Trên thế giới, những khu vực công nghiệp hóa cao đang đối mặt với cùng một vấn đề: công nghiệp hóa tạo ra quá nhiều CO2, gia tăng biến đổi khí hậu và mức độ ô nhiễm không khí cao, nguồn gốc các bệnh như ung thư, tim mạch và viêm phổi.
Với khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người
nghèo, hiện nay rất nhiều người không có được thực phẩm sạch, không khí trong
lành và phải sống trong những khu vực khó khăn. Đặc biệt ở Ấn Độ và một số nước
nghèo khác, người dân phải sống trong điều kiện nặng nề.
Giáo sư Ramkrishna Sen từ Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) trong một
bài viết đăng trên Wiley cho biết, sự phát triển công nghệ sinh học có thể đóng
vai trò quan trọng, giải quyết những thách thức toàn cầu hiện nay trong lĩnh vực
năng lượng, môi trường và chăm sóc sức khỏe.
Cùng với đồng nghiệp, tiến sĩ Ramalingam Dineshkumar từ Viện
nghiên cứu Hóa học Muối và Biển trung ương, ông thực hiện nghiên cứu, xác định liệu
nhà máy tảo sinh học có thể sản xuất lipid, đáp ứng nhu cầu cho nhiên liệu sinh
học và carotenoids cho những ứng dụng chăm sóc sức khỏe hay không, đồng thời giải
quyết vấn để giảm thiểu khí CO2 trong môi trường.
Ý tưởng nhà máy sinh học, sử dụng nguyên vật liệu vi tảo. Tảo
với các đặc tính thuận lợi được nuôi cấy với kết quả sinh khối được xử lý trong
nhà máy sinh học thành các sản phẩm tiêu thụ. Ánh sáng mặt trời giúp nuôi
cấy và phát triển tế bào tảo bằng carbon dioxide và chất dinh dưỡng từ những
nguồn địa phương. Dư lượng hữu cơ từ quá trình chế biến và tiêu thụ được
tái chế thông qua quá trình phân hủy yếm khí tạo ra năng lượng và các yếu tố cần
thiết cho quá trình canh tác tảo tiếp theo.
Các công nghệ sản xuất sinh học được phát triển dựa trên ý
tưởng xử lý sinh khối bền vững thành nhóm những sản phẩm hữu ích, có thể được
đưa ra kinh doanh trên thị trường, đáp ứng các nhu cầu xã hội.
Hiện nay, các sản phẩm và dược phẩm sinh hóa được sản xuất bằng
lò phản ứng sinh học, nhưng sử dụng quy trình này để sản xuất nhiên liệu sinh học
giá trị cao không có được hiệu quả kinh tế.
Vì vậy, các nhà khoa học Sen và Dineshkumar đưa ra những đề
xuất chi tiết của thiết kế lò phản ứng quang sinh học nhằm nâng cao hiệu quả sản
xuất nhiên liệu sinh học.
“Các nhà nghiên cứu
đã có nhiều cải tiến nhằm nâng cao năng suất sản phẩm,” các nhà khoa học Ấn Độ
nói, “trong đó co giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất
lutein và lipid bằng cách tích hợp quy trình hoạt động xuôi và ngược dòng quy
trình sản xuất nhằm giảm chi phí liên quan đến quá trình”.
Vấn đề nghiên cứu cần tập trung vào sản xuất và thu được các
carotenoit có giá trị cao như lutein, sử dụng cho những ứng dụng chăm sóc sức
khỏe và lipid để sản xuất nhiên liệu sinh học, song song cùng với hiệu quả hấp
thụ khí CO2.
Ông Sen và Dineshkumar cho biết, lựa chọn nguyên liệu tiềm
năng là vấn đề then chốt có thể tạo ra nhiều sản phẩm đồng thời trong sản xuất
các sinh khối bền vững.
Vi tảo được coi là nguyên liệu sinh khối tiềm năng trong
lĩnh vực sử dụng hiệu quả đất và nước, đồng thời có khả năng hấp thụ khí CO2 hiệu
quả gấp 10 đến 50 lần so với thực vật, cung cấp năng lượng (đốt) trên mặt đất.
Nhưng sản xuất lutein và diesel sinh học bằng vi tảo có những
khó khăn về công nghệ, đó là năng suất sản phẩm thấp và chi phí cao cho canh
tác và chế biến sinh khối giai đoạn cuối.
Tiềm năng thương mại của các quá trình nhiệt hóa học của quy
trình chế tạo sinh khối như khí hóa, nhiệt phân và thủy nhiệt hóa lỏng được chứng
minh hiệu quả trong công nghiệp để sản xuất dầu sinh học và những sản phẩm có
giá trị cao khác.
Nhưng những phương thức sản xuất này đòi hỏi nhiệt độ cao từ
400-600 ° C với áp suất cao từ 5 đến 20 MPa. Các điều kiện kỹ thuật khắt khe
này đòi hỏi những quy trình sản xuất phải được nâng cấp theo cách tìm kiếm và
phát triển những chất xúc tác hiệu quả nhằm giảm năng lượng cần thiết cho quá
trình để để có thể đưa vào công nghiệp dân dụng.
Hai nhà khoa học Sen và Dineshkumar cũng đề nghị phải tích hợp
các quy trình sản xuất xuôi và ngược dòng nhằm giảm chi phí và năng lượng, cho
phép sản xuất lutein và lipid có hiệu quả kinh tế. Theo các nhà khoa học, để
phát triển một nhà máy vi tảo sinh học cần phân tích toàn diện về chi phí đầu
tư, năng lượng cần thiết để đạt được mục tiêu kinh tế, có được những sản phẩm
sinh khối và giảm thiểu khí CO2 trong môi trường.
Sen và Dineshkumar kết luận rằng, phát triển các chủng vi tảo
biến đổi, có khả năng sản xuất một lượng lớn lipit và carotenoids cũng có thể
là một giải pháp phù hợp để phát triển nhà máy vi tảo sinh học có hiệu quả kinh
tế cao.
Các nhà khoa học cho rằng, ngoài việc sản xuất caroten và
lipid từ sinh khối tảo, nhà máy vi tảo sinh học cũng có thể sản xuất các sản phẩm
giá trị cao khác như carbohydrate cho bioethanol (nhiên liệu sinh học), protein
cho thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón sinh học.