Nissan đang chuẩn bị cho nhà máy chế tạo động cơ truyền thống ở Yokohama sang sản xuất loại pin thể rắn tiên tiến vào năm 2024, một động thái cho thấy sự chuyển đổi mạnh mẽ của ngành ô tô Nhật Bản sang xe điện.
Theo Automotive News, nhà máy Nissan Yokohama, cơ sở lâu đời nhất của hãng và là nhà máy sản xuất hàng loạt đầu tiên tại Nhật Bản, đang bước vào một quá trình chuyển đổi quan trọng. Sau khi sản xuất động cơ ô tô thứ 40 triệu vào tháng 6, nhà máy ở Yokohama chuyển trọng tâm sang sản xuất pin xe điện EV thể rắn tiên tiến.
Kể từ khi chiếc Nissan LEAF chạy hoàn toàn bằng điện ra mắt năm 2010, nhà máy ở Yokohama đã sản xuất động cơ điện cho hàng loạt mẫu xe khác nhau, trong đó có xe lai hybrid e-POWER. Động cơ điện chiếm khoảng 40% sản lượng của nhà máy trong năm tài chính 2022.
Tiến trình chuyển trọng tâm sang sản xuất pin EV thể rắn sắp tới đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với nhà máy. Pin thể rắn rất được mong đợi trong ngành công nghiệp pin xe điện (EV) do thiết bị có khả năng cung cấp mật độ năng lượng cao hơn pin lithium thể lỏng ở mức an toàn. Cho đến nay, nhiều các nhà sản xuất ô tô và công ty công nghệ năng lượng đưa ra cam kết cung cấp pin thể rắn, nhưng đến nay loại sản phẩm tiên tiến này vẫn chưa được cung cấp trên thị trường.
Giám đốc nhà máy Tamiyo Wada bày tỏ sự lạc quan về tương lai của động cơ điện tại nhà máy Yokohama, nhấn mạnh, tỷ lệ động cơ điện được sản xuất sẽ tiếp tục tăng. Nhà máy đặt mục tiêu đạt được những khả năng sản xuất mới trên cơ sở những năng lực sản xuất hiện có.
Nissan Ariya SUV chạy hoàn toàn bằng điện. Ảnh: Nissan
Mẫu ý tưởng SUV chạy điện Nissan Arizona. Ảnh: Nissan
Một trong những mục tiêu chính của nhà máy là chương trình chế tạo thử nghiệm pin EV thể rắn của Nissan. Nissan có kế hoạch phát triển loại pin thế rắn thế hệ tiếp theo vào năm 2028, có thể lưu trữ năng lượng gấp đôi so với pin lithium-ion hiện nay. Đồng thời, công ty đặt mục tiêu tốc độ sạc đầy pin chỉ trong 1/3 thời gian so với tốc độ sạc pin nhanh nhất hiện nay và có giá 75 USD/kWh, hướng tới mục tiêu tiếp tục giảm chi phí xuống còn 65 USD.
Thông báo của Nissan được đưa ra sau tuyên bố gần đây của Toyota về một “bước đột phá công nghệ” trong tiến trình phát triển pin EV. Toyota đang tích cực nghiên cứu và phát triển pin EV trạng thái rắn, tăng phạm vi hành trình lên 20%, thời gian sạc đầy dưới 10 phút. Toyota cũng đang thực hiện dự án chế tạo pin thể rắn cao cấp, có kích thước tương tự pin EV hiện nay nhưng phạm vi hành trình tăng 50%, vượt quá 900 dặm (1450 km).
Phương hướng chuyển đổi sang chế tạo và đưa vào sử dụng pin EV thể rắn tiên tiến phản ánh sự thay đổi trong chiến lược của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, trước đây đã ngần ngại trong chuyển đổi hoàn toàn sang EV. Các doanh nghiệp đang gấp rút phát triển những công nghệ pin sáng tạo khi nhận thức được xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang EV ở các thị trường ô tô trọng điểm.
Sự chậm trễ của Nhật Bản trong quá trình chuyển đổi sang EV đã dẫn đến hậu quả đối với các nhà sản xuất ô tô. Mitsubishi gần đây buộc phải tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc do không thể theo kịp thị trường EV lớn nhất thế giới này. CEO của Mazda cũng bày tỏ lo ngại tương tự về sự chuyển dịch mạnh mẽ sang EV của ngành giao thông vận tải.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất pin EV trong nước, chính phủ Nhật Bản đang tăng cường hỗ trợ phát triển pin, phân bổ 330 tỷ yên (2,3 tỷ USD) trợ cấp cho ngành sản xuất này. Trong đó, Toyota sẽ nhận được gần 1 tỷ yên (847 triệu USD) hỗ trợ phát triển các dự án pin EV tiên tiến của doanh nghiệp.