Nếu là khách du lịch đi dạo trong một thành phố Nhật Bản, bạn có thể nhận thấy điều gì đó đặc biệt. Tất cả các thùng rác ở đâu!? Bạn mang cái túi đồ ăn onigiri trống rỗng hàng giờ rồi và thực sự muốn tìm một cái thùng rác thông thường!
Du khách có thể tìm thấy một trong những thùng rác công cộng hiếm hoi, điều thú vị là không phải một thùng rác mà nhiều thùng khác nhau trong một nhóm. Du khách sẽ phải tìm ra, thùng nào đựng giấy gói onigiri, thùng nào đựng gói, túi hoặc chai nhựa, v.v..
Nếu là người nước ngoài sống ở Nhật Bản, điều khó khăn đầu tiên là phải chịu trách nhiệm về rác thải của gia đình, mọi chuyện trở lên phức tạp hơn rất nhiều. Bạn phải đối mặt với việc phân loại và làm sạch rác một cách tỉ mỉ, đảm bảo bỏ rác vào đúng ngày và trong túi có màu phù hợp, hoặc gánh chịu sự xấu hổ khi túi rác bị trả lại?
Nhật Bản là một quốc gia cực kỳ sạch sẽ và thân thiện với môi trường, rất quan tâm đến việc tái chế. Nhưng vấn đề rác thải còn phức tạp hơn nếu đi sâu vào cuộc sống thực tế.
Nếu bạn là một người nước ngoài và chuyển đến sống ở Nhật Bản, một trong những điều đầu tiên là hiểu được và thuộc lòng hướng dẫn gomi của thị trấn (thành phố). Gomi tiếng Nhật chỉ rác. Một hướng dẫn thu gom rác từ thành phố Niihama dài đến bốn mươi hai trang! Nhưng cũng không phải là bất thường. Ủy ban Truyền thông Quốc tế Tokyo giải thích trong hướng dẫn gomi, "Các vấn đề phát sinh liên quan đến rác có thể dễ dàng gây rắc rối với láng giềng và cộng đồng. Để thiết lập một cuộc sống thoải mái cho bạn và những người khác trong cộng đồng, điều quan trọng là phải tuân thủ các quy tắc địa phương về Thu gom rác."
Không có cách nào đơn giản mô tả hệ thống phân loại rác Nhật Bản. Xử lý chất thải được thực hiện ở cấp thành phố. Mỗi thành phố, thị trấn và quận có hệ thống hoàn toàn khác nhau. Ngay cả hai mươi ba phường Tokyo cũng có các hệ thống xử lý rác thải khác nhau.
Ngay cả khi bạn thành thạo một hệ thống, nhưng nếu chuyển sang sống ở nơi khác sẽ có một hệ thống khác. Rác nơi thị trấn tác giả sống được phân loại thành các loại có thể cháy (túi màu đỏ), không thể đốt (túi màu xanh), giấy, nhựa, chai nhựa PET, lon, xốp, báo, thùng giấy, thủy tinh không vỡ và pin (túi màu trắng) và nhiều loại túi các màu theo quy định khác. Trên các túi đều phải ghi số nhận dạng ID của mình hoặc gia đình mình.
Một số loại rác được thu gom mỗi tuần, một số loại khác thu gom hai tuần một lần. Các loại rác khác được thu thập một lần một tháng đến một lần một năm. Rác thải (đồ vật) quá cỡ thu thập hai lần một năm và người chủ phải mua một nhãn dán đặc biệt, trả tiền cho việc xử lý. Bạn phải mua túi rác cụ thể, chỉ có thể sử dụng trong thị trấn đang sống. Cũng không thể bỏ rác có thể đốt vào bất kỳ túi màu đỏ nào, mà phải là túi màu đỏ đặc biệt, được phê duyệt. Nếu người chủ sai lầm khi lựa chọn rác, túi rác đó sẽ quay trở lại nhà với một miếng dán biểu tượng “xấu hổ”, trở thành một kẻ thất bại trong mắt hàng xóm láng giềng.
Thị trấn Kakimatsu ở Shikoku có 44 loại rác khác nhau. Một bài báo trên trang New York Times viết chi tiết về hệ thống phân loại rác cực kỳ nghiêm ngặt được thi hành ở một số địa phương. Cũng có nhiều người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi quy định này, một người phụ nữ nhận lại túi rác với biểu tượng xấu hổ vì đã sử dụng một cây bút mỏng viết số nhận dạng lên túi của mình, hoặc một cặp vợ chồng không tuân thủ việc phân loại rác bị đuổi khỏi căn hộ của họ dưới áp lực của một người phân loại rác địa phương. Phân loại rác là một vấn đề thực sự lớn đối với người nước ngoài mới đến Nhật Bản.
Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với những thách thức nặng nề để xử lý chất thải. Vấn đề lớn nhất là không có đất cho bãi rác. Ngay từ những năm 1960 với dân số ngày càng tăng, Nhật Bản đã phải tìm giải pháp cho rác thải hoặc biến mất dưới dưới khối lượng khổng lồ rác.
Theo Waste Atlas, mỗi người Nhật Bản trung bình xả 356,2kg chất thải mỗi năm, Nhật Bản thường sản sinh 45.360.000 tấn chất thải đô thị/năm, chiếm vị trí thứ 8 trên thế giới. Không có không gian để chôn vùi tất cả, Nhật Bản đã phải tìm một giải pháp khác.
Sau khi tất cả chất thải đã được phân loại và thu gom, tất cả sẽ đi đâu? Có những suy nghĩ cho rằng, phân loại rác thải để có thể tái chế dễ dàng hơn, nhưng đây là một quan niệm sai lầm khá phổ biến khi mới đến Nhật Bản.
Khi nói đến tỷ lệ tái chế, Nhật Bản chỉ chiếm có ( 20,8% ), còn xa hơn so với các quốc gia công nghiệp hóa khác thiếu đất làm bãi rác như Hà Lan (51%) và Anh (39%) . Phương pháp giải quyết rác thải của Nhật Bản là xử lý bằng nhiệt năng, được gọi là "fluidized bed".
Xử lý nhiệt chất thải rắn đô thị có một số lợi thế so với những hình thức thiêu hủy rác khác. Rẻ hơn, chiếm ít không gian hơn, tạo ra ít oxit nitơ hơn và ít sulfur dioxide hơn. Xử lý nhiệt còn được sử dụng như một phần của hệ thống Waste to Energy, sử dụng thành phần thu được sau khi xử lý nhiệt tạo ra năng lượng. Hiện nay Nhật Bản là nước sử dụng công nghệ này lớn nhất thế giới.
Trong Hệ thống phân cấp quản lý chất thải (Hierarchy of waste management) phương pháp xử lý chất thải thành năng lượng xếp dưới mức tái chế và phân hủy, nhưng trên tất cả các loại bãi rác. Một điều thú vị là Mỹ, một nước công nghiệp hàng đầu thế giới lại ử dụng bãi rác để xử lý gần ( 69% ) chất thải khi Nhật Bản sử dụng nhiệt để xử lý. Nhật Bản cũng xuất khẩu công nghệ này sang các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan và Singapore. Điều đó cho thấy, xử lý chất thải thành năng lượng là giải pháp cho rất nhiều vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt trên toàn thế giới.
Người Nhật đã làm gì với 20,8% chất thải tái chế? Nhật Bản khá thành công với việc tái chế chai PET. PET là viết tắt của polyetylen terephthalate, được sử dụng làm chai nước uống trong các máy bán hàng tự động và cửa hàng tiện ích trên khắp Nhật Bản.
Các công ty Nhật Bản tăng tỷ lệ nhựa làm chai PET đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất chai nhựa PET mới. Chai PET được hòa tan và lọc ở nhiệt độ cao, hình thành loại nhựa nguyên chất và chế thành chai PET mới. Công nghệ này làm giảm 90% nhu cầu của Nhật Bản với các nguồn nguyên liêu từ dầu mỏ để sản xuất chai PET.
Chai PET không qua quá trình lọc được biến thành những sản phẩm khác khác. Sợi polyetylen kéo ra từ chai PET tái chế, được chế thành quần áo, túi xách, thảm và cả áo mưa cho chó.
Tái chế chai PET là một trong thành công về tái chế của Nhật Bản, nên thùng nhựa đựng chai PET có mặt ở khắp mọi nơi. Chúng ta sẽ thường thấy bên ngoài các cửa hàng tiện ích hoặc bên cạnh máy bán hàng tự động. Thùng thường có một lỗ tròn cho chai và có môt lỗ nhỏ thứ hai cho nắp chai. Điều này khiến những người phân loại rác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong công việc và tất nhiên là có mức lương cao hơn theo khối lượng sản phẩm.
Nhật Bản cũng có một giải pháp khác để xử lý rác, đó là mở rộng thêm đất bằng rác thải đã qua xử lý nhiệt? . Nhật Bản sử dụng sản phẩm công nghệ này lấp đầy một vùng nước bằng đá, xi măng, bụi đất và rác đã xử lý, tạo ra vùng đất mới,. Sân bay quốc tế Chūbu Centrair gần Nagoya và sân bay quốc tế Kansai đều được xây dựng trên các đảo nhân tạo. Vùng Tokyo, nơi có giá đất trêm trời, Nhật Bản đã chôn lấp và khai hoang thành công một khu đất rộng 249 km2 (96 dặm vuông) ở vịnh Tokyo.
Mặc dù Nhật Bản khá thành công trong vấn đề rác thải, nhưng quốc gia này vẫn tạo ra một lượng lớn chất thải phải xử lý. Quốc gia này hiện đang thúc đẩy một số dự án khuyến khích giảm chất thải, nhỏ nhất như sử dụng đũa cá nhân " My Hashi ", hoặc phục hồi lại truyền thống bọc furoshiki cũ nhằm giảm bao bì. Nhật Bản bắt đầu sử dụng thường xuyên khẩu ngữ "mottainai" (xấu hổ vì lãng phí) và cũng phát triển các công nghệ xử lý nhiệt hiện đại hơn để nhanh chóng giải quyết các loại chất thải? Những bài học của Nhật Bản về quản lý rác thải hiện cũng là những giải pháp mà chúng ta phải nghiên cứu ứng dụng.
Trịnh Thái Bằng