Các nhà khoa học phát minh chất xúc tác mới, chuyển đổi hydrocarbon của rác thải nhựa và khí tự nhiên, thành những hóa chất và vật liệu có độ bền cao, dễ dàng tái chế và thân thiện với môi trường.
Một nhóm nhà khoa học Mỹ, dẫn đầu là Aaron Sadow, nhà nghiên
cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Ames, GS Hóa học tại Đại học Bang
Iowa, Giám đốc Viện Hợp tác Tái chế Nhựa (iCOUP) đã phát triển một chất
xúc tác mới giúp chuyển hóa hydrocarbon thành chất dẻo cao cấp hơn, những hóa
chất và vật liệu có giá trị, có thể tái chế và thân thiện với môi trường.
Chất xúc tác mới có thể chuyển đổi những vật liệu như dầu động
cơ, túi nhựa dùng một lần, chai nước hoặc sữa, nắp chai lọ và cả khí tự nhiên
thành những hợp chất bền vững hơn.
Chất xúc tác mới được thiết kế nhằm bổ sung những nhóm chức
năng vào hydrocarbon béo, loại hợp chất hữu cơ chỉ bao gồm hydro và
carbon. Các hydrocarbon này thường không tan vào trong nước và tạo thành những
lớp riêng biệt do thiếu các nhóm chức năng.
Bằng phương pháp kết hợp các nhóm chức năng vào những chuỗi
hydrocarbon, các đặc tính của vật liệu sẽ thay đổi đáng kể và có thể tái chế
nhiều lần.
Mê-tan trong khí tự nhiên là hydrocarbon đơn giản nhất không
có gì ngoài liên kết cacbon-hydro (CH). GS Sadow giải thích: Dầu và polyme
có các chuỗi nguyên tử carbon, được liên kết với nhau bằng liên kết
carbon-carbon (CC).
Hydrocarbon béo có trong có trong các phân tử cấu thành nhiều
dầu mỏ và những sản phẩm dầu mỏ tinh chế như nhựa và dầu động cơ. GS Sadow
cho biết những vật liệu này “không có những nhóm chức năng khác, do đó không dễ
bị phân hủy sinh học. “Vì vậy, mục tiêu từ lâu trong lĩnh vực xúc tác là
có thể lấy những vật liệu này và thêm các nguyên tử khác như oxy hoặc xây dựng
cấu trúc mới từ những hóa chất đơn giản này.”
Một trở ngại đáng kể là phương pháp thông thường để thêm các
nguyên tử vào chuỗi hydrocarbon đòi hỏi đầu vào phải sử dụng năng lượng đáng kể,
sử dụng các chất xúc tác từ kim loại quý hiếm. Dầu mỏ đầu tiên được “bẻ
khóa” bằng nhiệt và áp suất thành những khối xây dựng nhỏ. Tiếp theo, những
khối xây dựng đó được sử dụng để phát triển chuỗi. Cuối cùng, những nguyên
tử cần thiết được thêm vào cuối chuỗi. Trong phương pháp mới của nhóm
nghiên cứu, các hydrocarbon béo được chuyển đổi trực tiếp mà không cần crackinh
(bẻ gãy) và ở nhiệt độ thấp.
Nhóm của GS Sadow trước đây đã sử dụng chất xúc tác để phá vỡ
những liên kết CC trong các chuỗi hydrocacbon này, đồng thời gắn nguyên tử nhôm
vào các đầu của những chuỗi nhỏ hơn. Tiếp theo, nhóm chèn oxy hoặc các
nguyên tử khác để tạo ra các nhóm chức
năng. Nhằm phát triển một quy trình bổ sung, nhóm nghiên cứu đã tìm ra phương
pháp tránh bước phá vỡ liên kết CC.
GS Sadow cho biết: “Tùy thuộc vào độ dài chuỗi của nguyên liệu
ban đầu và những đặc tính mong muốn của sản phẩm, chúng tôi có thể rút ngắn chuỗi
hoặc đơn giản là thêm nhóm chức năng oxy. Nếu chúng ta có thể tránh được sự
phân tách CC, thì về nguyên tắc, chỉ cần chuyển các chuỗi từ chất xúc tác sang
nhôm và sau đó thêm không khí để thiết lập nhóm chức năng.”
GS Sadow cho biết, chất
xúc tác được tổng hợp bằng cách gắn một hợp chất zirconium vào silica-alumina,
cả hai đều có bán trên thị trường. Những chất này có nhiều trên trái đất
và không đắt, có lợi cho những ứng dụng thương mại tiềm năng trong tương lai.
Hơn thế nữa, chất xúc tác và chất phản ứng đều thân thiện
môi trường và chi phí thấp. Nhôm là kim loại dồi dào nhất trên trái đất, chất
phản ứng nhôm được tổng hợp mà không tạo ra sản phẩm phụ thải. Tiền chất
xúc tác trên cơ sở zirconium alkoxide ổn định trong không khí, sẵn có và được
kích hoạt trong lò phản ứng. GS Sadow nói: “Do vậy, không giống như nhiều
chất hóa học cơ kim ban đầu cực kỳ nhạy cảm với không khí, tiền chất xúc tác này
rất dễ xử lý.”
Hóa chất được tạo thành là một bước tiến tới khả năng tác động
đến tính chất vật lý của nhiều loại nhựa như khiến cho nhựa bền, dễ tạo màu và
tái chế hơn. Sadow cho biết: “Khi chúng tôi phát triển nhiều chất xúc tác hơn,
chúng tôi hy vọng sẽ có thể kết hợp ngày càng nhiều nhóm chức năng, tác động đến
các tính chất vật lý của polymer.
Theo GS Sadow kết quả thành công của dự án này là sự hợp tác
chặt chẽ của iCOUP. Các nhà khoa học, tham gia vào dự án tại Phòng thí
nghiệm Quốc gia Ames đã nghiên cứu cấu trúc chất xúc tác bằng quang phổ cộng hưởng
từ hạt nhân (NMR). Các nhà khoa học từ Đại học Cornell và Phòng thí nghiệm
Quốc gia Argonne nghiên cứu cấu trúc và tính chất vật lý của polyme.
Nhóm nhà khoa học tại Đại học Illinois đã mô hình hóa chức
năng polymer theo mô hình thống kê. “Thành công của dự án ở trung tâm được
xây dựng trên sự đóng góp chuyên môn sâu của nhiều nhóm nghiên cứu, nhờ đó đã
giúp rút ngắn được thời gian và nhanh chóng có được kết quả tối ưu.”
Chất xúc tác do nhóm
nghiên cứu của GS Aaron Sadow phát triển mở ra một hướng mới, khiến cho quy
trình tái chế rác thải nhựa sử dụng một lần trở lên dễ dàng hơn, đồng thời tạo
ra những sản phẩm mới có độ bền cao, khả năng tái chế nhiều lần và giảm thiểu
phát thải carbon.