NASA và công ty khởi nghiệp Mỹ Maxar phát triển ý tưởng tạo ra một hệ thống quan học, thu thập nguồn ánh sáng mặt trời trên Mặt trăng và chuyển đến vùng tối để cung cấp năng lượng cho sứ mệnh thám hiểm.
NASA đang có kế hoạch tập trung điều nghiên những vùng cực của
Mặt trăng, chuẩn bị cho những sứ mệnh Artemis tương lai. Các vùng cực Mặt trăng
có thể chứa một lượng nước lớn trộn lẫn với đá regolith.
Ngoài ra, trên Mặt trăng có những khu vực không bao giờ nhận
được ánh sáng mặt trời, được gọi là khu vực bị che khuất vĩnh viễn. Những miệng
hố núi lửa, phát hiện được trong những khu vực tối vẫn có thể chứa nước đóng
băng. Chương trình tìm kiếm, phát hiện và định lượng sự hiện diện của nước trên
bề mặt Mặt Trăng có ý nghĩa quan trọng trong những sứ mệnh thám hiểm và định cư
lâu dài trên Mặt Trăng của con người.
Nhưng đi đến những khu vực biệt lập tối vĩnh viễn và khám
phá nước cũng như các nguồn tài nguyên quan trọng mà không có ánh sáng mặt trời
là một thách thức rất lớn.
Công ty khởi nghiệp Maxar Technologies, đã đề xuất một giải
pháp công nghệ khả thi, có thể giải quyết khó khăn này.
Trong một công trình nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với NASA,
công ty khởi nghiệp Maxar phát triển một hệ thống, có khả năng chiếu sáng những
khu vực bị bao phủ trong bóng tối vĩnh viễn. Ý tưởng công nghệ này được gọi là
Light Bender.
Dự án công nghệ chuyển tải ánh sáng Light Bender
Light Bender là một ý tường công nghệ mới nhằm tạo ra và
phân phối năng lượng trên bề mặt mặt trăng trong giai đoạn thực hiện sứ mệnh
Artemis và “Sự hiện diện lâu dài của con người trên bề mặt mặt trăng” sau đó.
Ý tưởng sáng tạo này dựa trên một thiết bị kính định nhật (hệ
thống quang học luôn hướng về phía mặt trời) sử dụng hệ thống quang học của
kính viễn vọng Cassegrain làm phương tiện chính để thu, tập trung và hội tụ ánh
sáng mặt trời.
Phần quan trọng thứ hai là hệ thống chuyển tải ánh sáng mặt
trời, sử dụng thấu kính Fresnel chuẩn trực ánh sáng và sử dụng các tấm gương phản
xạ để phân phối nguồn ánh sáng mặt trời cho nhiều trang thiết bị dùng cuối ở khoảng
cách lớn hơn 1 km mà không bị tổn thất đáng kể.
Năng lượng mặt trời sau khi được tập trung và chuyển hướng đến
thiết bị dùng cuối sẽ chuyển đổi thành điện năng, sử dụng các mảng quang điện
nhỏ có đường kính 2m-4m), được gắn trên môi trường sống, bộ điều hòa nhiệt độ
hoặc những phương tiện di động như xe máy tự hành hoặc trang thiết bị sử dụng
tài nguyên tại chỗ (ISRU).
Truyển tải và cung cấp nguồn ánh sáng mặt trời cho các phương tiện, người dùng cuối cùng. Ảnh NASA
Robot có khả năng xây dựng hệ thống trên Mặt trăng
Giải pháp công nghệ này hoạt động bằng phương pháp phản chiếu
ánh sáng mặt trời tới những tấm pin mặt trời được đặt trong không gian vùng tối.
Những tấm pin này sẽ cung cấp ánh sáng chạy bằng năng lượng mặt trời cho những
vùng lạnh và không có ánh sáng trên Mặt trăng.
Sean Dougherty, kiến trúc sư trưởng về robot tại Maxar, chủ
nhiệm dự án Light Bender cho biết: “Bản chất những gì chúng tôi đang làm về ý
tưởng rất đơn giản phản chiếu ánh sáng mặt trời tới một tấm pin mặt trời nằm
trong bóng tối.
Ý đồ kỹ thuật này dường như dễ dàng thực hiện, nhưng thiết lập
toàn bộ hệ thống phản xạ ánh sáng trên Mặt trăng thực sự là một công trình khó
khăn.
Để thực hiện ý tưởng này trong điều kiện con người không thể
thực hiện, Maxar lên kế hoạch triển khai các robot, làm việc tự hành trên bề mặt
mặt trăng, thiết lập hệ thống năng lượng mặt trời.
“Thực hiện công trình này rất phức tạp do không có sự tham
gia của con người. Chúng tôi đang sử dụng các khoản đầu tư vào khả năng tự động
hóa cao, nghiên cứu những phương pháp mà các phi công vũ trụ NASA, có thể sử dụng
robot lắp ráp và triển khai hệ thống gương phản xạ, cho phép tập trung ánh sáng
mặt trời vào những tấm pin mặt trời, hoạt động trong bóng tối. Phương án này
chưa bao giờ được thực hiện trước đây,” Dougherty nói.
Light Bender với gương phản xạ khổng lồ
Thiết kế Light Bender được đề xuất trên cơ sở thiết kế các cột
cao 65 foot (20 mét) hoặc cột ống lồng. Cột ống được gắn với 2 tấm gương phản xạ
dài 32 feet (10 mét), một ở phía dưới và một ở phía trên. Robot sẽ được đào tạo
để tự động lắp ráp và triển khai ống lồng của cặp phản xạ này trên bề mặt mặt
trăng.
Gương phản xạ phía dưới sẽ tiếp nhận ánh sáng mặt trời và phản
chiếu tới gương thứ cấp, gương này sẽ tiếp tục phản xạ ánh sáng tới bộ thu.
“Những tấm gương phản xạ Light Bender sẽ là loại lớn nhất được
lắp ráp tự động trong không gian. Những tấm gương 10 mét là chiều rộng của một
sân quần vợt và chúng tôi đang nghiên cứu cách lắp đặt thiết bị hoàn toàn tự động.
Đó không phải là một kỹ thuật dễ dàng, nhưng chúng tôi có chuyên môn để làm điều
đó,” Dougherty nói.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, các tấm pin mặt trời
có thể được đặt trên bất kỳ thiết bị nào cần nguồn điện để hoạt động như các
phương tiện tự hành, robot kỹ thuật hoặc công trình xây dựng để có thể sống và
sinh hoạt trên Mặt trăng.
NASA đã lựa chọn Light Bender như một phần trong dự án Thông
báo về Cơ hội Hợp tác. Giải pháp công nghệ hiện đang trong giai đoạn phát triển
với kế hoạch trình diễn trên Trái đất vào năm 2025.