Ðặt dịch vụ lưu trú, vận chuyển thông qua mạng trực tuyến sẽ giúp cho du khách nhiều tiện ích, tiết kiệm được thời gian nhưng đôi khi phải rước sự bực bội vào mình vì nhiều lý do.
Rằng tiện thì thật là tiện…!
Ngày nay, khi thế giới phẳng phát triển, bên cạnh việc đi du
lịch theo tour định sẵn, nhiều người có nhu cầu “xê dịch” đang có xu hướng đi
du lịch tự túc. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều nhà cung cấp dịch vụ thông qua mạng
internet, trực tuyến đã cho ra đời các kênh đặt phòng/vé máy bay như airbnb,
trivago, agoda, booking, traveloka, avia, ivivu, abay… Khi có nhu cầu, khách
hàng sẽ tự đặt vé máy bay, khách sạn và các dịch vụ khác thông qua các trang
mạng trực tuyến.
Tuy nhiên, hầu hết những kênh đặt dịch vụ trực tuyến là đơn
vị trung gian giữa nhà cung cấp dịch vụ với người sử dụng dịch vụ chứ không
phải sản phẩm của họ làm ra. Vì thế, việc đặt dịch vụ thông qua kênh trực tuyến
không phải khi nào cũng mang lại hiệu quả tối ưu.
Theo chia sẻ của anh Ngọc Huân ( quận Tân Bình, TP.HCM),
cách đây chưa lâu, anh có nhu cầu đi du lịch Đài Loan (dạng tự túc) nên đã lên
mạng tìm hiểu. Đọc quảng cáo thấy giới thiệu khách sạn 4 sao, nội thất cổ điển,
gần trung tâm, tặng thêm giường phụ, dịch vụ đạt 8 điểm, hình ảnh cũng khá đẹp
mắt nên anh Huân quyết định chọn.
Thế nhưng, khi đến nơi nhận phòng, anh đã bị sốc do chất
lượng phòng quá tệ so với quảng cáo lúc đặt phòng. Theo anh Huân, khách sạn đã
xuống cấp, đậm mùi ẩm thấp, drap giường ngả màu, khác xa với hình ảnh lung linh
trên mạng. do đã trả tiền ngay lúc đặt phòng nên anh Huân đành “ngậm ngùi” ở
qua đêm và hôm sau tìm ngay khách sạn khác.
Còn ông Richard Terry Warneminde (quốc tịch Úc) đặt dịch vụ
lưu trú tại một resort tỉnh miền Trung thông qua trang trực tuyến booking.com.
Trên trang booking.com, resort này quảng cáo là 4 sao, nghỉ 6 đêm từ ngày 11 –
17/11/2016 và vị khách này đã đặt cọc hơn 12 triệu đồng. Nhưng khi đến nơi, ông
Richard thấy resort này không như quảng cáo nên đòi lại tiền cọc, nhưng người
quản lý không chấp nhận. Ông đã phải khiếu nại tới cơ quan chức năng.
Thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết: Đơn vị này đã
tiếp nhận một số vụ việc liên quan đến đặt vé, đặt phòng trực tuyến khi đi du
lịch. Cụ thể, có trường hợp khách hàng mua hai vé máy bay (tổng trị giá 10
triệu đồng) đi nước ngoài thông qua một công ty du lịch. Trong quá trình đặt
phòng trực tuyến, màn hình điện thoại hiện báo lỗi “máy chủ đang bận, vui lòng
thử lại sau”. Do không nhận được email xác nhận, khách hàng chuyển sang mua vé
tại trang website của hãng hàng không. Khi liên lạc với hãng hàng không, khách
hàng được thông báo có hai lần đặt vé giống nhau và không thể hủy. Vì vậy,
khách hàng lo lắng về việc công ty du lịch có hoàn lại tiền hay không.
Chia sẻ với chúng tôi, một giám đốc điều hành kênh dịch vụ
trực tuyến cho rằng, dù đã có hệ thống giám sát chất lượng để đối chiếu chất
lượng so với thông tin tự quảng cáo, nhưng thỉnh thoảng cũng có tình trạng
khách không hài lòng do chất lượng phòng không đúng như kỳ vọng.
Nên tìm hiểu kỹ
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công
Thương đã ra khuyến cáo về rủi ro khi đặt phòng, vé máy bay trực tuyến trong
các chuyến du lịch. Mặc dù thời gian qua đơn vị này chưa có thống kê cụ thể về
các vụ việc đặt phòng, đặt vé trực tuyến nhưng khẳng định tình trạng này xảy ra
khá phổ biến, gây ra không ít khó khăn cho du khách.
Trong khi đó, các kênh kinh doanh dịch vụ trực tuyến OTA
(Online Travel Agent) có đưa ra điều khoản đặt phòng dành cho khách hàng có nhu
cầu. Tuy nhiên, các điều khoản này thường “bẫy” khách, ẩn bên trong khi làm
giao dịch nếu không có thao tác click chuột vào. Do đó khi gặp vấn đề, khách
hàng rất khó khiếu nại thành công vì không xem kỹ điều khoản. Ngoài ra, các OTA
cũng thường ghi rõ là “không chịu trách nhiệm đến thông tin công bố của các
khách sạn, cơ sở lưu trú” trên đó.
Theo chia sẻ của Vietravel, bạn cần tra cứu thông tin trên
nhiều website, kiểm tra kỹ giá và các khoản phụ thu, nên chọn mua dịch vụ trên
những trang có uy tín; tham khảo các đánh giá của khách hàng cũ về vị trí, dịch
vụ ăn uống, thái độ nhân viên, phòng ốc... ở khách sạn muốn đặt phòng. Giá
phòng có rất nhiều hạng mức khác nhau, khách sạn 3 – 5 sao hiện nay trong cùng
hệ thống nhưng nhiều loại phòng giá có thể chênh lệch khá cao. Khi thanh toán
thì nên chọn thanh toán tại điểm đến (nếu có). Ngoài ra, bạn nên chọn và mua
dịch vụ phòng qua các công ty du lịch có uy tín để được đảm bảo về chất lượng
dịch vụ và giá cả.
Để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ
người tiêu dùng đã đưa ra một số lưu ý khi đặt khách sạn/vé máy bay trực tuyến.
Theo đó, khách hàng cần nắm rõ thông tin về trang website, bao gồm cả thông tin
về địa chỉ liên hệ của công ty trước khi tiến hành giao dịch; trước khi hoàn
thành việc đặt phòng/vé, khách hàng cần đọc kỹ các điều khoản của hợp đồng, bao
gồm cả phí hủy và chi tiết các danh mục đã đặt; lưu giữ xác nhận đặt vé/phòng
cho đến khi kết thúc chuyến đi…
Nguồn: Báo Du lịch