Trong những năm vừa qua du lịch là ngành có nhiều đóng góp
vào sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục
Du lịch, doanh thu của ngành du lịch năm 2015 đạt 337,83 nghìn tỷ đồng, tăng
15% so với năm 2014.
Mục tiêu phát triển của du lịch Việt Nam đến năm 2020 là trở
thành một điểm đến hấp dẫn trong khu vực và trên thế giới, nằm trong những nước
đứng đầu Đông Nam Á về các chỉ tiêu phát triển du lịch.
Để đạt được mục tiêu đó thì chất lượng nhân lực phục vụ
trong ngành du lịch cần phải được nâng cao hơn nữa, bởi phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao là điều kiện cần thiết để du lịch Việt Nam xóa dần khoảng cách với
du lịch của các quốc gia phát triển trên thế giới và trong khu vực.
Thực tế cho thấy nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa đáp ứng
được yêu cầu phát triển cả về mặt cơ cấu, chất lượng và số lượng. Do đó, công
tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch là vấn đề
mang tính cấp thiết đối với sự phát triển du lịch của mỗi địa phương và của quốc
gia, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Nhu cầu nhân lực của ngành du lịch ngày càng gia tăng. Cụ thể
dự báo năm 2020 tăng 40% so với năm 2015. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ
đại học được dự báo chiếm 0,7%; trình độ đại học, cao đẳng chiếm 15%; trình độ
Trung cấp chiếm 13%; trình độ sơ cấp chiếm 22,3% và trình độ dưới sơ cấp chiếm
49%. Ngoài ra, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực ngành du lịch theo vị trí làm việc
và theo ngành nghề kinh doanh đến năm 2020 cũng tăng đáng kể.
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch),
mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên
chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có
trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo chính quy ở các
trường đại học, cao đẳng… nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp
lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ.
Nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch không những thiếu về mặt
số lượng, mà còn yếu về chuyên môn. Chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào
tạo cung cấp cho thị trường lao động du lịch chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp.
Báo cáo tổng hợp về thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam những
năm qua cho thấy: lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 9, 7%; sơ
cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm 51%; dưới sơ cấp là 39,3%… Trong đó, chỉ có 43%
được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch . Ngoài ra hơn một
nửa lao động làm việc trong du lịch lại rất yếu về ngoại ngữ, đây là một hạn chế
rất lớn của du lịch Việt Nam.
Theo nghiên cứu của ITDR về trình độ ngoại ngữ của nguồn
nhân lực ngành du lịch cho thấy, ngoại ngữ tiếng Anh hiện chiếm khoảng 42% nhân
lực toàn ngành, tiếng Trung, tiếng Pháp và các tiếng khác với tỷ lệ tương ứng
là 5%, 4% và 9% nhân lực.Như vậy, nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân
lực cho ngành du lịch là rất lớn, trong đó đáng chú ý là nhu cầu nhân lực có
trình độ cao ngày một gia tăng.
Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch
các trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến đại học được hình thành và mở rộng.
Số lượng cơ sở đào tạo tăng nhanh, phủ kín hầu hết các tỉnh; cơ cấu đa dạng về
loại hình sở hữu, cấp đào tạo và ngành nghề đào tạo; phần lớn tập trung ở các
đô thị, trung tâm du lịch trọng điểm, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho
người học và gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển
kinh tế – xã hội và nhu cầu khách du lịch.
Hầu hết ở các tỉnh, thành phố đã có trung tâm đào tạo, bồi
dưỡng nghề du lịch ngắn hạn hoặc trung tâm đào tạo đa ngành nghề tham gia đào tạo
du lịch. Năng lực đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân
lực du lịch trong toàn quốc từng bước được nâng cao. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ
thuật (cả nơi dạy lý thuyết và thực hành) và trang thiết bị giảng dạy tuy còn
khó khăn về kinh phí, nhưng đã có tiến bộ.
Tính đến tháng 6 năm 2015 cả nước có 393 đơn vị đào tạo nguồn
nhân lực cho ngành du lịch. So với năm 2005, số lượng đơn vị đào tạo nguồn nhân
lực cho ngành du lịch đã tăng 8, 3 lần. Trong đó, trường đại học có 75, trường
cao đẳng có 90 đơn vị, trường trung cấp có 152, có 2 doanh nghiệp và 23 trung
tâm tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành.
Hầu hết các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành du lịch tập
trung vào đào tạo hai ngành chủ lực là Việt Nam Học và Du lịch học
- Việt Nam học (Văn hóa du lịch, Lữ hành, Hướng dẫn du lịch,
Hướng dẫn du lịch quốc tế, nghiên cứu viên du lịch)
- Du lịch học (Kinh tế du lịch, Quản lí lữ hành và hướng
dẫn du lịch)
- Quản trị kinh doanh (các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh
du lịch, Tổ chức và quản lí sự kiện, Truyền thông và marketing du lịch dịch vụ,
Thương mại điện tử du lịch dịch vụ,quản trị chế biến món ăn,Quản trị nhà hàng
và dịch vụ ăn uống).
Với thực tế bùng nổ các cơ sở, trung tâm đào tạo nhân
lực cho ngành "Công nghiệp không khói"khiến cho không chỉ các cơ sở
đào tạo gặp khó khăn trong tuyển sinh, đối tượng học sinh muốn theo học các trường
đào tạo du lịch lúng túng, khó lựa chọn trường, cơ sở, trung tâm đào tạo tốt.
Bên cạnh đó sự bùng nổ về nguồn nhân lực du lịch giúp cho các doanh nghiệp du lịch
có sự thay đổi về tiêu chí lực chọn nhân lực (về trình độ, kĩ năng nghề, kĩ
năng mềm...).
Tuy nhiên, yếu tố chất lượng của nhân lực du lịch dù ở giai
đoạn nào cũng là yếu tố quan trọng, cần quan tâm hàng đầu.Qua bài viết trên
didulich.net tác giả muốn giới thiệu với các bạn trẻ - những học sinh chuẩn bị
học nghề và đam mê với nghề du lịch biết được những trường đào tạo ngành Du lịch,
Việt Nam học tốt với các chuyên ngành cần nhiều nhân lực chất lượng cao.