Genk -- Các máy sục khí nhỏ gọn được ví như các nhà máy xử lý nước được đặt chìm xuống lòng sông với lời hứa hẹn chỉ trong 3 ngày sẽ tạo ra điều khác biệt.
Ngày 16/5, tại đầu nguồn sông Tô Lịch (Hà Nội) đã diễn ra lễ khởi động
dự án "Tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây
bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản" theo chỉ đạo của Thủ tướng
Chính phủ và UBND TP Hà Nội.
Sông Tô Lịch chảy qua trung tâm thủ đô, từ một con sông thơ mộng đã trở
thành "con sông chết" do hằng ngày phải tiếp nhận đến 150 nghìn m3 nước
thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp xả vào.
Đầu nguồn sông Tô Lịch ngày trước nối liền với Sông Hồng và hồ Tây, tạo
ra dòng chảy thường xuyên. Tuy nhiên từ khi người Pháp chặn dòng để xây
dựng phố Cầu Gỗ, con sông này không còn lưu lượng nước lớn nữa mà chỉ
còn lưu lượng hạn chế với lưu vực là các khu dân cư của thành phố.
Tại lễ khởi công, ông Nguyễn Tuấn Anh, CT HĐQT công ty cổ phần Cải thiện
môi trường Nhật Việt tin tưởng vào sự thành công và hiệu quả của dự án.
Khẳng định dự án sẽ cải thiện đáng kể môi trường, khắc phục mùi hôi
thối nồng nặc và sẽ "tái sinh" dòng sông Tô Lịch.
Những chiếc máy với thiết kế khá đơn giản và nhỏ gọn. Theo nhà đầu tư,
những chiếc máy này có khả năng xử lý tới 1,35 triệu m3 nước thải trên
một ngày đêm, gấp 9 lần lượng nước thải mà sông Tô Lịch phải tiếp nhận
trong cùng thời gian. Từ đó có thể kỳ vọng nước thải luôn được xử lý
triệt để mà không có tình trạng lưu lắng, gây bốc mùi ở sông Tô Lịch.
Các máy xử lý chạy bằng năng lượng điện, được đặt chìm dưới lòng sông,
tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào nước, kích thích các vi sinh vật
hoạt động, từ đó giải phóng ô xi, xử lý bùn thải, tạo nên dòng nước
trong lành hơn.
Một chiếc máy xử lý nước đã được đặt ngay trước một cống nước thải và đang bắt đầu hoạt động.
Chuyên gia Nhật Bản thuyết minh về công năng của những chiếc máy ngay tại bờ sông Tô Lịch.
Hiện tại dự án mới chỉ triển khai một số máy xử lý nước tại đầu nguồn
sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Theo thông tin từ ban tổ chức, chỉ
trong vòng 3 ngày thì những chiếc máy này đã có thể tạo ra điều kỳ diệu.
Trong
những ngày nắng nóng và ngột ngạt sắp tới, có lẽ người dân thủ đô sẽ
"nín thở" để chờ đợi sự thay đổi kỳ diệu như kỳ vọng ở đoạn sông này.
Trong cuộc gặp gỡ chiều 11/4 tại trụ sở Chính phủ với Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc, đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường đã đề xuất tài trợ
miễn phí thiết bị công nghệ sinh học bio-nano nhằm hỗ trợ tích cực cho việc xử lý ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam.
Sông Tô Lịch có chiều dài 14 km chảy trong địa phận thủ đô Hà Nội đã bị ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: Tiền Phong
Tiến sĩ Tadashi Yamamura - chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường,
Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại & môi trường Nhật Bản, là người
dẫn đầu nhóm chuyên gia của Nhật Bản cho biết thiết bị này có tốc độ xử lý siêu nhanh mà chỉ cần 3 ngày sẽ giúp giảm mùi ô nhiễm.
Trước
mắt, công nghệ bio-nano sẽ được thí điểm dưới lòng sông tại 1 đoạn sông
Tô Lịch và 1 góc hồ Tây để từ đó mở rộng mô hình ứng dụng hơn cho nhiều
địa phương khác.
Vậy công nghệ sinh học bio-nano là gì?
Tiến
sĩ Tadashi Yamamura cho biết công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên
nhiên nên rất thân thiện với môi trường (điều mà các phương pháp hóa học
và vật lý không có được). Đây là công nghệ kết hợp giữa sinh học và
công nghệ nano.
Kích thước một số vật thể siêu nhỏ. Nguồn: Dung dịch khử trùng nano bạc
Nếu như công nghệ sinh học đã thực sự trở thành một ngành công nghiệp
vào cuối những năm 1970 thì công nghệ nano lại là một vấn đề rất mới mẻ
với khi nghiên cứu bất cứ thứ gì liên quan đến các cấu trúc có kích
thước nhỏ hơn 100nm.
Xem video minh họa:
Nhật Bản đã cung cấp công nghệ làm sạch nguồn nước cho nhiều quốc gia khác. Nguồn: 外務省 / MOFA
Cụ thể hơn, công nghệ nano là khoa học, kỹ thuật và thao tác liên quan
tới các hệ thống có kích thước nano, ở cấu trúc cấp độ kích thước siêu
nhỏ này thì hạt, tinh thể nano, lớp nano, ống nano sẽ có những tính chất
và chức năng mới mà các nhà khoa học cân phải nghiên cứu.
Còn công nghệ sinh học có nền tảng là công nghệ tái tổ hợp sẽ tập
trung nghiên cứu các quá trình, cơ chế ở mức phân tử của các hệ thống
sinh học. Có thể thấy việc nghiên cứu cấu trúc, tính chất ở mức độ siêu
nhỏ của vật chất chính là điểm chung của cả hai công nghệ trên.
Việc
kết hợp giữa những điểm chung này là một hệ quả tất yếu dẫn tới sự ra
đời của công nghệ sinh học nano (bio-nanotechnology), ngành công nghệ
tìm kiếm các mối liên kết giữa những vật có kích thước nano.
Sự tổ hợp của các hạt nano sẽ tạo ra những cấu trúc có tính chất vượt trội. Nguồn: (RSC) Publishing - Royal Society of Chemistry
Trong đó, "Bio2Nano" là việc kết hợp sử dụng vật liệu và cấu trúc
sinh học (incorporating nanomaterials (NMs)) để tạo các hệ thống kỹ
thuật mà máy lọc nước của Nhật Bản với màng chức năng tự lắp ráp được
đặt dưới đáy sông Tô Lịch nêu trên là một ví dụ tiêu biểu.
Các
màng chức năng này sẽ được tạo thành bởi các hạt có kích thước nano như
metal-oxide NPs (gồm aluminium oxide, TiO2 và zeolite), vật liệu kháng
vi sinh vật (gồm silver-NPs (Ag-NPs) và CNTs) và vật liệu quang xúc tác
(như bimetallic-NPs, TiO2).
Những phân tử có kích thước nano
sẽ sắp xếp hay tổ hợp với nhau thành các cấu trúc có nhiều tính chất
vượt trội nhằm tăng tính thấm, khử mùi hôi, điều khiển màng sinh học,
bền vững trước tác động nhiệt hay cơ học, khả năng tự làm sạch...
Triển vọng của công nghệ sinh học nano...
Việc
nghiên cứu công nghệ sinh học xanh sử dụng công nghệ bio-nano hiện nay
đang là hướng phát triển bền vững ở nhiều quốc gia. Không chỉ nước thải
mà công nghệ bio-nano còn có thể sử dụng để làm sạch dầu tràn trên biển,
ô nhiễm không khí, đất...
Vietnamplus.vn cho biết Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao công nghệ này của Nhật Bản và
bày tỏ thiện chí hợp tác lâu bền trong lĩnh vực đầy tiềm năng này nhằm
tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện
đại hóa đất nuớc.
Nhật Bản là quốc gia có kinh nghiệm xử lý nước
thải và đã mang công nghệ của mình tới nhiều quốc gia như Campuchia,
Indonesia... nên Thủ tướng cũng tin tưởng sự thành công của người Nhật ở
lần thí điểm này.
Thủ tướng đề nghị các chuyên gia Nhật Bản và
Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) sẽ cùng với Bộ Tài
nguyên và Môi trường cùng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra những
phương án và tổ chức thực hiện hiệu quả nhất sau khi trao đổi, làm việc
cụ thể.
Kết quả của lần thí điểm này sẽ là nền tảng tốt để xử lý ô nhiễm nước ở nhiều địa phương khác đang gặp vấn đề tương tự ở Hà Nội.
Bài viết sử dụng các nguồn: Phys, Ncbi, Nisenet, Archive.cnx, Vietnamplus.vn