Tỷ lệ béo phì trên thế giới tăng gấp ba lần kể từ năm 1975. Một nghiên cứu mới của Trường Đại học Y khoa Minnesota phát hiện được ở loài gặm nhấm những đột biến quan trọng trong các phân tử liên quan đến béo phì, giúp phát triển các liệu pháp chống béo phì mới.
Tác giả chính Alessandro Bartolomucci, PGS.TS tại Khoa Sinh
học và Sinh lý Tích hợp tại Trường Đại học Y khoa Minnesota, và nhóm của ông,
bao gồm TS Bhavani Sahu, TS Yuk Sham, đã phát hiện được các đột biến
quan trọng trong một peptit và một thụ thể có liên quan đến bệnh béo phì, tiểu
đường và tăng huyết áp ở loài gặm nhấm có ý nghĩa quan trọng đối với những hoạt
động sinh học này. Phát hiện có thể là cơ sở để phát triển một số phương pháp
điều trị mới, được công bố trên Tạp chí Cell Reports.
Các nghiên cứu trước đây đã xác định được một neuropeptide (có
tên là TLQP-21) ở chuột kích hoạt một thụ thể (tên gọi là C3aR1), gây ra sự
phân hủy chất béo trong cơ thể để sản xuất năng lượng. Nhóm nghiên cứu Bartolomucci
bắt đầu nghiên cứu với con người và phát hiện rằng, peptide con người không thúc
đẩy hoạt động sinh học này, nhưng đường tác động sinh học vẫn bảo tồn đối với sự
béo phì ở cả người và chuột.
Nhóm nghiên cứu thử nghiệm peptide của loài gặm nhấm với thụ
thể của con người và nhận thấy có tác dụng sinh học, nhưng không mạnh bằng
peptide của loài gặm nhấm với thụ thể của loài gặm nhấm.
Sau khi lập mô hình tương tác peptit / thụ thể và phân tích
lịch sử của những loài khác nhau, tiến hóa theo thời gian, các nhà khoa học
phát hiện được sự kết hợp của các axit amin trong peptit và thụ thể là duy nhất
trong những loài đã phân tích và giải thích sự khác biệt trong hoạt động dược
lý ở tế báo loài gặm nhấm và người. Sự kết hợp này thường được tìm thấy trong một
nhóm động vật gặm nhấm, được gọi là Murinae, như chuột nhắt, chuột cống và các
loài gặm nhấm nhỏ, thường được sử dụng trong nghiên cứu y sinh.
PGS Bartolomucci cho biết, có thể suy đoán rằng cụm đột biến
này được lựa chọn trong quá trình tiến hóa nhằm tạo ra năng lượng cho những động
vật có vú kích thước nhỏ của một số loài gặm nhấm.
Để chứng minh quan điểm này, nhóm nghiên cứu bắt chước những
gì mà quá trình tiến hóa mất hàng triệu năm để đạt được và tạo ra một thụ thể
lai "ma-hóa" trong một hệ thống in-vitro (trong ống nghiệm).
Thụ thể lai có tất cả các axit amin của trình tự người nhưng
bị đột biến bằng việc thay thế năm axit amin của trình tự gen người bằng trình
tự loài gặm nhấm. Kết quả cho thấy peptit của chuột (ở cấp độ nhỏ hơn peptit của
con người) hoạt động mạnh ở thụ thể của con người được "ma hóa" hơn
là ở thụ thể của người bình thương, cho thấy những đột biến trong trình tự của
loài gặm nhấm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của cơ chế phân
giải mỡ ở loài gặm nhấm.
Từ kết quả của nghiên cứu này, peptide của loài gặm nhấm có
thể là mục tiêu dược lý thú vị, được nghiên cứu để phát triển những loại thuốc tác
động vào thụ thể con người. Đây có thể là điểm khởi đầu phát triển các loại thuốc
trên cơ sở trình tự TLQP-21 của loài gặm nhấm, mạnh hơn và chọn lọc hơn peptide
nội sinh con người trong việc kích hoạt thụ thể C3aR1 chống bệnh béo phì.