Viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia trong một báo cáo cho biết, Mỹ cần thực hiện một chương trình nghiên cứu lớn về một phương pháp tiếp cận, các đại dương có thể được khai thác nhân tạo nhằm loại bỏ carbon dioxide khỏi không khí.
Các nhà khoa học hiện nay cùng đi đến quan điểm rằng, để thực
hiện giảm lượng khí thải carbon, đang gây bất ổn định khí hậu cần đến những
công nghệ, có thể chủ động loại bỏ CO2 từ không khí.
Bản báo cáo mới được xây dựng trên cơ sở một nghiên cứu khoa
học của Viện Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia năm 2019 chỉ rõ, để đáp ứng
các mục tiêu khí hậu được quốc tế thống nhất, các quốc gia trên thế giới cần loại
bỏ khoảng 10 tỷ tấn CO2 từ không khí hàng năm vào năm 2050, gần 1/4 lượng khí
thải hàng năm hiện nay, song hành cùng với ứng dụng công nghệ xanh giảm lượng
khí thải nhà kính.
Hiện có những chiến lược loại bỏ CO2 trên đất liền như lưu
trữ carbon trong đất nông nghiệp hoặc thay đổi phương pháp quản lý rừng, sẵn
sàng được triển khai. Nhưng có rất ít công trình nghiên cứu về hiệu quả, rủi
ro, lợi ích và sự được – mất của những chiến lược giảm thiểu khí CO2 trên cơ sở
khai thác đại dương.
Một số phương pháp nhằm giảm thiểu khí CO2 từ đại dương
trong tương lai có thể là nuôi trồng rong biển quy mô rộng lớn, kiểm soát chất
dinh dưỡng trong nước biển hoặc thậm chí truyền tải điện qua nước.
Báo cáo đề xuất một chương trình nghiên cứu trị giá 125 triệu
USD nhằm làm rõ hơn những thách thức công nghệ, các tác động về kinh tế, môi
trường và xã hội tiềm ẩn. Nghiên cứu cần được bắt đầu ngay và kéo dài trong 10
năm tới.
Romany Webb, tác giả bản Báo cáo và Học giả nghiên cứu cao cấp
tại Trung tâm Sabin của Đại học Columbia về Luật Biến đổi Khí hậu cho biết, các
phương pháp tiếp cận hấp thu CO2 trên đất liền đều có những hạn chế, vấn đề
quan trọng đặt ra là phải đánh giá khả năng sử dụng đại dương để loại bỏ carbon
dioxide. Không chỉ là các câu hỏi quan trọng về khoa học cần được trả lời mà
còn các câu hỏi có ý nghĩa quyết định về xã hội, luật pháp, quy định và chính
sách công.
Scott Doney, GS khoa học môi trường tại Đại học Virginia giải
thích, các phương án loại bỏ carbon dioxide trong đại dương đã được các nhà
khoa học, tổ chức phi chính phủ và doanh nhân thảo luận như những chiến lược giải
quyết biến đổi khí hậu tiềm năng. Hiện nay, cộng đồng xã hội và những nhà hoạch
định chính sách không có đủ thông tin cần thiết để đánh giá những tác động và sự
đánh đổi nếu sử dụng phương pháp tiếp cận đại dương.
Bản báo cáo đưa ra 6 phương pháp tiếp cận cơ bản:
Cung cấp dinh dưỡng. Giải pháp này liên quan đến phương án bổ
sung các chất dinh dưỡng như photpho hoặc nitơ lên bề mặt đại dương nhằm
tăng khả năng quang hợp của thực vật phù du. Một phần thực vật phù du chìm xuống
khi chết, làm gia tăng vận chuyển carbon xuống đáy sâu đại dương, có thể lưu trữ
hàng thế kỷ.
Báo cáo cho biết, giải pháp này có độ tin cậy từ trung bình
đến cao cho rằng, phương pháp tiếp cận này có hiệu quả cao và có thể mở rộng, rủi
ro môi trường trung bình, chi phí mở rộng quy mô thấp ngoài chi phí giám sát
môi trường. Ước tính sẽ cần 290 triệu USD cho nghiên cứu bao gồm những thí nghiệm
hiện trường và quá trình theo dõi lượng khí carbon trong khu vực được cô lập.
Trồng rong biển. Theo Bản báo cáo, nuôi trồng rong biển quy
mô lớn vận chuyển carbon xuống đại dương sâu hoặc vào trầm tích sẽ có hiệu quả
mức trung bình và lưu trữ CO 2 từ khí quyển thời gian nhiều thế kỷ. Nhưng sẽ có
rủi ro môi trường cấp độ từ trung bình đến cao. Dự kiến cần 130 triệu USD cho
nghiên cứu để làm rõ những công nghệ nuôi trồng và thu hoạch quy mô lớn hiệu quả,
vòng đời của sinh khối rong biển và những tác động môi trường.
Phương án sử dụng Sargassum, một chi tảo nâu trong bộ Fucales, phân bổ rộng rãi ở vùng ôn đới và nhiệt đới để hấp thu CO2 trong nước biển.
Phục hồi hệ sinh thái. Bảo vệ và phục hồi những hệ sinh thái
ven biển, tiếp theo là sự phục hồi của các loại cá, cá voi và những động vật
hoang dã biển khác có thể thu giữ và cô lập carbon. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, phương
pháp tiếp cận này đi cùng với rủi ro môi trường thấp nhất và lợi ích cao. Hiệu
quả hấp thụ CO2 từ thấp đến trung bình. Dự kiến khoảng 220 triệu USD cho nghiên
cứu, bao gồm những nghiên cứu về tác động đến tảo vĩ mô, động vật biển và những
khu bảo tồn biển.
Tăng độ kiềm đại dương. Phương thức tiếp cận này làm thay đổi
tính chất hóa học nước biển, tăng độ kiềm nhằm tăng cường những phản ứng hấp thụ
CO 2 trong khí quyển . Theo Bản báo cáo, các nhà khoa học có sự tin tưởng cao về
hiệu quả của giải pháp này. Tăng độ kiềm của đại dương mang lại rủi ro môi trường
ở mức trung bình và chi phí mở rộng quy mô từ trung bình đến cao. Ước tính cần từ
125 triệu USD đến 200 triệu USD cho nghiên cứu, bao gồm các thí nghiệm tại hiện
trường và phòng thí nghiệm để hiểu rõ mức độ tăng cường độ kiềm và những tác động
lên các sinh vật biển.
Quy trình điện hóa. Cho dòng điện chạy qua nước có thể hoặc
làm tăng tính axit của nước biển, giải phóng CO2 hoặc tăng độ kiềm trong nước,
tăng cường khả năng thu giữ carbon dioxide. Quy trình có độ tin cậy cao về hiệu
quả, độ tin cậy từ mức trung bình đến cao về khả năng mở rộng quy mô. Nhưng phương
thức tiếp cận này có chi phí mở rộng quy mô cao nhất trong số những phương thực
tiếp cận được đánh giá, đồng thời rủi ro môi trường từ trung bình đến cao. Báo
cáo ước tính cần 350 triệu USD cho nghiên cứu, bao gồm cả các dự án thử nghiệm,
phát triển và đánh giá những vật liệu cần thiết để thực hiện.
Nước trồi (Upwelling) và Nước chìm (Downwelling) Nhân tạo. Nước
trồi (Upwelling) di chuyển nước sâu hơn, mát hơn, giàu dinh dưỡng và CO2 lên bề
mặt, kích thích sự phát triển của thực vật phù du. Nước chìm (Downwelling) di
chuyển nước trên bề mặt và carbon xuống dưới đại dương sâu.
Báo cáo cho biết, phương pháp nhân tạo này có độ tin cậy thấp
vào hiệu quả và khả năng mở rộng, hơn thế nữa mang lại độ rủi ro môi trường từ
trung bình đến cao, chi phí thực hiện cao và những thách thức trong giải quyết
vấn đề giải phóng carbon từ đáy biển. Ước tính sẽ cần 25 triệu USD cho những
nghiên cứu như khả năng sẵn có của công nghệ, tiến hành những thử nghiệm hạn chế
và có kiểm soát trên đại dương.