Ngày 6/6, chinh phủ Nhật Bản công bố chiến lược bản dẫn sửa đổi, tăng gấp 3 lần doanh số bán sản phẩm sản xuất trong nước vào năm 2030, đưa công nghiệp bán dẫn trở thành trung tâm của an ninh kinh tế quốc gia.
Kể từ đầu những năm 2000, chính phủ Nhật Bản và những công
ty bán dẫn trong nước vẫn chưa suy nghĩ quá nhiều về lý do vì sao ngành công
nghiệp chip tiên tiến của quốc gia này đang bị những đối thủ nước ngoài chiếm
lĩnh thị trường và vươn lên dẫn đầu.
Ảnh minh họa: Tech Wire Asia
Trong một vài năm trở lại đây, chính phủ Nhật Bản và các
doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều nỗ lực nhằm phục hồi lại sự phát triển của
ngành chip Nhật Bản, đã bị đình trệ và tụt hậu rất xa thế giới trong hai thập kỷ
qua.
Sau một thập kỷ những năm 2010 trì trệ của ngành chip, khi
Nhật Bản vẫn không đầu tư vào ngành công nghiệp từng phát triển hàng đầu thế giới,
đến năm 2020, khi tình trang khủng hoảng thiếu chip, giãn đoạn nguồn cung do đại
dịch và xung đột giữa Bắc Kinh và Washington, Tokyo quyết định đưa ra chiến lược
bán dẫn vào năm 2020.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đạt doanh số 5 nghìn tỷ yên
từ sản phẩm linh kiện bán dẫn sản xuất trong nước vào năm 2030. Đó là 3 năm về
trước. Tuần này, Nhật Bản công bố kế hoạch chiến lược sửa đổi cho ngành công
nghiệp chip của quốc gia này, đặt mục tiêu kinh doanh sản phẩm đầy tham vọng.
Theo chiến lược sửa đổi, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng doanh số
bán linh kiện bán dẫn lên hơn 15 nghìn tỷ yên (108 tỷ USD) vào năm 2030, gấp ba
lần kế hoạch đặt ra của năm 2020. Kế hoạch kinh doanh chip mới là một phần
trong chiến lược Nhật Bản nhằm đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành trung
tâm của chính sách an ninh kinh tế.
Kế hoạch chiến lược bán dẫn sửa đổi cho Nhật Bản
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI),
chiến lược sửa đổi, được công bố ngày 6/6 nhằm tăng cường nỗ lực phát triển và sản
xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến, có ý nghĩa quan trọng đối với những biện pháp
đảm bảo an ninh kinh tế và sự phát triển của công nghệ tiên tiến như Trí tuệ Nhân
tạo AI.
Chiến lược mới của Nhật Bản cũng nêu rõ mục tiêu bán hàng đối
với các công ty sản xuất chip tại Nhật Bản, giúp đảm bảo nguồn cung cấp linh kiện
bán dẫn ổn định cho quốc gia.
Bộ trưởng kinh tế Yasutoshi Nishimura trả lời phỏng vấn của các
phóng viên trước khi công bố chiến lược sửa đổi tuyên bố: “Các công ty liên
quan đến ngành chip Nhật Bản đang thực hiện nhiều khoản đầu tư khác nhau, trong
đó có cả những công ty vừa và nhỏ, chúng tôi muốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp
những khoản đầu tư này. Chúng tôi muốn đảm bảo duy trì một khoản ngân sách cần
thiết để hỗ trợ những dự án liên quan đến ngành bán dẫn.”
Mặc dù vậy, bản kế hoạch chiến lược dài 274 trang không cho
biết, chính phủ Nhật Bản dự định phân bổ số tiền là bao nhiêu trong những năm tới
ngoài hàng tỷ USD đã công bố để khuyến khích Công ty sản xuất Linh kiện bán dẫn
Đài Loan tăng cường năng lực sản xuất và tài trợ cho liên doanh chip của Nhật Bản,
Rapidus.
Tính đến thời điểm hiện nay, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ tài
chính trị giá 330 tỷ yên (2,4 tỷ USD) cho Rapidus và lên tới 476 tỷ yên (3,4 tỷ
USD) cho nhà máy mới của TSMC ở Kumamoto, miền nam Nhật Bản. Chính phủ cũng trợ
cấp tới 92,9 tỷ yên (660 triệu USD) cho nhà máy của Kioxia Holdings tại Mie, miền
trung Nhật Bản.
Chiến lược sửa đổi cho thấy chính phủ kỳ vọng, chỉ riêng những
dự án của TSMC và Kioxia sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản thêm
4,2 nghìn tỷ yên (30 tỷ USD), tạo ra khoảng 463.000 việc làm và thu khoảng 760
tỷ yên (5,4 tỷ USD) tiền thuế.
Trong chiến lược chip sửa đổi, Nhật Bản sẽ xem xét giảm thuế
và trợ cấp cho những công ty đầu tư vào linh kiện bán dẫn, pin lưu trữ, sản xuất
nhiên liệu sinh học và trung tâm dữ liệu để duy trì khả năng cạnh tranh với các
quốc gia khác, theo một kế hoạch kinh tế sửa đổi cũng được ban hành.
Theo METI, thị phần linh kiện bán dẫn Nhật Bản trên thị trường
thế giới đã giảm từ 50% năm 1990 xuống còn 10% hiện nay. Mục tiêu của chính phủ
rất đơn giản, cố gắng duy trì 10% thị phần còn lại đó cho đến năm 2030.
Nguyên nhân dẫn đến quyết định của Nhật Bản
Mặc dù ngành công nghiệp chip của Nhật Bản từng thống trị thị
trường toàn cầu những năm 1980, nhưng đã suy giảm nặng nề kể từ khi Mỹ trừng phạt
ngành công nghiệp Nhật Bản bằng cách buộc chính phủ Nhật Bản phải ký một thỏa
thuận gây bất lợi cho ngành công nghiệp bán dẫn. Khi Nhật Bản bước vào thời kỳ
kinh tế năng động và phát triển mạnh trong những năm 1970, các nhà hoạch định
chính sách Mỹ bắt đầu coi Nhật Bản là một
đối thủ cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường.
Trong thời điểm này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ
lo ngại rằng, các công ty Nhật Bản, được
trợ cấp xuất khẩu đang “bán phá giá” chip và thiết bị điện tử tiêu dùng vào thị
trường Mỹ nhằm chèn ép các công ty nội địa Mỹ, đồng thời Nhật Bản cũng ngăn cản
nước ngoài tiếp cận thị trường nội địa quốc gia.
Trong bối cảnh bất mãn của các nhà lập pháp ngày càng tăng ở
Mỹ, cáo buộc ngành công nghiệp Nhật Bản có các hoạt động thương mại không công
bằng, Washington bắt đầu gây sức ép đòi hỏi những nhượng bộ thương mại từ chính
phủ Nhật Bản. Chính phủ Nhật, lo ngại nguy cơ bị loại hoàn toàn khỏi thị trường
Mỹ và áp lực từ chính sách đối ngoại đã có những nhượng bộ theo Hiệp định bán dẫn
Mỹ-Nhật năm 1986.
Thỏa thuận này trao cho chính phủ Mỹ quyền thiết lập giá thị
trường hợp lý tối thiểu cho chip ở Mỹ đồng thời quy định thị phần nước ngoài
trên thị trường bán dẫn Nhật Bản từ 10% lên 20%. 2 quy định này đồng thời làm suy
giảm khả năng cạnh tranh của Nhật Bản trên thị trường bán dẫn trong nước và nước
ngoài. Lợi thế này cho phép các công ty bán dẫn ở Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia
khác giành được phần lớn thị phần bán dẫn trên thế giới.
Theo các nhà phân tích, sau vô số sáng kiến kể từ cuối những
năm 90, kế hoạch hồi sinh ngành công nghiệp chip của Nhật Bản trước sự cạnh
tranh khốc liệt như vậy phải đối mặt với rất nhiều thách thức và bất ổn. Trang Global
Times đã chỉ rõ những thách thức lớn mà ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản phải
vượt qua tính đến năm 2030.
“Đầu tiên và quan trọng nhất, ngay cả khi Nhật Bản, với những lợi thế hiện có và những nỗ lực không
ngừng, có thể sản xuất một khối lượng chip như chiến lược sửa đổi đặt ra, quốc
gia này vẫn phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong tìm kiếm thị trường
nhập khẩu do những hạn chế của Nhật Bản đối với hoạt động xuất khẩu, phải tuân
thủ những quy định hạn chế của Mỹ” một bài báo của Global Times nêu rõ. Như đã
biết, ngày 23/5, chính phủ Nhật Bản thông báo đưa 23 mặt hàng, trong đó có những
thiết bị công nghệ tiên tiến cho sản xuất chất bán dẫn, vào danh sách xuất khẩu
theo giấy phép.
Động thái này dự kiến có hiệu lực vào cuối tháng 7 và tuân
theo những trình tự tương tự như chính phủ Mỹ đã thực hiện. Mặc dù chính phủ Nhật
Bản khẳng định, quy định này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng bộ luật
xuất khẩu sửa đổi này được hầu hết các chuyên gia kinh tế công nghệ xác định là
nhằm vào Trung Quốc. Quy định này sẽ gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nhật
Bản do linh kiện bán dẫn và các công cụ kỹ thuật chế tạo linh kiện bán dẫn là
dòng sản phẩm xuất khẩu lớn thứ hai của Nhật Bản sau xe ô tô và cũng là mặt
hàng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc.
Theo Global Times, chỉ riêng trong năm 2020, Nhật Bản là nhà
xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn hàng đầu sang Trung Quốc. Căng thẳng
gia tăng thời gian qua khiến xuất khẩu Nhật
Bản sang Trung Quốc giảm 20% trong quý đầu tiên năm 2023, tổng kim ngạch thương
mại song phương giảm 11,5%.
Không có thị trường Trung Quốc, tham vọng bán dẫn của Nhật Bản
phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều nền kinh tế khu vực Châu Á
Thái Bình Dương và trên thế giới, đang đầu tư mạnh vào ngành sản xuất chip để
xuất khẩu như Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan.
Trên thực tế thị trường bán dẫn quốc tế, chiến lược sửa đổi
với mục tiêu doanh số bán hàng đầy tham vọng có rất nhiều rào cản lớn phải vượt
qua, đặc biệt khi Nhật Bản không thể xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bối cảnh hiện nay đặt
ra nghi vấn, liệu Nhật Bản có thành công trong kế hoạch phục hồi ngành công
nghiệp bán dẫn hay chỉ có thể duy trì được thị phần có tỷ lệ % thấp trong thị
trường bán dẫn cho đến cuối thập kỷ những năm 2020 này.