Stellantis, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai châu Âu về doanh số đang xem xét hợp tác với một công ty xe điện Trung Quốc nhằm tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới này.
Bloomberg, dẫn nguồn tin những người quen thuộc với vấn đề của Stellantis cho biết, công ty đang nghiên cứu khả năng hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất xe điện Trung Quốc, trong đó có công ty Công nghệ Chiết Giang Leapmotor, đồng thời yêu cầu không nêu tên vì đây là vấn đề nội bộ của Stellantis.
Một chiếc SUV chạy điện Leapmotor C11 và một chiếc mini chạy điện Leapmotor TO3 tại Triển lãm ô tô Paris năm 2022. Ảnh: Nathan Laine/Bloomberg
Theo gương của các đối thủ trong lĩnh vực xe điện, Stellantis cân nhắc những phương pháp như đầu tư vào một công ty xe điện địa phương và tính khả thi trong quan hệ đối tác kinh doanh sẽ giúp công ty mở rộng thị phần xe điện ở Trung Quốc.
Ngày 23/8, cổ phiếu Leapmotor tăng tới 11,4% tại Hồng Kông, mức tăng trong ngày lớn nhất trong hơn 4 tháng qua. Cổ phiếu tăng đạt 10,49% vào lúc 10: 25 sáng, định giá công ty này ở mức 5,2 tỷ USD.
Nguồn tin dấu tên cho biết, Stellantis đang xem xét các phương án và chưa có quyết định cuối cùng. Một nguồn tin khác của Bloomberg cho biết, các nhà sản xuất ô tô toàn cầu khác, trong đó có Volkswagen cũng thể hiện sự quan tâm đến khả năng hợp tác với Leapmotor.
Thông tin này xuất hiện 3 tuần sau khi nguồn tin Trung Quốc hé lộ, Volkswagen đang đàm phán với Leapmotor để mua một nền tảng xe điện hiện nay cho thương hiệu Jetta của doanh nghiệp.
Những bản tin địa phương khẳng định, mối quan hệ đối tác mà Volkswagen đang đàm phán sẽ tương tự như mối quan hệ hợp tác giữa hai hãng xe Audi-SAIC hơn là thỏa thuận liên doanh với XPeng.
Cuối tháng 7, Volkswagen đầu tư 700 triệu USD mua 4,99% cổ phần của XPeng. Hãng xe Đức sẽ sử dụng nền tảng Edward của XPeng, áp dụng cho các mẫu G9 và P7, để chế tạo và ra mắt 2 mẫu xe điện mới cho thị trường Trung Quốc.
Audi cũng xác nhận mối quan hệ hợp tác với công ty nhà nước SAIC một tuần trước với mục đích đẩy nhanh quá trình phát triển xe điện trong khu vực với những sản phẩm phù hợp thị hiếu của người dân Trung Quốc.
Leapmotor đã huy động được 803 triệu USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ở Hồng Kông tháng 9/2022. Cổ phiếu của hãng Leapmotor đang được giao dịch thấp hơn giá cổ phiếu phát hành lần đầu tiên (IPO) hơn 20% khi tham gia cuộc cạnh tranh gay gắt giữa nhà nhà sản xuất xe điện non trẻ.
Phát ngôn viên của Stellantis và Volkswagen từ chối bình luận, trong khi đại diện của Leapmotor không trả lời yêu cầu bình luận từ báo giới.
Stellantis phải xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác Trung Quốc phù hợp với chiến lược “tiết kiệm tài sản” do Giám đốc điều hành Stellantis Carlos Tavares đề xuất. Năm 2022, công ty đã ngừng sản xuất tại nhà máy Jeep duy nhất ở Trung Quốc đồng thời cân nhắc chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh sản xuất ô tô tại quốc gia này.
Tháng 7/2023, CEO Tavares cho biết ông hài lòng với quyết định giảm quy mô sản xuất, đồng thời lưu ý, các đối thủ cạnh tranh Volkswagen và General Motors đang “chịu áp lực” nặng nề ở Trung Quốc khi các nhà sản xuất xe địa phương và tesla giảm giá.
Stellantis hiện đang liên doanh với Tập đoàn Dongfeng Motor để bán xe Peugeot và Citroën tại Trung Quốc. Giám đốc tài chính sắp tới của công ty, được thành lập từ sự hợp nhất năm 2021 giữa Fiat Chrysler và Tập đoàn PSA của Pháp trong tháng 7 phát biều, phát triển kinh doanh ở Trung Quốc có ý nghĩa then chốt do vị thế và tầm quan trọng của quốc gia này trong tiến trình chuyển đổi sang xe điện.
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đang đặc biệt quan tâm tới thị trường xe điện Trung Quốc, tìm kiếm giải pháp mở rộng thị phần tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Chủ sở hữu các thương hiệu Jeep, Ram, Chrysler, Fiat, Alfa Romeo, Maserati và một số hãng khác, đang nghiên cứu xem xét phương thức hợp tác với một nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, theo phương thức mà Volkswagen đã làm. Các mẫu xe của Stellantis có thể được phát triển trên nền tảng xe điện của Trung Quốc để duy trì và phát triển thương hiệu trong khu vực.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu. Chỉ riêng trong tháng 6, hơn 535.000 xe điện chạy pin (BEV) được bán ra ở quốc gia này. Hơn 2,55 triệu xe điện được bán ở Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 6. Nhiều nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, trong đó có Volkswagen có được phần lớn doanh thu từ Trung Quốc.
Các nhà sản xuất ô tô khổng lồ như Volkswagen, Toyota, GM và lúc này là Stellantis đang nhận thấy sự cấp bách khi các công ty sản xuất xe điện khổng lồ như BYD và Tesla đang chiếm thị phần lớn ở thị trường này. Nếu không theo kịp các doanh nghiệp sản xuất xe điện địa phương, các thương hiệu lớn có thể tiếp tục bị loại khỏi Trung Quốc.
Phương pháp hợp tác với các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp địa phương có thể giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển xe điện đồng thời đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đặc biệt của người tiêu dùng Trung Quốc.