Công ty khởi nghiệp Ấn Độ phát triển kỹ thuật cơ giới hóa canh tác rong biển trên đại dương bằng việc sử dụng một tàu nhỏ 2 thân, thực hiện cả 2 hoạt động, gieo trồng và thu hoạch quy mô lớn.
Thường được sử dụng để gói sushi và tạo hương vị cho súp,
rong biển có tiềm năng rất lớn trong ngành thực phẩm, đồng thời được sử dụng
trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm, dệt may, bao bì phân hủy sinh học và cả nhiên liệu
sinh học.
Thông thường, rong biển được trồng trên dây hoặc lưới lơ lửng
trong đại dương, nhưng các kỹ thuật hiện nay khiến khả năng nuôi trồng quy mô lớn
gần như không thể.
Cơ giới hóa canh tác rong biển
Shrikumar Suryanarayan, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều
hành công ty Sea6 Energy, có trụ sở tại Bangalore, cựu trưởng phòng nghiên cứu
và phát triển tại Biocon, một công ty dược phẩm Ấn Độ chuyên về các loại thuốc
có nguồn gốc sinh học nhận xét: "Các kỹ thuật hiện nay giống như sử dụng một
cái bay và một cái cuốc để làm ruộng."
Được thành lập vào năm 2010, Sea6 Energy muốn cơ giới hóa canh
tác trên đại dương, tương tư như máy kéo liên hợp trong nông nghiệp, sử dụng
“Sea Combine”, một tàu hai thân (catamaran) tự động thu hoạch và trồng lại rong
biển trong đại dương.
Phương tiện sẽ di chuyển qua lại giữa các dòng rong biển,
thu hoạch những cây đã phát triển đầy đủ và thay thế bằng những hạt giống giống
mới.
Nguyên mẫu Sea Combine của Sea6 Energy hoạt động trên một trang trại trồng rong biển ngoài khơi Indonesia. Ảnh CNN
Một mẫu tàu thử nghiệm hiện đang được triển khai tại trang
trại rong biển của công ty ngoài khơi bờ biển Indonesia. Theo Suryanarayan, quốc
gia Đông Nam Á này có truyền thống trồng rong biển. Thông thường dân làng buộc những
mảnh rong biển vào dây thừng và đưa ra biển, trước khi thu hoạch thủ công theo
những dây thừng này và người dân rất mong muốn thu hoạch theo vụ mùa. Khi công
nghệ phát triển và thị trường mở rộng, công ty dự định sẽ triển khai thêm Sea
Combines ở đây và cả ở quê hương Ấn Độ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Fortune Business
Insights, ngành công nghiệp rong biển toàn cầu tăng gấp đôi quy mô từ năm 2005
đến năm 2015, sản lượng đạt đến 33 triệu tấn vào năm 2018, việc canh tác sử dụng
nhiều lao động và sản xuất với chi phí cao sẽ cản trở sự tăng trưởng của thị
trường.
Trang trại rong biển truyền thống trên một rạn san hô ngoài khơi bờ biển Bali, Indonesia. Ảnh CNN
Ông Suryanarayan cho biết, giá thành cao của rong biển hạn
chế những công dụng tiềm năng của sản phẩm, trên thị trường hiện nay thường chi
có hiệu quả kinh tế khi sử dụng rong biển cho những ứng dụng thực phẩm giá cao.
Suryanarayan hy vọng phương tiện Sea Combine sẽ cắt giảm chi
phí và làm cho rong biển rẻ hơn, nhờ đó có thể được sử dụng rộng rãi hơn. Ông
tin rằng phương thức này sẽ không ảnh hưởng đến sinh kế của địa phương vì các hợp
tác xã nuôi trồng thủy sản có thể cho thuê máy móc, cho phép người dân canh tác
trên một diện tích rộng lớn hơn.
Thu hoạch rong biển tự động trên tàu Sea Combine. Video CNN.
Sea Combine chỉ là “một công cụ” trong hoạt động rộng lớn
hơn của Sea6 Energy, Suryanarayan nói. Công ty đã huy động được 20 triệu USD tiền
tài trợ, hiện đang sử dụng rong biển được thu hoạch bằng máy để sản xuất những
sản phẩm giá trị thấp như thức ăn gia súc và phân bón nông nghiệp quy mô nhỏ.
Thực phẩm và nhiên liệu
Giám đốc Suryanarayan thừa nhận, công ty đã trải qua một chặng
đường phát triển chậm, chủ yếu là do thiếu nguồn vốn đầu tư trong những năm đầu
thành lập, ông tin rằng doanh nghiệp đã đạt điến "đỉnh điểm của khó
khăn" do nền tảng đã được xây dựng, công nghệ đang phát triển và có sự
quan tâm đáng kể trên toàn thế giới về tiềm năng của rong biển nhằm giảm thiểu
biến đổi khí hậu.
Bước tiếp theo của công ty là mở rộng phạm vi những sản phẩm
làm từ rong biển, bắt đầu là nhựa sinh học, mục tiêu mà doanh nghiệp dự kiến sản
xuất trong ba năm tới.
Rong biển từ lâu đã nổi lên như một nguồn nguyên liệu thay
thế có thể phân hủy sinh học cho nhựa, Liên minh châu Âu (EU) đã tài trợ cho
nghiên cứu này trong thập kỷ qua. Công ty khởi nghiệp Notpla có trụ sở tại
London hiện đang sử dụng rong biển để chế tạo bao bì bền vững cho đồ uống và nước
sốt. Sea6 Energy cũng đang trong giai đoạn đầu phát triển màng phân hủy sinh học
để thay thế túi nhựa và túi giấy.
Tham vọng táo bạo nhất của công ty là chuyển đổi rong biển
thành nhiên liệu sinh học, giúp giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào dầu thô. Nghiên
cứu khoa học do công ty thực hiện cho thấy giải pháp hoàn toàn khả thi về mặt kỹ
thuật, nhưng ông Suryanarayan thừa nhận, vẫn còn một chặng đường dài với nhiều
khó khăn trước khi sản phẩm có thể khả thi về mặt thương mại.