Có thể
thấy, thị trường du lịch toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ với sự lên
ngôi của du lịch trực tuyến. Tại khu vực Đông - Nam Á, Google dự đoán
giá trị của du lịch trực tuyến sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ
USD năm 2025. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ
tăng trưởng thương mại điện tử của nước ta năm 2017 đạt hơn 25% và có
thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, tốc độ tăng
trưởng của du lịch trực tuyến lên tới 50%, gấp hai lần tốc độ tăng
trưởng chung của thương mại điện tử. Diễn đàn du lịch trực tuyến trong
khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2018 cũng chỉ ra: 71% du
khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2017 đều tham khảo thông tin điểm
đến trên in-tơ-nét và 64% đặt chỗ, mua dịch vụ trực tuyến. Điều này cho
thấy, thói quen tiêu dùng của du khách đang phụ thuộc nhiều vào công
nghệ và đây chính là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch dễ
dàng nắm bắt nhu cầu thật sự của du khách, từ đó cung cấp sản phẩm đúng,
trúng tới từng đối tượng khách hàng mục tiêu. Muốn làm được điều này,
ngành du lịch cần nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển đổi số để hình
thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu thông minh. Việc số hóa
sẽ giúp thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát để các
thành phần cùng khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm,
dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa xu hướng, nhu cầu của du khách.
Số hóa hệ thống dữ liệu du lịch không chỉ giúp chủ động cung cấp thông
tin, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu về điểm đến của du khách thông
qua thiết bị thông minh; mà còn hướng tới đổi mới phương thức, nâng cao
hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp kết
nối thuận tiện với các chủ thể liên quan, từ đó tăng cường hiệu quả kinh
doanh và sức cạnh tranh cũng như uy tín thương hiệu du lịch quốc gia.
Tuy nhiên, để thực hiện số hóa hoàn toàn các dữ liệu du lịch không
đơn giản, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có nội dung văn hóa sâu
sắc và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều ngành khác như: an ninh, vận
tải, y tế, thương mại... Sản phẩm du lịch được hợp thành bởi một chuỗi
cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng tới khu vui chơi giải trí, điểm
tham quan… Do đó, việc chuyển đổi số hóa các dữ liệu du lịch đòi hỏi sự
phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền
tảng công nghệ mạnh và thống nhất. Theo các chuyên gia du lịch, công
việc này đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực; song thách thức hơn là khi có
được hệ thống thông tin số trong tay, làm thế nào để quản lý và sử dụng
một cách hiệu quả nhất, tạo cú huých giúp các doanh nghiệp du lịch Việt
Nam có thể tận dụng thế mạnh này để làm chủ trên sân nhà. Tổng cục
trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hiện nay, trong lĩnh vực du
lịch trực tuyến, nhất là ở thị trường đặt chỗ trực tuyến (booking
online), Việt Nam đang bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng. Nhiều
công ty du lịch trực tuyến của Việt Nam vừa hình thành đã không thể đi
tiếp để cạnh tranh. Các sàn giao dịch điện tử về du lịch ở trong nước
mới chỉ thực hiện được khoảng 20% số nhu cầu giao dịch. Nguyên nhân do
so với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã đi
sau khoảng 20 năm về kinh nghiệm, tiềm lực tài chính còn hạn chế và yếu
hơn về nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết của từng doanh
nghiệp về số hóa cũng không cao và chưa đồng đều. Việc số hóa sẽ dẫn tới
tái cấu trúc doanh nghiệp và quy trình kinh doanh, đây là sự thay đổi
mà không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng để bước vào “cuộc chơi
lớn”. Do đó, theo đại diện nhiều công ty du lịch, các cơ quan quản lý
nên có những chính sách kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp trong
nước có đủ thời gian lớn mạnh, tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ. Số
hóa không có nghĩa là chỉ tổng hợp, chuyển đổi các thông tin du lịch
lên môi trường số mà còn là số hóa cách quản lý, phương thức tiếp cận,
xúc tiến, quảng bá du lịch tới đối tượng khách hàng mục tiêu. Để thực
hiện điều này đòi hỏi sự đổi mới trong cả tư duy và hành động của toàn
ngành du lịch, từ đơn vị quản lý đến các doanh nghiệp để tăng cường năng
lực công nghệ phù hợp xu thế phát triển mới.
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc
tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm những tác
động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam đã nêu rõ, du lịch là một
trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi
số, ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là định hướng chính sách quan
trọng để Việt Nam phát triển du lịch thông minh trên nền tảng số hóa.
Mới đây, Tổng cục Du lịch đã hợp tác cùng Vntrip.vn-hệ thống website và
ứng dụng đặt phòng khách sạn lớn nhất Việt Nam phát triển Ứng dụng công
nghệ ảnh 360o trong du lịch. Đây là dự án số hóa dữ liệu du lịch bằng
hình ảnh thông qua xây dựng một cổng thông tin trực tuyến chính thống
vừa quảng bá, truyền thông và xúc tiến du lịch Việt Nam bằng hình ảnh
vừa tích hợp các dịch vụ thông minh trên nhiều thiết bị khác nhau như
màn hình cảm ứng, điện thoại, máy tính, máy tính bảng… Qua đó, góp phần
đáp ứng nhu cầu trải nghiệm công nghệ cao với chi phí thấp nhất cho du
khách. Tổng cục Du lịch cũng đang hợp tác Tập đoàn Bưu chính viễn thông
Việt Nam (VNPT) để thực hiện một ứng dụng trực tuyến nhằm đưa các thông
tin về điểm đến và du lịch Việt Nam lên thiết bị di động. Khách đi tới
đâu, thông tin về điểm đến sẽ tự động hiển thị bằng thứ tiếng tùy chọn.
Thay vì phải chủ động tìm kiếm như trước đây, thông tin du lịch sẽ tự
tìm đến du khách.
Hiện tại, Tổng cục Du lịch cũng đang trong quá trình xin ý kiến các
cơ quan chức năng để hoàn thiện “Đề án Tổng thể ứng dụng cộng nghệ thông
tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm
2030”. Đề án hướng tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ,
khoa học của ngành du lịch về các điểm đến, hệ thống cơ sở lưu trú, dịch
vụ du lịch, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, chính sách thị thực…
Trong đó, nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sẽ số hóa toàn bộ dữ liệu về
hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú
trong cả nước. Đây là những tín hiệu hứa hẹn bước tiến dài của du lịch
Việt Nam thời gian tới nhờ ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa du
lịch, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thành
công mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.