Nhóm nghiên cứu Đại học Michigan (MU) phát minh một bảng bán dẫn, sử dụng năng lượng mặt trời chuyển đổi nước thành hydro và oxy, mô phỏng một hoạt động quan trọng trong quang hợp tự nhiên đạt hiệu suất cao.
Sản xuất hydro ngoài trời bằng bảng bán dẫn hấp thu năng lượng
mặt, phát minh này đại diện cho một bước nhảy vọt lớn trong công nghệ, đạt hiệu
quả đến 9.2% gấp gần 10 lần so với những
thí nghiệm tách nước bằng năng lượng mặt trời theo hướng không sử dụng điện
năng.
Nhưng ưu thế lớn nhất của phát minh là giảm chi phí sản xuất
hydro bền vững. Lợi thế này đạt được nhờ giải pháp thu nhỏ chất bán dẫn, là
thành phần đắt nhất của thiết bị. Chất bán dẫn tự phục hồi của nhóm nghiên cứu
UM chịu được tác động của nguồn sáng tập trung tương đương với 160 mặt trời.
Hiện nay, hydro công nghiệp thu được từ khí mê-tan từ nhiên
liệu hóa thạch, sử dụng rất nhiều năng lượng hóa thạch trong quá trình sản xuất.
Nhưng thực vật thu thập các nguyên tử hydro từ nước bằng phương pháp sử dụng
ánh sáng mặt trời. Khi thế giới nỗ lực giảm lượng khí thải carbon, hydro được
quan tâm đặc biệt do có tiềm năng là nguồn nhiên liệu độc lập và là một thành
phần trong nhiên liệu bền vững, được chế tạo ra từ carbon dioxide tái chế.
Ngoài ra, hydro cần thiết cho nhiều quy trình hóa học như sản xuất phân bón.
Zetian Mi, GS kỹ thuật điện và máy tính thuộc UM, lãnh đạo
nhóm nghiên cứu trong bản báo cáo khoa học trên tạp chí Nature cho biết:
"Chúng tôi tin rằng, các thiết bị quang hợp nhân tạo sẽ hiệu quả hơn nhiều
so với quang hợp tự nhiên, mở ra con đường hướng tới khả năng trung hòa
carbon".
Kết quả nổi bật đến từ 2 đổi mới kỹ thuật. Sáng tạo đầu tiên
là khả năng tập trung ánh sáng mặt trời mà không phá hủy chất bán dẫn, khai
thác sử dụng nguồn năng lượng ánh sáng.
"Chúng tôi đã giảm kích thước của chất bán dẫn hơn 100
lần so với một số chất bán dẫn, chỉ hoạt động ở cường độ ánh sáng yếu",
Peng Zhou, nhà nghiên cứu thuộc UM về kỹ thuật điện và máy tính, tác giả đầu
tiên của nghiên cứu cho biết: "Hydro được sản xuất từ công nghệ của chúng
tôi rất rẻ."
Sáng tạo kỹ thuật thứ hai là sử dụng cả phần năng lượng cao
hơn của quang phổ mặt trời để tách nước và phần thấp hơn của quang phổ để cung
cấp nhiệt kích thích phản ứng. Điều kỳ diệu đạt được nhờ một chất xúc tác bán dẫn
tự phục hồi khi sử dụng, chống lại sự xuống cấp mà các chất xúc tác thường gặp
phải khi hấp thụ năng lượng ánh sáng mặt trời để kích hoạt và điều khiển những
phản ứng hóa học.
Ngoài việc xử lý cường độ ánh sáng cao, chất bán dẫn mới có
thể hoạt động mạnh ở nhiệt độ cao, nhiệt độ mà linh kiện bán dẫn máy tính có thể
bị tổn hai. Nhiệt độ cao đẩy nhanh quá trình phân tách nước, kích thích các
nguyên tử hydro và oxy duy trì sự tách biệt thay vì phản ứng liên kết tạo thành
nước một lần nữa. Cả hai đặc tính này khiến công nghệ mới của nhóm thu được lượng
khí hydro cao hơn.
Để thực hiện thí nghiệm ngoài trời, Zhou thiết lập một thấu
kính có kích thước bằng cửa sổ ngôi nhà, hội tụ ánh sáng mặt trời vào một tấm bảng
thí nghiệm có bề ngang chỉ vài inch. Trong bảng thí nghiệm đó, chất xúc tác bán
dẫn được bao phủ trong một lớp nước, sủi bọt khí hydro và oxy mà chất bán dẫn
tách ra.
Chất xúc tác được chế tạo từ các cấu trúc nano indi gallium
nitride, phát triển trên bề mặt silicon. Tấm wafer bán dẫn hấp thu ánh sáng,
chuyển hóa thành các electron và lỗ trống tự do - những khoảng trống tích điện
dương để lại khi các electron được giải phóng bởi năng lượng ánh sáng. Những cấu
trúc nano được rắc lên những quả bóng kim loại kích thước nano, có đường kính
1/2000 milimét, sử dụng các electron và lỗ trống để giúp định hướng phản ứng
phân tách.
Một lớp cách nhiệt đơn giản được đặt trên đỉnh của bảng điều
khiển, duy trì nhiệt độ ở mức 75 độ C, (167 độ F), đủ nhiệt để kích thích phản ứng
đồng thời cũng là nhiệt độ khiến chất xúc tác bán dẫn hoạt động tốt. Phiên bản
ngoài trời của thí nghiệm, với ánh sáng mặt trời và nhiệt độ kém tin cậy hơn, đạt
hiệu suất 6,1% khi biến năng lượng từ mặt trời thành nhiên liệu hydro. Ở điều
kiện trong nhà, hệ thống đạt hiệu suất 9,2 %.
Thí nghiệm phân tách nước thành hydro và oxy với chất bán dẫn làm xúc tác, sử dụng năng lượng mặt trời cường độ cao. Video Michigan Engineering.
Những thách thức tiếp theo mà nhóm nghiên cứu lên kế hoạch
giải quyết là tăng cường hơn nữa hiệu quả phân tách và thu được hydro độ tinh
khiết cực cao, có thể được cung cấp trực tiếp vào pin nhiên liệu.
Một phần tài sản trí tuệ liên quan đến nghiên cứu này đã được
cấp phép cho công ty NS Nanotech Inc. và NX Fuels Inc., do GS Mi và Đại học
Michigan đồng sáng lập. Hai công ty này được thành lập để phát triển và đưa vào
thương mại hóa sản phẩm trí tuệ này.
Công trình nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc
gia, Bộ Quốc phòng, Trung tâm Đổi mới Thương mại hóa và Nghiên cứu Dịch thuật
Michigan, Chương trình Bầu trời xanh của Trường Cao đẳng Kỹ thuật tại Đại học
Michigan và Văn phòng Nghiên cứu Quân đội Mỹ.