Theo báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), các nước cần bổ sung những cam kết tương tự đối với các đại dương, khi thực hiện Chương trình Hành động Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái 2021-2030 của LHQ.
Báo cáo của Diễn đàn Phục hồi Thế hệ (#GenerationRestoration), bao hàm Phục hồi hệ sinh thái cho Con người, Thiên nhiên và Khí hậu nhấn mạnh, nhân loại đang sử dụng khoảng 1,6 lần Dịch vụ Hệ sinh thái tự nhiên có thể cung cấp bền vững cho con người.
Thực tế đó có nghĩa là0 những nỗ lực bảo tồn tự nhiên như hiện nay không đủ ngăn chặn sự sụp đổ hệ sinh thái quy mô lớn và mất đa dạng sinh học. Chi phí phục hồi trên đất liền toàn cầu, không bao gồm chi phí khôi phục những hệ sinh thái biển bị tổn thương ước tính lên tới 200 tỷ USD mỗi năm tính đến năm 2030. Báo cáo cũng cho thấy, 1 USD đầu tư vào phục hồi cho hiệu quả tới 30 USD lợi ích kinh tế.
Những hệ sinh thái cần được phục hồi khẩn cấp là đất nông nghiệp, rừng, đồng cỏ và thảo nguyên, núi, đất than bùn, khu vực đô thị, hệ thống nước ngọt và đại dương. Những cộng đồng dân cư sống trên gần 2 tỷ ha đất bạc màu là các cộng đồng nghèo nhất thế giới và bị gạt ra ngoài sự phát triển thế giới.
“Bản báo cáo cho thấy các lý do then chốt, vì sao toàn thế giới phải nỗ lực khôi phục Hệ sinh thái toàn cầu. Từ những bằng chứng khoa học mới nhất, Báo cáo cho thấy vai trò quan trọng của những hệ sinh thái, từ rừng và đất nông nghiệp đến sông và đại dương, lập biểu đồ những tổn thất và thiệt hại từ việc khai thác không kiểm soát hành tinh”, Giám đốc điều hành UNEP, Inger Andersen và Tổng Giám đốc FAO, QU Dongyu viết trong Lời nói đầu của báo cáo.
Suy thoái đã ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của 3,2 tỷ người, chiếm khoảng 40% dân số thế giới. Mỗi năm Dịch vụ hệ sinh thái tổn thất có trị giá hơn 10% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, nhưng nhân loại sẽ thu được lợi ích rất lớn nếu đảo ngược sự suy thoái này.
Đảo ngược suy thoái môi trường
Phục hồi hệ sinh thái là tiến trình ngăn chặn và đảo ngược suy thoái môi trường, khiến không khí và nước sạch hơn, giảm khắc nghiệt thời tiết, nâng cao sức khỏe con người và phục hồi đa dạng sinh học, cải thiện quá trình thụ phấn của thực vật. Phục hồi hệ sinh thái là những hoạt động liên tục không ngừng nghỉ của các quốc gia, từ trồng rừng đến tái tạo đất than bùn và phục hồi các rặng san hô.
Những chương trình hành động này góp phần vào thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) như sức khỏe, nước sạch, hòa bình và an ninh cũng như các mục tiêu của Ba Công ước Rio về Khí hậu, Đa dạng sinh học và Sa mạc hóa.
Những hành động nhằm ngăn chặn, chấm dứt và đảo ngược suy thoái là điều kiện then chốt để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris, giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C.
Phục hồi hệ sinh thái, nếu kết hợp với chấm dứt sự chuyển hóa các hệ sinh thái tự nhiên, theo dự kiến có thể tránh được 60% sự tuyệt chủng đa dạng sinh học.
Phục hồi và chống chuyển hóa hệ sinh thái với hiệu quả cao sẽ mang lại đồng thời nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, , chỉ riêng sự kết hợp nông lâm đã có khả năng tăng an ninh lương thực cho 1,3 tỷ người. Đầu tư cho nông nghiệp, bảo vệ rừng ngập mặn và quản lý nguồn nước giúp thích ứng với biến đổi khí hậu, thu được lợi ích gấp 4 lần đầu tư ban đầu.
Điều cần thiết nhất là sự Giám sát tin cậy những nỗ lực khôi phục nhằm theo dõi tiến độ và thu hút vốn đầu tư tư nhân và cộng đồng. Để thúc đẩy chương trình này, FAO và UNEP đã khởi động Trung tâm Kỹ thuật số phục vụ chương trình Hành động Thập kỷ Phục hồi sinh thái LHQ, cơ sở hạ tầng cho Khung giám sát phục hồi Hệ sinh thái.
Khung Giám sát này cho phép các quốc gia và cộng đồng theo dõi tiến độ của những dự án khôi phục các hệ sinh thái chủ chốt, giúp khẳng định chủ quyền và lòng tin vào những dự án phục hồi hệ sinh thái. Khung giám sát phục hồi Sinh thái kết hợp với Nền tảng Sáng kiến Phục hồi Đất khô hạn, một công nghệ giúp thu thập và phân tích dữ liệu, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, hỗ trợ thiết kế các dự án phục hồi đất khô hạn đồng thời là công cụ lập bản đồ không gian địa lý tương tác, cho phép đánh giá, xác định các địa bàn tốt nhất để phục hồi rừng.
Tiến trình khôi phục Hệ sinh thái phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ người dân, doanh nghiệp, hiệp hội và chính phủ. Điều quan trọng, dự án phải tôn trọng nhu cầu và quyền của con người và cộng đồng địa phương, kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm và năng lực của đỉa phương để đảm bảo hiện thực hóa và duy trì những kế hoạch khôi phục Hệ sinh thái.
Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của LHQ
Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc 2021-2030 là lời kêu gọi khẩn thiết để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới vì lợi ích của con người và thiên nhiên. Lời kêu gọi này nhằm ngăn chặn sự suy thoái và khôi phục những hệ sinh thái nhằm đạt được những mục tiêu vì lợi ích toàn cầu. Đại hội đồng LHQ đã tuyên bố Chương trình hành động “Thập kỷ Liên hợp quốc” được dẫn dắt bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Nông lương LHQ.
Thập kỷ LHQ đặt mục tiêu xây dựng một phong trào toàn cầu mạnh mẽ, rộng khắp, tăng cường khôi phục và đưa thế giới phát triển đúng hướng vì một tương lai bền vững. Hành động này bao gồm sự thúc đẩy xây dựng động lực chính trị cho Chương trình Phục hồi và hàng ngàn sáng kiến ứng dụng trong thực tế hành động.
Chương trình Môi trường LHQ (UNEP)
UNEP là tiếng nói toàn cầu hàng đầu về môi trường. Chương trình cung cấp sự dẫn dắt và thúc đẩy quan hệ đối tác trong hoạt động chăm sóc môi trường, truyền cảm hứng, thông tin, khuyến khích các quốc gia và dân tộc cải thiện chất lượng cuộc sống đồng thời đảm bảo cơ sở căn bản cho chất lượng cuộc sống các thế hệ tương lai.
Tổ chức Nông lương LHQ (FAO)
Tổ chức Nông lương (FAO) là cơ quan chuyên sâu của Liên hợp quốc, dẫn dắt, thúc đẩy những nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt nạn đói, phát triển các hệ thống nông lương thực trở nên linh hoạt, bền vững và toàn diện hơn. Mục tiêu hướng tới là an ninh lương thực thế giới, đảm bảo tất cả đều tiếp cận đủ và thường xuyên thực phẩm chất lượng cao, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và năng động. FAO có 194 thành viên và hoạt động trong 130 quốc gia trên toàn thế giới.