Chất thải sinh khối từ các nhà máy chưng cất và nông nghiệp có thể cung cấp một nguồn hydro mới từ một dự án nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ sản xuất có hiệu quả về chi phí đầu tư.
Đại học Heriot-Watt ở Edinburgh và công ty dầu khí Malaysia
Petronas sẽ hợp tác trong dự án nghiên cứu trị giá 1 triệu bảng Anh, nhằm mục
đích phát triển các kỹ thuật sử dụng phản ứng nhiệt hóa để sản xuất hydro từ
sinh khối và các vật liệu phế thải nông nghiệp khác.
Các nhà khoa học cũng sẽ khám phá các giải pháp nhằm giải
quyết khả năng mở rộng sản xuất và lưu trữ hydro, các rào cản chính trong khả
năng sử dụng hydro rộng rãi nhằm áp dụng quy mô toàn cầu.
Nghiên cứu ban đầu tập trung vào việc sử dụng ước tính khoảng
4 triệu tấn chất thải và các sản phẩm phụ do các nhà máy chưng cất ở Anh tạo ra
và khoảng 127 triệu tấn chất thải nông nghiệp tạo ra hàng năm ở Malaysia. Nhóm
nghiên cứu lên kế hoạch khám phá khả năng sử dụng các giếng dầu đã cạn kiệt để
lưu trữ hydro tinh khiết mà không cần bổ xung thêm khí gas tự nhiên để ổn định.
GS Raffaella Ocone, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật
Năng lượng Địa chất Heriot-Watt cho biết: “Hydro được coi là yếu tố đóng góp
quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng các phương pháp sản xuất
và lưu trữ hiện nay đang đối mặt với những thách thức lớn về khả năng mở rộng
quy mô.
“Sinh khối và nhiên liệu có nguồn gốc từ sinh khối có thể được
sử dụng để sản xuất hydro một cách bền vững, nhóm nghiên cứu đa ngành của chúng
tôi được thành lập nhằm giải quyết những rào cản hiện nay bằng phương án tập hợp
các kỹ sư, nhà khoa học, nhà địa chất và các đối tác trong ngành năng lượng sạch.
“Công trình nghiên cứu của chúng tôi bước đầu sẽ phát triển
các công nghệ mới để xử lý và sản xuất hydro từ các loại sản phẩm thải sinh khối
khác nhau, hoàn thiện con đường kinh tế tuần hoàn và thu được sản lượng cao hơn
so với mức có thể đạt được từ các phương pháp sản xuất hiện nay”.
“Trọng tâm của nhóm nghiên cứu là hoàn thiện công nghệ, có
thể mở rộng quy mô sản xuất, do hydro vẫn là chỉ có đóng góp nhỏ vào hỗn hợp
năng lượng tổng thể của thế giới. Để thực hiện được tham vọng phát thải bằng
không, thực tế này cần phải thay đổi nhanh chóng. Những cộng tác viên là điều
vô cùng cần thiết cho sự thành công của nghiên cứu này, chúng tôi hoan nghênh
được hợp tác với các đối tác, có cùng chí hướng tham gia nghiên cứu phát triển
cùng nhóm. ”
PGS kỹ thuật quy trình và hóa học Heriot-Watt, TS Aimaro
Sanna, đồng điều tra viên trong dự án, cho biết: “Việc tạo ra các nguồn năng lượng
mới từ những chất thải giải quyết được nhiều thách thức toàn cầu, đồng thời giảm
chôn lấp và giảm thiểu lượng khí thải carbon. Nghiên cứu nhằm sản xuất hydro từ
sinh khối là một bước tiến quan trọng nhằm giải quyết lượng chất thải gia tăng tạo
ra hàng năm trên nhiều lĩnh vực, xây dựng tiềm năng thúc đẩy hydro trở thành
nguồn năng lượng bền vững trong tương lai.”
Chủ nhiệm bộ phận
nghiên cứu và công nghệ Petronas, TS Gboyega Bishop Falope cho biết: “Chúng tôi
tin tưởng rằng nghiên cứu này sẽ nâng cao khả năng tham gia hydro, tạo thành một
phần quan trọng của hỗn hợp các nguồn năng lượng trên thế giới, trở thành một
phần của giải pháp toàn diện mang lại tương lai bền vững.”