Cơ quan truyền thông Mỹ chấp thuận đề xuất sử dụng dải phổ tần số tầm ngắn băng thông rộng để phát triển công nghệ phương tiện giao thông kết nối vạn vật nhằm tăng cường an toàn giao thông.
Ngày 24/4, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) chấp thuận yêu cầu của các cơ quan tiểu bang Mỹ, một số nhà sản xuất ô tô, các trường đại học và những tổ chức khác khác sử dụng dải phổ tần số để triển khai công nghệ xe được kết nối nhằm ngăn chặn va chạm giao thông, đặc biệt là trên các giao lộ.
Từ năm 1999, FCC đã dành riêng băng tần 5,9 GHz cho các nhà sản xuất ô tô để phát triển công nghệ, cho phép các phương tiện giao thông kết nối liên lạc không dây tầm ngắn tránh va chạm nhưng cho đến nay hầu như không được sử dụng.
Các công ty Volkswagen, AG's Audi, Ford Motor, Jaguar Land Rover, các công ty vận tải của bang Utah và Virginia, Harman International, Panasonic Corp (6752.T) và nhiều doanh nghiệp khác đã đệ trình yêu cầu miễn trừ sử dụng công nghệ Phương tiện di động kết nối vạn vật “Cellular Vehicle-to-Everything” (C-V2X) cuối năm 2021.
Yêu cầu miễn trừ đối với C-V2X được hiểu là yêu cầu cho phép chấp nhận chấp nhận công nghệ C-V2X đối với các phương tiện đã và đang sản xuất, khác với những yêu cầu quy định nhưng được coi là hợp pháp.
Những nghiên cứu của chính phủ Mỹ cho thấy, công nghệ C-V2X, nếu được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện của Mỹ, có thể ngăn chặn ít nhất 600.000 vụ va chạm xe cộ hàng năm.
Hilary Cain, một quan chức thuộc Liên minh Đổi mới Ô tô cho biết, các miễn trừ là "một phần còn thiếu của bức tranh ghép những quy định cần thiết để các nhà sản xuất ô tô có thể triển khai V2X".
Bà Hilary gọi V2X là "công nghệ an toàn không dây thay đổi không gian giao thông, cho phép các phương tiện tham gia giao thông quan sát được các góc bị che khuấn, giao tiếp với những phương tiện khác và liên lạc thời gian thực với người đi bộ, người đi xe đạp, đèn giao thông và cơ sở hạ tầng."
Tuần trước, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ ước tính, có 42 795 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông năm 2022, giảm 0,3% so với năm 2021 nhưng vẫn cao hơn tất cả các năm khác kể từ năm 2005.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Giao thông Thông minh Mỹ Laura Chace cho biết: “Khi số người thiệt mạng trên đường giao thông đất nước tiếp tục tăng cao, điều quan trọng là chúng ta phải tối đa hóa ứng dụng công nghệ phương tiện được kết nối vạn vật để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người tham gia giao thông.
Bà Chace kêu gọi hoàn thiện những quy định pháp lý, cho phép "thiết lập một khuôn khổ cứngvề quy định phổ tần số, làm nền tảng cho đầu tư và triển khai những giải pháp an toàn giao thông quan trọng này."
Tháng 2/2023, các thượng nghị sĩ Mỹ Gary Peters và Cynthia Lummis trong một tuyên bố đã thúc giục FCC thúc đẩy các yêu cầu miễn trừ đối với công nghệ C-V2X, nhấn mạnh: "công nghệ đã sẵn sàng để cứu mạng sống của nhiều người và sẽ mở đường cho tương lai mới cho ô tô và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải."
Năm 2020, FCC đã bỏ phiếu chuyển 30 MHz trong số 75 MHz dành riêng cho Truyền thông tầm ngắn chuyên dụng (DSRC) sang cho công nghệ C-V2X, đồng thời chuyển 45 MHz còn lại sang sử dụng cho WiFi.
Các nhà sản xuất ô tô phản đối việc chia tách dải phổ tần số vì lý do an toàn do lo ngại một khối băng tần có thể bị nhiễu bới các tần số thấp hơn, nhưng các công ty truyền hình cáp, viễn thông và sáng tạo nội dung cho rằng, phổ tần số rộng cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng WiFi ngày càng tăng.