Chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét những biện pháp tiềm năng kiểm soát công nghệ AI, đồng thời Trung Quốc cũng công bố dự thảo những quy định pháp lý đối với các dịch vụ tương tự như ChatGPT.
Các công cụ Trí tuệ Nhân tạo (AI) gần đây phát triển với tốc độ chóng mặt, kể từ khi ra mắt ChatGPT của OpenAI. Các doanh nghiệp công nghệ các quốc gia trên thế giới cạnh tranh quyết liệt nhằm giành được ưu thế trong “cuộc đua AI”. Cùng với sự nhiệt tình công nghệ là những thách thức đang trở nên trầm trọng hơn do những tác động phức tạp có thể từ các dịch vụ AI. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, chúng ta vẫn chưa nắm bắt được những rủi ro thực tế mà hệ thống AI có thể gây ra cho thế giới.
Tháng 4/2023, còi báo động đã vang lên trong ngành công nghệ khi hơn 5.000 người ký vào một bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng phát triển AI và đưa ra yêu cầu, nếu các nhà nghiên cứu không tạm dừng “cuộc đua mất kiểm soát” này thì các chính phủ phải can thiệp. Ý trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên ra quyết định tạm thời cấm ChatGPT một ngày sau đó.
Vấn đề rõ ràng hiện nay là sự ra mắt của những mô hình ngôn ngữ lớn LLM tạo văn bản và hình ảnh có khả năng ảnh hưởng mạnh mẽ như GPT-4 nhưng cũng cho thấy rõ ràng những rủi ro và thách thức.
Bức thư ngỏ từ Viện nghiên cứu Cuộc sống Tương lai (Future of Life) cảnh báo, những hệ thống AI với trí thông minh nhân tạo cạnh tranh cùng con người có thể trở thành mối đe dọa lớn đối với nhân loại. Trong số các rủi ro bao gồm cả khả năng AI vượt trội hơn con người và giành hoặc ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyền kiểm soát nền văn minh.
Thực tế thúc đẩy sự xuất hiện yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh AI, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhưng thực sự không phải là công việc dễ dàng. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát thường dẫn đến khả năng đối đầu giữa chính phủ và các doanh nghiệp công nghệ lớn. Mâu thuẫn gay gắt có thể diễn ra khi áp dụng các biện pháp điều chỉnh AI và những công cụ trên nền tảng công nghệ này.
Trung Quốc đưa ra những quy định nghiêm ngặt đối với các công cụ AI
Châu Âu và Trung Quốc là những khu vực đầu tiên mở ra lộ trình cho những quy định về công nghệ AI. Cơ quan bảo vệ dữ liệu Ý gần đây đã tạm thời cấm ChatGPT đồng thời xem xét kỹ lưỡng, liệu chatbot AI tổng quan có thể và có tuân thủ những quy định pháp lý về quyền riêng tư hay không?
Ý đã mở một cuộc điều tra chống lại OpenAI, công ty phát triển công nghệ chatbot AI được phổ biến rộng rãi, trên cơ sở những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu sau khi ChatGPT gặp sự cố vi phạm dữ liệu, liên quan đến những cuộc trò chuyện và thông tin thanh toán của người dùng. Sau quyết định của Ý, Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu (BEUC) kêu gọi các cơ quan chức năng của an ninh mạng điều tra tất cả những chatbot AI quan trọng.
Trung Quốc, mặc dù không thể truy cập ChatGPT ở quốc gia này, đưa ra lấy ý kiển cộng đồng dự thảo bộ quy định mới nhắm thiết lập một hành lang pháp lý với các dịch vụ tương tự như ChatGPT. Theo dự thảo các quy định do Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đề xuất, được công bố trực tuyến ngày 11/4, các công ty cung cấp dịch vụ và công cụ AI tổng quan Trung Quốc phải ngăn chặn nội dung phân biệt đối xử, thông tin sai lệch và nội dung gây tổn hại đến quyền riêng tư cá nhân hoặc tài sản trí tuệ.
Về cơ bản, các nhà cung cấp dịch vụ AI buộc phải tránh những hình thức phân biệt đối xử, tin giả, khủng bố và các nội dung đi ngược lại lợi ích chung của xã hội khác. Các nhà cung cấp phải đào tạo lại những mô hình AI của doanh nghiệp trong vòng 3 tháng để ngăn chặn khả năng xuất hiện những nội dung bị cấm hoặc sự tái diễn nếu đã phát hiện. Các quy định dự thảo cũng liệt kê những yêu cầu chi tiết đối với các hoạt động gắn thẻ thủ công hoặc ghi nhãn dữ liệu, được sử dụng để đào tạo các mô hình AI.
Chưa có quốc gia nào phát triển những quy định pháp lý nhắm kiểm soát các công cụ AI, nhưng tốc độ của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ cam kết bảo đảm quyền riêng tư dữ liệu. Bản dự thảo quy định, động thái vi phạm các quy định pháp có thể bị phạt tới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 14.520 USD và hơn nữa là chấm dứt dịch vụ. Dự thảo quy định được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội đến ngày 10/5.
Một số chuyên gia CNTT, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg bình luận, Trung Quốc có thể sẽ cấm các dịch vụ AI nước ngoài như các dịch vụ từ OpenAI hoặc Google, tương tự như đã làm với các dịch vụ tìm kiếm và mạng xã hội của Mỹ. Ngoài ra, ngay cả Mỹ cũng đang xem xét thực hiện các biện pháp tương tự như Trung Quốc và Ý đối với các công cụ AI như ChatGPT.
Ngày 11/4, chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang xem xét về nhu cầu cần thiết phải kiểm tra các công cụ Trí tuệ Nhân tạo như ChatGPT trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ phát triển lan rộng đến mất kiểm soát và gây tác động xấu nếu không có những biện pháp hạn chế và ngăn chặn kịp thời.
Cùng ngày cơ quan quản lý Trung Quốc công bố dự thảo quy định của mình, chính quyền tổng thống Joe Biden cho biết đang thu thập ý kiến của công chúng về những biện pháp quy trách nhiệm giải trình tiềm năng đối với các công cụ và hệ thống AI.
Hãng tin Reuters trong một bản tin cho biết, Cục Quản lý Thông tin và Viễn thông Quốc gia (NTIA), cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, tham mưu cho Nhà Trắng về chính sách viễn thông và thông tin đang nghiên cứu xem xét, liệu có những biện pháp nào có thể được luật hóa để đảm bảo “các hệ thống AI là hợp pháp, có hiệu quả trong sản xuất, hợp đạo đức, an toàn và đáng tin cậy.”
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại và nhà quản lý NTIA Alan Davidson cho biết “Các hệ thống AI có trách nhiệm mang lại những lợi ích to lớn nhưng chỉ khi chúng ta giải quyết trước những nguy cơ hậu quả và tác hại tiềm ẩn của công nghệ này. Để các hệ thống này phát huy hết tiềm năng, cần có những quy định để các công ty và người tiêu dùng có thể tin tưởng.”