Các nhà khoa học Nhật Bản đã có một phát hiện quan trọng, mở ra khả năng hoàn thiện thiết kế pin thể răn, trở thành nguồn điện chủ yếu cho xe ô tô điện và các phương tiện giao thông.
Pin lithium thể rắn có được 1 bước tiến quan trọng trong quá
trình phát triển để trở thành nguồn điện chủ yếu của thiết bị điện tử thế hệ tiếp
theo khi các nhà nghiên cứu từ Tokyo Tech, AIST và Đại học Yamagata đề xuất giải
pháp khôi phục điện trở thấp trong pin bằng phương pháp ủ nóng, đồng thời khám
phá được cơ chế cơ bản giảm điện trở giao diện cực dương, mở đường cho sự hiểu
biết chính xác và kỹ lưỡng hơn về hoạt động của pin lithium thể rắn.
Pin lithium thể rắn trở thành một xu hướng nghiên cứu mới
trong khoa học và kỹ thuật vật liệu vì pin lithium-ion thông thường không còn
đáp ứng những tiêu chuẩn cho các công nghệ tiên tiến như xe ô tô điện, đòi hỏi
mật độ năng lượng cao, sạc nhanh và chu kỳ sử dụng dài.
Những loại pin hoàn toàn trạng thái rắn, sử dụng chất điện
phân rắn thay cho chất điện phân lỏng trong pin truyền thống, không chỉ đáp ứng
những tiêu chuẩn này mà còn tương đối an toàn và thuận tiện hơn do có khả năng
sạc trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, chất điện ly rắn có những thách thức lớn. Mặt
tiếp xúc giữa điện cực dương và chất điện phân rắn hiện diện một điện trở lớn,
nguồn gốc xuất hiện điện trở chưa được làm rõ.
Điện trở gia tăng khi bề mặt điện cực tiếp xúc với không
khí, làm suy giảm dung lượng và hiệu suất của pin. Mặc dù các nhà khoa học
nỗ lực nghiên cứu làm giảm điện trở, nhưng không thể hạ xuống dưới 10 Ω cm2,
giá trị điện trở giao diện đo được khi không tiếp xúc với không khí.
Ủ nóng làm giảm điện trở cực dương của pin lithium thể rắn. Ảnh: Shigeru Kobayashi và Taro Hitosugi thuộc Học viện Công nghệ Tokyo.
Trong một nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí ACS
Applied Materials & Interface, nhóm nhà khoa học do GS Taro Hitosugi thuộc Viện
Công nghệ Tokyo (Tokyo Tech), Nhật Bản và Shigeru Kobayashi, nghiên cứu sinh tại
Tokyo Tech dẫn đầu đã giải quyết được thách thức này.
Nhóm nghiên cứu thiết lập thành công một phương pháp khôi phục
điện trở giao diện thấp đồng thời làm sáng tỏ cơ chế khiến pin suy giảm dung lượng
và hiệu suất, cung cấp những hiểu biết quan trọng về quy trình sản xuất pin thể
rắn hiệu suất cao.
Phát minh này là kết quả quá trình nghiên cứu chung của
Tokyo Tech, Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Quốc gia (AIST), Đại
học Yamagata.
Khởi đầu quá trình nghiên cứu, nhóm nhà khoa học chuẩn bị một
pin màng mỏng có một điện cực âm lithium, một điện cực dương
LiCoO2 và một chất điện phân rắn Li3PO4. Trước khi hoàn thành quá
trình chế tạo pin, nhóm nghiên cứu cho bề mặt LiCoO 2 tiếp xúc với
không khí, nitơ (N2 ), oxy (O2 ), carbon dioxide (CO2 ), hydro
(H2 ) và hơi nước (H2O) trong 30 phút.
Trong quá trình thực nghiệm, các nhà khoa học phát hiện, bản
giao diện cực dương khi tiếp xúc với N2, O2, CO2 và H2 , không làm giảm
hiệu suất của pin so với khi pin không tiếp xúc. Giáo sư Hitosugi cho biết,
chỉ hơi nước (H2O) làm suy giảm mạnh hiệu suất trên giao diện Li3PO4 -
LiCoO2, gia tăng điện trở giao diện cực dương lên cao hơn 10 lần so với giá trị
giao diện khi chưa tiếp xúc với không khí.
Sau đó, nhóm nghiên cứu thực hiện một quy trình, được gọi là
“ủ nóng”. Nguyên mẫu pin với điện cực âm được in 3D lắng đọng được xử lý nhiệt ở
150°C trong 1 giờ. Giải pháp này làm giảm điện trở xuống 10,3 Ωcm2, tương
đương với pin chưa tiếp xúc không khí.
Thực hiện những mô phỏng kỹ thuật số và các phép đo tiên tiến,
nhóm nghiên cứu xác định được, tình huống giảm điện trở có thể có nguyên nhân từ
sự loại bỏ tự nhiên các proton trong cấu trúc LiCoO2 khi ủ nóng.
Nghiên cứu cho thấy,
các proton trong cấu trúc cực dương LiCoO2 đóng vai trò quan trọng trong
quá trình phục hồi điện trở thấp. Các nhà khoa học sẽ làm sáng tỏ các quy
trình vi mô giao diện này và ảnh hưởng của các proton trong cực dương LiCoO2, từ
đó mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi pin lithium thể rắn.