Các nhà khoa học đề xuất đầu tư vào kỹ thuật hạ tầng, có khả năng hấp thu hơi nước trên đại dương và chuyển hóa thành nước ngọt, một giải pháp rẻ và bền vững giải quyết tình trạng khan hiếm nước.
Các nhà nghiên cứu cho biết nguồn cung cấp nước ngọt gần như
vô hạn tồn tại dưới dạng hơi nước trên các đại dương của Trái đất, nhưng vẫn
chưa được khai thác.
Một nghiên cứu mới của Đại học Illinois Urbana-Champaign, là
công trình nghiên cứu đầu tiên đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng, có khả năng
thu hoạch hơi nước từ đại dương như một giải pháp cung cấp nước ngọt cho những
khu vực khan hiếm nước khác nhau trên thế giới.
Nghiên cứu do Praveen Kumar, GS kỹ thuật dân dụng và môi trường,
giám đốc điều hành Viện nghiên cứu thảo nguyên dẫn đầu, đã xem xét đánh giá 14
địa điểm căng thẳng về nước trên toàn cầu và tính khả thi của một cấu trúc, giả
định có khả năng hấp thu hơi nước trên đại dương và ngưng tụ thành nước ngọt trong
điều kiện sự biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng.
GS Praveen Kumar, nghiên cứu sinh sau TS Afeefa Rahman và GS
khoa học khí quyển Francina Dominguez đã công bố kết quả công trình nghiên cứu
trên tạp chí Nature Scientific Reports.
GS Kumar cho biết: “Khan hiếm nước là một vấn đề toàn cầu và
ảnh hưởng đến ngay cả nước Mỹ, liên quan đến mực nước sụt giảm ở lưu vực sông
Colorado, ảnh tác động đến toàn bộ miền Tây Mỹ. Nhưng ở những vùng cận nhiệt đới,
như miền Tây Mỹ, các đại dương lân cận đang có nước bốc hơi liên tục vì có đủ bức
xạ mặt trời do có rất ít mây bao phủ quanh năm.”
Nhóm nghiên cứu nhận định rằng, những kỹ thuật hiện nay như
tái chế nước thải, tạo đám mây tích tụ cho mưa và khử muối từ nước biển chỉ đạt
được những thành công hạn chế. Mặc dù kỹ thuật khủ mặn được triển khai ở một số
khu vực trên toàn cầu, nhưng nhưng nhà máy khử muối phải đối mặt với những
thách thức về tính bền vững môi trường do tạo ra lượng nước thải chứa nhiều muối
và kim loại nặng rất lớn, nhiều đến mức California gần đây đã từ chối các kế hoạch
xây dựng bổ sung các nhà máy khử muối mới.
“Chúng ta cần tìm giải pháp tăng nguồn cung cấp nước ngọt vì
nước được bảo tồn và tái chế từ các nguồn hiện có, dù rất cần thiết nhưng không
đủ đáp ứng nhu cầu của con người. Chúng tôi cho rằng, phương pháp tạo ra nước
ngọt do chúng tôi đề xuất có thể cung cấp nguồn nước sạch quy mô lớn,” GS Kumar
nói.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện những phân tích kinh tế và khí
quyển về vị trí của các cấu trúc ngoài khơi giả định, có chiều rộng 210 mét và
chiều cao 100 mét.
Sơ đồ cấu trúc hạ tầng kỹ thuật, hấp thụ hơi nước trên đại dương chuyển hóa thành nước ngọt, Ảnh Đại học Illinois
Trên cơ sở những phân tích và thống kê, nhóm nhà khoa học kết
luận rằng, thu giữ độ ẩm trên bề mặt đại dương là khả thi đối với nhiều khu vực
thiếu nước trên toàn thế giới. Sản lượng nước ước tính của những cấu trúc được
đề xuất có thể cung cấp nước ngọt cho những trung tâm dân cư lớn ở vùng cận nhiệt
đới.
Một trong những dự đoán có tính khả thi cao về biến đổi khí
hậu là những vùng khô hạn sẽ càng trở nên khô hơn và những vùng ẩm ướt sẽ càng ẩm
ướt hơn. GS Dominguez cho biết: “Những khu vực hiện đang khan hiếm nước có thể
sẽ còn khô hạn hơn trong tương lai, làm trầm trọng thêm vấn đề cung cấp nước. Thật
không may, người dân tiếp tục di chuyển đến những khu vực hạn chế nước ngọt như
vùng Tây Nam Mỹ”
Những dự báo về các điều kiện ngày càng khô hạn hơn có thể sẽ
là điều kiện thuận lợi để áp dụng công nghệ khai thác hơi nước mới từ đại
dương.
TS Rahman giải thích: “Những dự báo về khí hậu cho thấy,
dòng hơi nước trên đại dương sẽ chỉ tăng theo thời gian, thậm chí còn cung cấp
nhiều nước ngọt hơn. Vì vậy, ý tưởng mà chúng tôi đề xuất khả thi trong điều kiện
biến đổi khí hậu. Giải pháp này cung cấp một phương thức tiếp cận cần thiết và
hiệu quả để tương thích với biến đổi khí hậu và giải quyết một phần vấn đề thảm
họa thiên nhiên, đặc biệt là đối với những người dân dễ bị tổn thương, sống ở
các vùng khô hạn và bán khô hạn trên thế giới.”
Các nhà nghiên cứu cho biết, một trong những đặc điểm tinh tế
của giải pháp công nghệ này là quy trình hoạt động tương tự như vòng tuần hoàn
nước tự nhiên.
GS Dominguez cho biết: “Sự khác biệt so với tự nhiên là
chúng tôi có thể định hướng nước bốc hơi từ đại dương đi đâu. Khi GS Praveen thảo
luận với tôi với ý tưởng này, cả hai chúng tôi đều tự hỏi, tại sao trước đây
không ai nghĩ về việc biến hơi nước thành nước ngọt b vì đây là một giải pháp tự
nhiên rõ ràng. Nhưng ý tưởng khoa học này chưa từng được thực hiện trước đây và
tôi nghĩ đó là do các nhà nghiên cứu quá tập trung vào những giải pháp, phát
triển trên cơ sở đất liền, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, những giải pháp
khác trên thực tế vẫn tồn tại.”
Các nhà khoa học tin tưởng rằng, nghiên cứu mở ra cơ hội cho
những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng mới, có thể giải quyết hiệu quả tình trạng
khan hiếm nước ngọt ngày càng tăng trên toàn cầu đồng thời giảm thiểu tác động
của thảm họa tự nhiên.