Theo các nhà phân tích, liên minh chip giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan có thể thúc đẩy các khoản đầu tư nước ngoài vào công nghệ chip ở Hàn Quốc như một trung tâm sản xuất, phân phối thay thế Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết, thỏa thuận của Hà Lan và Nhật Bản
tham gia cùng Mỹ trong nỗ lực hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang
Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho Hàn Quốc. Seoul có thể kêu gọi các nhà sản
xuất thiết bị bán dẫn đầu tư vào Hàn Quốc như một trung tâm sản xuất và phân phối
thay thế.
Chính quyền tổng thống Joe Biden trong tháng 1/2023 đã nhận
được sự hỗ trợ từ Tokyo và The Hague, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị và
công nghệ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, theo các phương tiện truyền thông,
một động thái sẽ khiến các nhà cung cấp Hà Lan và Nhật Bản không thể cung cấp
cho khách hàng Trung Quốc hàng hóa cần thiết cho sản xuất chip.
Ông Kim Dae-jong, GS kinh doanh tại Đại học Sejong ở Seoul
cho biết, khi các công ty sản xuất chip tìm kiếm những thị trường thay thế, Hàn
Quốc, một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu sẽ có được
những lợi ích lớn.
GS Kim nói, “những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ nới
rộng khoảng cách công nghệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn hiện
đang ngày càng thu hẹp, Hàn Quốc có thể nhận được nhiều đầu tư nước ngoài và
tăng trưởng nhanh hơn nhờ các biện pháp kiểm soát của Mỹ.”
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-youl
và phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong thăm khuôn viên của công ty ở
Pyeongtaek, phía nam Seoul vào ngày 20/5/2022. Ảnh: EPA-EFE
Trong khi Washington muốn lôi kéo Seoul tham gia Liên minh
Chip 4, một sáng kiến với Tokyo và Đài Bắc nhằm hạn chế vị thế của Trung Quốc
trong chuỗi cung ứng chip, Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc không đứng về
phía Mỹ.
Ngày 23/2, một bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc tờ
Nhân dân Nhật báo dẫn lời Lu Chao, GS tại Đại học Liêu Ninh ở miền bắc Trung Quốc
cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc không nên tách rời khỏi Trung
Quốc.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, các công ty chip thế giới đang
tăng cường thiết lập mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn với Hàn Quốc.
Peter Wennink, Giám đốc điều hành Công ty thiết bị bán dẫn
khổng lồ ASML của Hà Lan, ngày 17/2 đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park
Jin khi ông đang có chuyến thăm Hà Lan để thảo luận về những khả năng hợp tác
tiềm năng.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Wennink cho biết ASML muốn
“mở rộng đầu tư” vào Hàn Quốc, hy vọng quốc gia này có thể trở thành một trung
tâm Đông Bắc Á cho ngành công nghiệp bán dẫn. Ông Park cũng thông báo, Hàn Quốc
đang "tăng cường các biện pháp khuyến khích" để thu hút nhà đầu tư nước
ngoài.
Peter Wennink, CEO nhà sản xuất thiết bị chip Hà Lan ASML,
tham dự cuộc họp báo tại Seoul ngày 15/11/2022. Ảnh: Bloomberg
Một tuần sau cuộc gặp này, chính phủ Hàn Quốc công bố “chiến
lược tăng trưởng mới 4.0”, tập trung phát triển 3 ngành công nghiệp then chốt
là linh kiện bán dẫn, pin xe điện (EV) và màn hình.
Tháng 11/2022, ASML, công ty Hà Lan độc quyền về sản xuất các
máy in khắc tia cực tím cao cấp, thiết bị cần thiết để sản xuất chip ở nút 5
nanomet bắt đầu xây dựng những cơ sở sản xuất mới trên vùng ngoại ô Hwaseong,
Seoul trong khuôn khổ dự án trị giá 240 tỷ won (180 triệu USD), dự kiến sẽ
hoàn thành vào năm 2024.
Khu vực sản xuất rộng 1,6 ha (51,800 m2), nằm cách nhà máy sản
xuất chip của Samsung Electronics ở Pyeongtaek khoảng 16 km bao gồm một trung
tâm sửa chữa trang thiết bị, trung tâm phát triển các thành phần thiết bị sản
xuất chip và trung tâm đào tạo nhân viên.
Theo Kang Jun-young, GS nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học
Ngoại ngữ Hankuk, Hàn Quốc và Hà Lan có thể có được “sức mạnh tổng hợp” trong
lĩnh vực bán dẫn bằng phương thức kết hợp
bí quyết công nghệ của ASML và hoạt động sản xuất của các công ty Hàn Quốc.
“Khi Hà Lan quyết định tham gia chiến lược kiểm soát chip của
Mỹ đối với Trung Quốc, đầu tư của ASML vào Hàn Quốc sẽ tăng lên,” ông Kang nói.
Logo của SK Hynix tại Triển lãm Điện tử Hàn Quốc 2019 ở
Seoul. Ảnh AP
Các cường quốc sản xuất chip khác cũng đang đầu tư vào Hàn
Quốc. Tokyo Electron của Nhật Bản cho biết sẽ đầu tư 110 tỷ won trong năm 2023
để mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng như các cơ sở phòng sạch ở
Hwaseong.
Công ty Applied Materials, có trụ sở tại California đã công
bố kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu thiết bị chip nhớ tại Hàn Quốc nhằm
phục vụ hiệu quả hơn cho Samsung và SK Hynix, hai doanh nghiệp sản xuất chip
hàng đầu của quốc gia này. Theo ông Park Gwang-sun, Giám đốc điều hành các hoạt
động doanh nghiệp tại Hàn Quốc, công ty Mỹ hiện đang tìm kiếm một địa điểm để xây
dựng trung tâm.
Ông Park Ki-soon, cố vấn cao cấp Công ty luật Dentons Lee, chuyên
sâu về kinh tế Trung Quốc cho biết, Hàn Quốc vẫn là một trong những đối tác xuất
khẩu lớn nhất của ASML do sự phát triển của công nghiệp bán dẫn quốc gia này,
các thiết bị tiên tiến sản xuất chip mua trong tương lai sẽ được sử dụng trong
nước chứ không chuyển đến các nhà máy ở đại lục, sản xuất đáp ứng nhu cầu điện
tử của Trung Quốc.
Bảng vi mạch của Samsung trưng bày tại cửa hàng ở Seoul. Ảnh AP
Sau khi chính quyền ông Joe Biden thắt chặt kiểm soát xuất
khẩu công nghệ sản xuất và thiết kế chip tiên tiến sang Trung Quốc tháng 10/2022,
các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đã phải xin gia hạn một năm để tiếp tục nhập khẩu
thiết bị cần thiết cho các cơ sở hiện có ở Trung Quốc. Trong năm 2023, không rõ
liệu các công ty có thể nộp đơn xin gia hạn thời gian ân hạn hay không?
Trong tương lai, bất kỳ sự hợp tác nào giữa các nhà sản xuất
chip Hàn Quốc và các nhà cung cấp máy móc thiết bị nước ngoài đều có nhằm mục
đích lôi kéo nguồn đầu tư trực tiếp vào Hàn Quốc chứ không phải Trung Quốc, GS
Kim thuộc Đại học Sejong nhấn mạnh. Ông nói: “Tôi nghĩ, hành động kiểm soát
chip của Mỹ sẽ có lợi hơn cho Hàn Quốc, đặc biệt nguồn đầu tư của ASML sẽ thúc
đẩy sự phát triển ngành công nghiệp chip Hàn Quốc.”