Đài Loan, một trong những nhà xuất khẩu thiết bị công nghệ
cao quan trọng nhất thế giới đang rơi vào suy thoái, do nhu cầu toàn cầu về điện
tử tiêu dùng giảm và rắc rối ở các thị trường lớn trên thế giới.
Cơ quan cao nhất của Đài Loan phụ trách vấn đề ngân sách, Tổng
cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê, ngày 28/4 ước tính, nền kinh tế lớn thứ 21
thế giới suy giảm 3,02% từ tháng Giêng đến tháng 3/2023 so với cùng kỳ năm 2022
và 6,37% so với 3 tháng cuối năm 2022.
George Xu, giám đốc cơ quan xếp hạng tín dụng Mỹ Fitch
Ratings cho biết: "Sự suy giảm trên diện rộng nhu cầu nước ngoài đối với
các sản phẩm xuất khẩu hàng điện tử và thiết bị công nghệ thông tin, truyền
thông của Đài Loan sẽ duy trì ít nhất trong quý tới",.
Sự sụt giảm nhu cầu thế giới đối với điện thoại thông minh, máy
tính (PC) và những thiết bị điện tử thông thường khác đã làm giảm số lượng các
lô hàng những thiết bị điện tử tiêu dùng và các bộ phận, chi tiết, bao gồm cả
chip bán dẫn.
Người tiêu dùng đã giảm chi tiêu đáng kể từ năm 2022 sau khi
một đợt mua sắm do đại dịch gây ra, người dùng ồ ạt vung tiền vào những thiết bị
điện tử cần thiết cho làm việc từ xa và học tập tại nhà. Lạm phát và lãi suất
tăng cũng bắt đầu gây áp lực lên các nền kinh tế phương Tây trong năm 2022, làm
giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng và khiến các nhà sản xuất Đài Loan dư thừa hàng tồn
kho.
Công nghệ chiếm 30% nền kinh tế trị giá hơn 800 tỷ USD của
Đài Loan, các nhà máy của hòn đảo xuất xưởng gần hai phần ba chip máy tính trên
thế giới.
Các lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu giảm 13% xuống
còn 269,8 triệu chiếc trong quý I năm 2023, theo công ty nghiên cứu thị trường
Canalys. Số lượng PC được xuất xưởng trong quý I năm 2023 giảm 28% so với cùng
kỳ năm 2022, xuống còn 56,7 triệu chiếc theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị
trường công nghệ Counterpoint Research.
Công ty cung cấp thông tin tài chính và S&P Global dự
báo Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm 2023, đồng thời Ủy ban châu
Âu dự báo chỉ tăng trưởng 0,8% cho khu vực đồng euro.
Ngày 28/4, các cơ quan ngân sách Đài Bắc cho rằng "lạm
phát toàn cầu, áp lực tăng lãi suất kéo dài và nhu cầu tiêu dùng cuối cùng tiếp
tục suy yếu sẽ tác động đến các nhà sản xuất, buộc phải điều chỉnh hàng tồn kho
".
Đài Loan là khu vực châu Á duy nhất báo cáo dữ liệu suy
thoái tính đến tuần này, Robert Carnell, lãnh đạo văn phòng nghiên cứu châu
Á-Thái Bình Dương của tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia ING
lưu ý. Nền kinh tế của hòn đảo đã thu hẹp trong quý IV năm 2022, và suy thoái
thường được định nghĩa là hai quý liên tiếp suy giảm kinh tế hoặc tăng trưởng
âm.
Hàn Quốc, một nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu
khác, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,3% từ tháng 1 đến tháng 3 sau khi giảm
0,4% trong quý cuối cùng của năm 2022.
Mức giảm 0,86% trong quý IV năm 2022 của Đài Loan là lần giảm
đầu tiên kể từ năm 2016 và là mức giảm nghiêm trọng nhất kể từ khi giảm 1,13%
trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2009.
Tony Phoo, nhà kinh tế học của Ngân hàng Standard Chartered ở
Đài Bắc cho biết: một cuộc suy thoái sẽ buộc các công ty lớn nhất của Đài Loan giảm
chi tiêu vốn trong phần lớn thời gian của năm. Sản xuất công nghiệp ở Đài Loan
đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp tính đến tháng 3.
Nhưng các nhà phân tích Đài Loan và quốc tế dự kiến, tình
hình sẽ cải thiện vào cuối năm 2023 do Trung Quốc sẽ phục hồi kinh tế, các hoạt
động du lịch từ đại lục sang Đài Loan và những biện pháp kích thích trong nước
như cấp phát tiền mặt cho người dân.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng
4,5% trong quý I/2023, vượt quá cả kỳ vọng trong quá trình phục hồi hậu Covid.
"Lĩnh vực sản xuất của Đài Loan có thể sẽ dần bắt đầu cảm
nhận được tác động tích cực từ động thái Trung Quốc mở cửa sau đại dịch",
Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại
S&P Global Ratings cho biết: “Nhìn chung, sau khi bắt đầu vào năm 2023 với
sự suy giảm, động lực kinh tế sẽ được duy trì và củng cố trong suốt cả
năm".