Tốc độ lây lan của một đám cháy rừng có thể nhanh chóng bao trùm một khu vực lớn và sự tàn phá thực sự kinh hoàng. Phát hiện sớm cháy rừng có ý nghĩa sống còn với việc ngăn chặn hỏa hoạn, điều động lực lượng cứu hỏa hay sơ tán cộng đồng.
Hiện tại, việc phát hiện sớm cháy rừng ở những khu vực hẻo
lánh thường được thực hiện bằng vệ tinh - nhưng phương pháp này gặp nhiều khó
khăn do thời tiết. Hơn thế nữa, ngay cả những hệ thống vệ tinh hiện đại nhất
cũng chỉ có thể phát hiện được vụ cháy khi diện tích đã bao trùm khoảng 18.4
km2.
Để phát hiện kịp thời các vụ cháy rừng, nhóm nhà khoa học, dẫn
đầu là Osama Bushnaq tại Trung tâm nghiên cứu Người máy độc lập thuộc Viện đổi
mới công nghệ ở Abu Dhabi thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đề
xuất một giải pháp mới khai thác mạng lưới cảm biến Internet vạn vật (IoT) và các
máy bay không người lái (UAV).
Các nhà khoa học đã thử nghiệm phương pháp tiếp cận này
thông qua mô phỏng, được giới thiệu trong một công trình nghiên cứu, công bố ngày
5/5 trên Tạp chí Internet of Things IEEE. Kết quả cho thấy hệ thống có thể phát
hiện đám cháy có kích thước chỉ 2,5 km2 (dưới một dặm vuông) với độ chính xác cao.
Sử dụng các UAV tự động để phát hiện cháy rừng
Trước đó, năm 2019, Telefónica, công ty viễn thông đa quốc
gia Tây Ban Nha, phối hợp với Đại học Carlos III de Madrid, công ty Divisek và
Dronitec, đã thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm với máy bay không người lái
bay tự động trên cơ sở giải pháp IoT để phát hiện sớm đám cháy.
Đây là thử nghiệm hiện thực hóa ý tưởng một hệ thống các cảm
biến và UAV tự động kết nối nhằm cảnh báo sớm cháy rừng bằng phương pháp truyền
thông tin hỏa hoạn tới các dịch vụ khẩn cấp thời gian thực.
UC3M, Telefónica, Divisek và Dronitec tiến hành thử nghiệm
đã được thực hiện với sự hợp tác của các dịch vụ khẩn cấp thuộc Khu tự trị
Madrid. UC3M phát triển các UAV bay tự hành và giao diện mà dịch vụ khẩn cấp
sử dụng để kiểm soát thông tin thời gian thực; Divisek phát triển hệ thống
tự động sạc UAV và Dronitec cung cấp các dịch vụ liên quan đến thử nghiệm. Cơ
sở hạ tầng hiện có của Telefónica được sử dụng cung cấp kết nối dữ liệu thời
gian thực.
Telefonica có các tháp truyền thông đặt khắp khu vực xung
quanh Madrid, được trang bị các cảm biến nhiệt. Trong các tháp có một nhà
chứa một máy bay không người lái, được trang bị các cảm biến, máy ảnh nhiệt và
quang học. Khi các cảm biến nhiệt trên tháp liên lạc phát hiện ra đám cháy
sẽ gửi cảnh báo đến UAV với tọa độ ban đầu. UAV bay đến vị trí hỏa hoạn,
xác định tọa độ, thu thập video quang học và ảnh nhiệt và gửi thông tin đến
trung tâm dịch vụ khẩn cấp thời gian thực. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, drones quay
trở lại nhà chứa máy bay và tự động sạc lại.
Một hệ thống, sử dụng UAV do Đại học Madrid Carlos III phát
triển, cảm biến nhiệt và tháp truyền thông của Telefónica có thể phát hiện được
đám cháy trên khu vực có bán kích đến 15 km.
Mở rộng hơn so với nhóm nghiên cứu Tây Ban Nha, phương thức tiếp
cận của nhóm Bushnaq trong công trình nghiên cứu mô phỏng UAV – IoT liên quan đến
một mạng lưới các cảm biến IoT nằm rải rác khắp những khu vực cần quan tâm như
công viên quốc gia, các vùng rừng xa xôi.
Nếu hỏa hoạn bùng cháy, các thiết bị cảm biến IoT, được triển
khai trong khu vực sẽ phát hiện và gọi một UAV bay đến khu vực, xác minh tọa độ
và thu thập thông tin thời gian thực. Những thông tin thu thập được sẽ được
truyền tải đến các cơ quan cứu hỏa, chịu trách nhiệm cho khu vực và cấp cao,
xác minh một đám cháy rừng với quy mô và tọa độ.
Các nhà khoa học đã đánh giá một số UAV và cảm biến IoT khác
nhau để xác định phương thức kết hợp tối ưu. Sau đó, bằng phương pháp mô phỏng
máy tính, nhóm nghiên cứu triển khai 420 cảm biến IoT và 18 UAV bay tuần tra
trên mỗi km vuông khu rừng. Kết quả cho thấy, hệ thống có thể phát hiện đám
cháy diện tích 2,5 km2 với độ chính xác hơn 99%. Những đám cháy nhỏ hơn trên diện
tích 0,5 km2, độ chính xác 69%, có hiệu quả cao hơn hẳn so với chụp ảnh vệ
tinh. Nhưng Bushnaq thừa nhận, phương thức tiếp cận này có những hạn chế nhất định.
Ông giải thích: “Mạng UAV-IoT chỉ có thể bao phủ các khu vực
tương đối nhỏ hơn. Do đó, UAV-IoT thích hợp để phát hiện cháy rừng tại các khu
vực có nguy cơ cao”.
Phương pháp sử dụng các UAV tuần tra độ cao lớn, các UAV độ cao thấp và ảnh vệ tinh kết hợp để phát hiện cháy rừng
Các nhà nghiên cứu đề xuất phương pháp tiếp cận UAV-IoT được
sử dụng kết hợp với các UAV bay trên độ cao lớn hơn, thời gian tuần tra dài và ảnh
vệ tinh, có thể bao phủ các vùng rộng lớn. Các UAV bay trên độ cao lớn sẽ thường
xuyên tuần tra các khu vực rộng lớn theo vùng trách nhiệm của cơ quan cứu hỏa cấp
cao với tần suất dựa theo mùa khí hậu, thời tiết và thời gian có nguy cơ cháy rừng
cao. Trong tình huống phát hiện nghi vấn cháy rừng, thông tin sẽ được chuyển đến
cơ quan cứu hỏa. Các UAV tuần tra độ cao thấp lân cận sẽ được sử dụng để xác
minh tính thực tế và tình trạng khu vực hỏa hoạn.
Bushnaq nhận định, những hệ thống UAV-IoT như vậy có nhiều ứng
dụng rộng rãi hơn. Ông nói: “Mặc dù hệ thống được thiết kế để phát hiện cháy rừng,
nhưng có thể được sử dụng để theo dõi các thông số rừng khác nhau, như tình trạng
của rừng, phát hiện các hiện tượng khai thác rừng trái phép, theo dõi tình trạng
thảm thực vật và quần thể động vật sống trong rừng”.