Một công ty công nghệ sinh học của Pháp tuyên bố phát triển thành công vắc-xin ung thư, có hiệu quả điều trị cao, giảm đến 41% nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh ung thư phổi phổ biến và ít nhạy cảm với xạ trị, hóa trị.
Ngày 11/9, trang Euronews.Next, dẫn tuyên bố của công ty công nghệ sinh học OSE Immunotherapeutics, có trụ sở tại Nantes và Paris ở Pháp cho biết, công ty đã phát triển một loại vắc-xin mới, trong thử nghiệm đã được chứng minh có thể tăng khả năng sống sót của những bệnh nhân mắc một số bệnh ung thư phổi.
Theo tuyên bố của Ose Immunotherapeutics, vắc-xin Tedopi được chứng minh có hiệu quả trong khả năng giảm tỷ lệ tử vong ở một số bệnh ung thư phổi.
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến bệnh ung thư ở châu Âu và Mỹ. Các nghiên cứu thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng gần 80% ở những người dưới 50 tuổi trong 30 năm qua
Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đánh giá hiệu quả điều trị của vắc-xin, giai đoạn thử nghiệm cuối cùng để thu thập dữ liệu dành cho cấp giấy phép đưa thuốc ra thị trường được công bố trên tạp chí Annals of Oncology.
Theo Viện Ung thư Mỹ, loại vắc-xin này được tiêm cho những bệnh nhân mắc bệnh Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ giai đoạn cuối (NSCLC hoặc ung thư biểu mô tuyến), loại ung thư phổi phổ biến nhất và là loại ung thư “ít nhạy cảm hơn với hóa trị liệu và xạ trị”.
Vắc-xin giảm 41% nguy cơ tử vong
Cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có sự tham gia của 219 bệnh nhân, tất cả đều có biểu hiện kháng thuốc với những phương pháp điều trị hiện có ở 9 quốc gia Châu Âu và Mỹ. Trong số các bệnh nhân tham gia cuộc nghiên cứu, 139 bệnh nhân được tiêm vắc-xin và 80 bệnh nhân được hóa trị.
Những bệnh nhân được điều trị bằng vắc-xin Tedopi cho thấy tỷ lệ sống sót cao hơn đáng kể và chất lượng cuộc sống tốt hơn so với những bệnh nhân được hóa trị.
GS Benjamin Besse thuộc Viện nghiên cứu ung thư Gustave Roussy, tác giả chính của công trình nghiên cứu cho biết: “Nguy cơ tử vong giảm đến 41%, liên quan đến các dữ liệu điều trị bệnh nhân cho thấy hiệu quả hơn và đảm bảo được chất lượng cuộc sống bệnh nhân.”
Vắc-xin của Liệu pháp miễn dịch Ose, được sử dụng trong thử nghiệm trị liệu này là phương pháp điều trị bậc ba, có nghĩa là các bệnh nhân đã nhận được hai liệu pháp khác trước đó.
GS Besse nói thêm: “Thông qua kết quả thử nghiệm trị liều, cần phải có những nghiên cứu đánh giá sâu hơn phương pháp điều trị thứ hai đối với bệnh ung thư NSCLC tiến triển và di căn, để có khả năng cung cấp loại vắc xin ung thư này cho những bệnh nhân khó điều trị trong tình trạng thất bại của trị liệu và có nhu cầu phương pháp điều trị cao hơn.”
Theo báo cáo kết quả thử nghiệp của Ose Immunotherapeutics, vắc-xin Tedopi có hiệu quả điều trị những bệnh nhân có gen HLA-A2, loại gen hiện diện ở khoảng một nửa dân số trên toàn cầu.
Ban đầu, tiêm vắc-xin được thực hiện 3 tuần một lần, sau đó cứ tám tuần một lần trong một năm và sau đó cứ sau 12 tuần mỗi năm.
Ông Nicolas Poirier, Giám đốc điều hành của công ty cho biết, kết quả gần đây của những thử nghiệm khác nhau “làm nổi bật triển vọng điều trị ung thư của loại vắc xin trị liệu mới này”.
Những tiến bộ trong liệu pháp miễn dịch
Tedopi là vắc xin điều trị ung thư, không phải là biện pháp phòng ngừa.
Vắc-xin điều trị ung thư nhằm mục đích huấn luyện hệ thống miễn dịch nhận biết và tiêu diệt cụ thể các tế bào khối u. Vắc-xin kích hoạt hệ thống phòng thủ của chính bệnh nhân để tiêu diệt bệnh ung thư.
Theo tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh (Cancer Research UK), lĩnh vực trị liệu bằng hệ thống miễn dịch đã có những tiến bộ lớn từ những năm 2010 và có được nhiều kinh nghiệm từ những nghiên cứu trong đại dịch Covid-19, giúp " đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin mRNA".
Một số phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch đã được phê duyệt và nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực đang tiếp tục, cho những kết quả đầy hứa hẹn. Đo
Đầu năm 2023, chính phủ Anh đã ký thỏa thuận với BioNTech, bắt đầu thực hiện thử nghiệm vắc-xin ung thư, điều trị cho 10.000 bệnh nhân đến năm 2030.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Anh Market Future Insight, thị trường vắc-xin ung thư toàn cầu dự kiến sẽ trị giá 22 tỷ euro vào năm 2033, mặc dù chi phí điều trị bằng văc-xin rất cao. Giá trị cổ phiếu của Ose Immunotherapeutics tăng 60% trên Sở giao dịch chứng khoán Paris một ngày sau khi công ty công bố kết quả thử nghiệm.