hildegard Mueller, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), cho biết: “Chúng tôi (doanh nghiệp Đức) có thể mất đi khả năng cạnh tranh”, đồng thời cho biết thêm, triển lãm ô tô Munich đã cho thấy toàn cảnh “áp lực cạnh tranh quốc tế cao”, buộc các doanh nghiệp Đức phải đầu tư nhiều hơn trong quá trình điện khí hóa phương tiện giao thông.
Theo các nhà nghiên cứu tại công ty cung cấp dịch vụ thông tin ô tô toàn cầu Jato Dynamics ở London, một chiếc xe điện hạng trung ở Trung Quốc có giá dưới 32.000 euro (35.000 USD) trong giai đoạn nửa đầu năm 2022 so với khoảng 56.000 euro (59,987 USD) ở châu Âu.
Tối ngày 3/9, giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse nói với Reuters khi đề cập đến vấn đề, các công ty Trung Quốc sẽ tiến vào châu Âu: “Các phân khúc thị trường xe cơ bản hiện này sẽ biến mất hoặc các nhà sản xuất châu Âu sẽ không thực hiện theo các phân khúc này”. Ông đề cập đến các phân khúc cơ bản theo nhân khẩu học mà các công ty châu Âu thực hiện.
Mercedes-Benz sẽ ra mắt dòng xe nhỏ gọn CLA và Neue Klasse của BMW, cả hai đều hướng tới mục tiêu tăng cường phạm vi hoạt động, hiệu suất cao hơn đồng thời giảm một nửa chi phí sản xuất.
Giám đốc điều hành Volkswagen Oliver Blume, trả lời câu hỏi của các phóng viên cho biết, thông qua quan hệ đối tác tại Trung Quốc, nhà sản xuất ô tô đặt mục tiêu cắt giảm 50% chi phí sản xuất pin xe điện.
Chủ tịch Xpeng Brian Gu cho biết, mặc dù các nhà sản xuất ô tô châu Âu hiện đang chậm hơn so với Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển xe điện, nhưng các công ty đã đưa ra "cam kết rất lớn" đối với phương tiện giao thông không phát thải trên cơ sở các mối quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ.
Ông Gu nhấn mạnh: “Tôi không bao giờ đánh giá thấp những nhà sản xuất ô tô lớn, đang cố gắng hết sức để chuyển hướng và tập trung vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng này”.
Nhà phân tích ngành ô tô, GS Ferdinand Dudenhöffer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR) thuộc Đại học Duisburg-Essen cho biết, các công ty Trung Quốc là "nhà vô địch thế giới" trong lĩnh vực phát triển và sản xuất pin, l chiếm tới 40% chi phí của xe điện.
Dudenhoeffer nói thêm rằng các nhà sản xuất pin Trung Quốc, xây dựng các cơ sở ở Đức đang giúp giảm chi phí xe điện, các chính trị gia Đức cần đảm bảo rằng những công ty này "không bị đuổi ra khỏi đất nước với những chiến lược liên quan đến chính trị".