Một đánh giá chưa từng có về lĩnh vực thức ăn thủy sản cho thấy, phương thức đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng, cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh và hệ thống thực phẩm bền vững, công bằng và linh hoạt hơn trên toàn thế giới.
Tạp chí Nature đăng tải năm bài báo của các nhà nghiên cứu
sinh học biển, thống kê các cơ hội tận dụng sự đa dạng rộng lớn của những loại
thực phẩm thủy sinh, còn gọi là thực phẩm "xanh" trong các thập kỷ tới
nhằm giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, giảm tác động của hệ thống thực phẩm
lên môi trường và cung cấp sinh kế.
Thực phẩm xanh: con đường hướng tới một hệ thống thực phẩm
lành mạnh, bình đẳng và bền vững
Ben Halpern, nhà sinh thái học biển tại Trường Quản lý &
Khoa học Môi trường Đại học Santa Barbara's Bren (UCSB) đã cùng các đồng nghiệp
điều nghiên tính bền vững về môi trường thức ăn thủy sản, tiềm năng phát triển
của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ và rủi ro khí hậu mà hệ thống thức ăn thủy sản
phải đối mặt.
Ông cho biết: “Nhân loại đang cố gắng đưa ra những lựa chọn
sáng suốt hơn về thực phẩm, tác động đến môi trường của thực phẩm. Lần đầu tiên
chúng tôi tập hợp dữ liệu từ hàng trăm nghiên cứu về hàng loạt loài hải sản
giúp trả lời câu hỏi đó. Thực phẩm xanh nước biển về tổng thể rất tốt, cung cấp
một lựa chọn tuyệt vời cho sự phát triển thực phẩm bền vững."
Ben Halpern cũng là nhà lãnh đạo Trung tâm Phân tích & Tổng
hợp Sinh thái Quốc gia tại UCSB. Ông nhấn mạnh: “Những dự án nghiên cứu cho thấy,
nhu cầu toàn cầu về thức ăn xanh sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, được đáp ứng chủ
yếu thông qua tăng sản lượng nuôi trồng thay vì đánh bắt thủy sản”.
Đầu tư vào đổi mới và cải thiện quản lý thủy sản làm gia
tăng lượng tiêu thụ và tác động mạnh mẽ đến tình trạng suy dinh dưỡng. Một kịch
bản mô hình hóa "tăng trưởng cao" cho thấy nếu tăng nguồn cung thêm
15,5 triệu tấn (8%), khiến giá sản phẩm hạ và giảm 166 triệu trường hợp thiếu
chất dinh dưỡng ở những người thu nhập thấp.
Ông Halpern cho biết: “Những người đánh cá quy mô nhỏ - cá
thể và thuyền nhỏ nhiều nơi trên thế giới - là một phần rất lớn của hệ thống thủy
sản toàn cầu, vô cùng đa dạng về sản phẩm và phương thức đánh bắt. Sự đa dạng hình
thành cả cơ hội và thách thức cho công tác quản lý các đại dương. Thế giới cần
phải nắm vững sự đa dạng này nhằm quản lý đại dương tốt hơn."
Thực phẩm xanh được xếp hạng cao hơn thực phẩm có nguồn gốc
động vật trên cạn về lợi ích dinh dưỡng và tiềm năng tăng tính bền vững thực phẩm.
Nhiều loài thức ăn xanh rất giàu chất dinh dưỡng quan trọng. So với thịt gà, cá
hồi có lượng axit béo omega-3 nhiều gấp 19 lần; hàu và trai có lượng vitamin
B-12 cao gấp 76 lần và sắt gấp 5 lần; cá chép có hàm lượng canxi cao gấp 9 lần.
Christopher Free, nhà sinh thái học biển và trợ lý nghiên cứu
của Trường Bren, đồng tác giả với nhà khoa học biển Jacob Eurich của UCSB trong
một nghiên cứu phân tích tiềm năng dinh dưỡng thực phẩm xanh cho biết: “Nghiên
cứu cho thấy, sản xuất thức ăn thủy sản gia tăng sẽ có ý nghĩa quan trọng với sức
khỏe con người trên toàn cầu. Thực phẩm thủy sản rẻ hơn sẽ thúc đẩy sự dịch
chuyển khỏi thức ăn thông thường như thịt gà, thịt bò và sữa. Điểm đặc biệt là
thức ăn thủy sản sẽ là một giải pháp hữu ích để chống suy dinh dưỡng một cách
toàn diện."
Lợi ích dinh dưỡng của thực phẩm xanh đặc biệt quan trọng đối
với phụ nữ, gần gấp 3 lần so với nam giới trong việc gia tăng tiêu thụ thủy sản
ở các quốc gia được nghiên cứu.
Những loài thực phẩm chính được sản xuất trong nuôi trồng thủy
sản, như cá rô phi, cá hồi, cá da trơn và cá chép có tác động đến môi trường
tương đương với thịt gà, loại thịt có tác động thấp nhất. Các loài cá nổi nhỏ
như cá mòi và cá cơm, thực phẩm thân mềm hai mảnh vỏ và rong biển đều tác động
đến môi trường thấp hơn gà.
Đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất thủy hải sản và giảm
thiểu tác động đến môi trường sẽ mang lại lợi ích cho toàn ngành, trong đó có cả
những loài ít nuôi như cá vược châu Âu, cá yếu, cá dẹt, cá tráp và cá sữa.
Nghiên cứu cũng cho thấy các hệ thống thực phẩm xanh đối mặt
với rủi ro cao do biến đổi khí hậu, nhưng lại nằm ở những khu vực mà sinh kế con
người phụ thuộc vào thủy sản và được trang bị ít nhất để ứng phó với nhứng hiểm
họa tự nhiên.
Ông Halpern nói: “Biến đổi khí hậu đang tạo ra rủi ro cho
nhân loại, trong đó có lương thực. Thực phẩm xanh cũng phải đối mặt với tình trạng
axit hóa và nước nóng lên. Nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm đều bị ảnh
hưởng bởi những rủi ro này - trong nghiên cứu của mình, chúng tôi chỉ ra vị trí,
cách thức và lý do tại sao các loại thực phẩm màu xanh khác nhau phải đối mặt với
những rủi ro khác nhau từ biến đổi khí hậu".
Năm bài báo này là loạt bài đầu tiên trong seria bài do Blue
Food Assessment (BFA), một nhóm hơn 100 nhà nghiên cứu hàng đầu do Trung tâm Giải
pháp Đại dương & Trung tâm An ninh Lương thực và Môi trường của Đại học
Stanford đứng đầu, Trung tâm Khả năng Chống chịu tại Đại học Stockholm và tổ chức
EAT thực hiện.
Beatrice Crona, đồng Chủ tịch BFA, phó giám đốc khoa học
Trung tâm Khả năng Phục hồi Stockholm cho biết: “Thức ăn xanh vô cùng đa dạng, nhiều
cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ thường bị bỏ qua dù cung cấp phần lớn thực phẩm
xanh”.
Rosamond Naylor, đồng Chủ tịch BFA, giám đốc sáng lập Trung
tâm An ninh lương thực và Môi trường tại Trường Đại học Stanford nói: “Rất ít
quốc gia đang phát triển ngành thực phẩm xanh cung cấp các lợi ích về sinh
thái, kinh tế và sức khỏe tương đương tiềm năng hiện có. Những bài báo này cung
cấp cơ sở khoa học cho các chính phủ ra quyết định đánh giá sự cân bằng và thực
hiện các giải pháp thúc đẩy thực phẩm xanh trở thành một phần của hệ thống thực
phẩm tiên tiến từ quy mô địa phương đến toàn cầu."
Fabrice DeClerck, Giám đốc khoa học EAT cho biết: “Đánh giá
của BFA nhấn mạnh sự đa dạng to lớn của thực phẩm xanh, mang giá trị quan trọng
về dinh dưỡng, văn hóa, kinh tế và môi trường. Để nhận ra tiềm năng của thực phẩm
xanh, các chính phủ cần có chính sách quản trị rộng với sự tham gia của các nhà
sản xuất nhỏ, phụ nữ và các nhóm nhỏ, quản lý tốt hơn những nguồn tài nguyên
thiên nhiên, dựa vào đó thực phẩm xanh phát triển, đầu tư xây dựng khả năng cho
phép thực phẩm xanh chống chịu biến đổi khí hậu."
Jim Leape, đồng Giám đốc của Trung tâm Giải pháp Đại dương
Stanford cho biết: “Chúng ta còn chín mùa đánh cá nữa là đến thời hạn hoàn
thành những Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 nên tính cấp thiết là rất cao. Những
nghiên cứu này giúp các nhà hoạch định chính sách, công ty, nhà đầu tư tài
chính, ngư dân và người tiêu dùng sử dung triệt để tiềm năng to lớn của thực phẩm
xanh để đạt được những mục tiêu đó."
Hơn 2.500 loài hoặc nhóm loài cá, động vật có vỏ, thực vật
thủy sinh và tảo được đánh bắt hoặc nuôi trồng trên toàn cầu để làm thực phẩm
là tài nguyên mang lại sinh kế và thu nhập cho hơn 100 triệu người và thực phẩm
cho một tỷ người.