Ông Tetsuro Higashi đảm nhận một nhiệm vụ dường như bất khả thi: Xây dựng và phát triển một nhà sản xuất linh kiện bán dẫn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Nhật Bản, thực hiện trong 4 năm.
Ông Tetsuro Higashi Ảnh: Shoko Takayasu/Bloomberg
Người đàn ông 73 tuổi có quyết tâm cao. Ông lập luận rằng, công ty mới được thành lập Rapidus Corp có thể nhanh chóng bắt kịp tốc độ phát triển với các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn khác như Công ty Sản xuất Linh kiện Bán dẫn Đài Loan TSMC và Công ty điện tử Samsung Hàn Quốc với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Nhật Bản cũng như các nhà sản xuất thiết bị trong nước.
Liên doanh Rapidus đang nỗ lực hiện thực hóa điều mà các chuyên gia công nghệ cho rằng, Nhật Bản nên thực hiện từ nhiều thập kỷ trước khi đánh mất lợi thế quốc gia trong ngành công nghiệp bán dẫn. Rapidus được thành lập tháng 8/2022, do nhà nước hậu thuẫn và đang đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng một xưởng đúc chip tiên tiến, sẽ hoạt động vào năm 2027, một tài sản nội địa mà ông Higashi cùng những đồng nghiệp tin tưởng rằng sẽ củng cố và thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Nhật Bản.
Higashi, giữ vị trí chủ tịch của Rapidus, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News nói: “Đi trước những doanh nghiệp khác và công nghệ độc đáo là phương pháp duy nhất có thể thu được nhiều lợi nhuận. Sẽ tự hạ thấp mình nếu làm điều gì đó mà những người khác đã làm.”
Hiện nay, các chính phủ cường quốc công nghệ từ Washington đến Bắc Kinh và Brussels đang cố gắng xây dựng năng lực sản xuất linh kiện bán dẫn nội địa. Nhật Bản đã có một tham vọng táo bạo nhất trong ngành công nghiệp chip. Rapidus đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt chip 2 nanomet chỉ 2 năm sau TSMC và Samsung, những công ty hàng đầu thế giới trong ngành chip.
Từ góc nhìn công nghệ, vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp chip, hay khả năng chế tạo chip bán dẫn ở dạng hình học tiên tiến nhất, chỉ tập trung vào 3 công ty khổng lồ công nghệ trong nhiều năm là TSMC, Samsung và Intel. Mọi đối thủ khác đều đã thất bại khi không thể theo kịp số tiền đầu tư và chuyên môn kỹ thuật mà 3 doanh nghiệp đã đổ vào cho mỗi thế hệ silicon, hiện nay ngay cả Intel cũng đang gặp khó khăn.
Akira Minamikawa, nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu Omdia cho biết: “Những gì Rapidus đang cố gắng thực hiện là vô cùng khó khăn ngoài khả năng tưởng tượng, nhưng không phải là hoàn toàn không thể thực hiện được vì công ty hợp tác với các đối tác toàn cầu, đồng thời chính quyền của các quốc gia liên quan có thể sẽ hỗ trợ khi cần thiết”.
Theo một nghĩa mang tính lịch sử, kế hoạch này là nỗ lực quay ngược thời gian về những năm 1980 và 90, khi Nhật Bản là quê hương của những nhà máy bán dẫn tiên tiến nhất trong ngành. Những công ty như NEC Corp., Toshiba Corp. và những cái tên quen thuộc trong lĩnh vực điện tử khác đã rời khỏi cuộc đua theo thời gian khi các doanh nghiệp không muốn chấp nhận rủi ro khi cần phải đầu tư để duy trì và phát triển những khả năng mới nhất.
Higashi, cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron Ltd., nhấn mạnh, liên doanh của ông có tất cả những yếu tố cần thiết để để phát triển trở thành như một doanh nghiệp có sức mạnh trong ngành bán dẫn. Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ 330 tỷ Yên (2,4 tỷ USD) cho liên doanh và bộ trưởng thương mại quốc gia này cho biết, ông sẵn sàng cung cấp khoản ngân sách quy mô đó hàng năm trong tương lai gần để đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Higashi nói: “Tôi khá tự tin về nút công nghệ 2-nanomet và sau đó là 1,4-nm, mặc dù 1-nm sẽ là một thách thức lớn. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp vật liệu và máy móc sản xuất, những doanh nghiệp hiện đã phát triển những công nghệ tiên tiến với các công ty dẫn đầu thị trường, trong đó có cả TSMC. Các đối tác toàn cầu của chúng tôi đã cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện trong hoạt động cung cấp công nghệ và giáo dục đào tạo.”
Cho đến nay, Rapidus đã liên minh với International Business Machines Corp. và trung tâm nghiên cứu vi điện tử IMEC có trụ sở tại Bỉ. Công ty cũng có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tập đoàn công nghệ địa phương như Toyota Motor Corp., Sony Group Corp. và SoftBank Group Corp.
Ông Higashi cũng lưu ý, Nhật Bản có các nhà cung cấp trong nước cho gần như tất cả vật liệu, linh kiện và máy móc sản xuất quan trọng trong ngành công nghiệp chip. Nhiều công ty trong số mày mong muốn được làm việc với một nhà sản xuất chip Nhật Bản vì có thể hợp tác chặt chẽ mà không lo bị mất lợi thế công nghệ hay bí mật khi làm việc với các đối tác nước ngoài. Thành công của Rapidus cũng có nghĩa là hệ sinh thái trong nước có thể có được lợi nhuận mức cao, duy trì sự ổn định kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Higashi phát biểu: “Những cơ hội to lớn đang ở phía trước nếu Rapidus có thể trở thành doanh nghiệp đầu tiên có được sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất trên thị trường và nếu chúng tôi tập trung vào sản xuất chip cho những lĩnh vực cụ thể như chip cho Trí tuệ Nhân tạo (AI)”.
Nhật Bản cũng có một tập hợp các nhà cung cấp chuyên nghiệp độc đáo, trong đó có Ajinomoto Co. và Advantest Corp.
Tài trợ cho sự phát triển của Rapidus hiện chỉ đến từ chính phủ và những doanh nghiệp đối tác lớn. Higashi cho biết Rapidus không có ý định khai thác đầu tư từ khu vực tư nhân cho đến khi công ty bắt đầu sản xuất chip, có thể là vào năm 2027.
Ông nói: “Chúng tôi đang xem xét những biện pháp gây quỹ khác nhau như phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO), nhưng mục tiêu cuối cùng của liên doanh là độc lập về tài chính và ổn định trong tiến trình chế tạo những con chip tiên tiến. Do đó, điều quan trọng là bất kỳ khoản tiền mặt đầu tư nào cũng không được can thiệp vào hoạt động nghiên cứu phát triển, sản xuất và kinh doanh.”