Các nhà khoa học Đức phát triển giải pháp sử dụng phản ứng quang hóa với chất xúc tác là hạt nano kim cương, chuyển hóa khí carbon dioxide thành nguyên liệu thô cho các chất hữu ích thành quy trình sản xuất công nghiệp.
Quy trình chuyển đổi CO2 được nghiên cứu chi tiết
trong khuôn khổ nghiên cứu phòng thí nghiệm với các hạt kim cương nano đóng vai
trò chất xúc tác quang thân thiện môi trường.
Nhóm nhà nghiên cứu từ Viện Fraunhofer về Microengineering
và Microsystems IMM Đức hiện đang phối hợp với các đối tác, phát triển phản ứng
này thành một quy trình liên tục để có thể ứng dụng vào trong ngành công nghiệp.
Trước những tổn thất do CO 2 gây ra cho khí hậu, các chính
phủ và doanh nghiệp đang nỗ lực nhằm hạn chế lượng khí thải vào môi trường. Nhưng
trong những ngành công nghiệp không thể tránh khỏi, CO2 có thể được sử dụng làm
nguyên liệu thô để sản xuất các khối xây dựng C1 (một nguyên tử carbon được
thêm vào một phân tử hữu cơ, tạo thành Liên kết C–C) có liên quan đến công nghiệp
như axit formic hoặc metanol, chứa một nguyên tử cacbon.
Một phương pháp khả thi với sử dụng kim cương nano: CO2 được
chuyển hóa thành axit formic bằng cách sử dụng kim cương nano làm chất xúc tác,
chiếu sáng bằng ánh sáng UV-C bước sóng ngắn trong môi trường nước. Phương pháp
độc đáo này hiện đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của GS Anke Krüger
tại Đại học Würzburg (GS Krüger hiện đang làm việc tại Đại học Stuttgart).
Sử dụng kim cương làm chất xúc tác được cho là có giá thành
cao, nhưng viên kim cương sử dụng trong quá trình này không phải là kim cương cấp
trang sức đắt tiền mà là một viên kim cương kích nổ (kim cương nano siêu phân
tán) sản xuất ở quy mô công nghiệp và tương đối rẻ tiền để làm chất xúc tác. Vật
liệu chủ yếu là carbon, chất xúc tác "xanh" thân thiện với môi trường.
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu vi kỹ thuật và vi hệ
thống Fraunhofer (Fraunhofer IMM), phối hợp với GS Krüger và TS B. Sahlmann thuộc
công ty Giải pháp quang hóa Sahlmann (Sahlmann Photochemical Solutions GmbH) đang
nghiên cứu đưa những phản ứng này tiến một bước gần hơn đến ứng dụng trong công
nghiệp trong khuôn khổ dự án CarbonCat. TS Thomas Rehm, một trong những nhà
khoa học tại Fraunhofer IMM cho biết: "Cho đến nay, các thí nghiệm đã được
thực hiện trong lò phản ứng theo mẻ, sử dụng bình khuấy. Phương pháp này có một
số nhược điểm nhất định. Thứ nhất, sự tiếp xúc giữa pha khí và chất lỏng với chất
xúc tác có hiệu quả không cao; thứ hai, chất xúc tác (các hạt nano trôi nổi) cần
phải được tách ra khỏi dung dịch sau phản ứng."
Chất xúc tác kim cương diện tích lớn
Trên cơ sở nhận định này, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp, áp
dụng chất xúc tác trên các khu vực rộng lớn như trên các tấm phản ứng có kích
thước khoảng 5 x 9 cm. Rehm giải thích: “Quy trình phản ứng mà chúng tôi sử dụng
cho đến nay chỉ là cho đặt tất cả các thành phần vào bình, khuấy lên và đợi cho
đến khi phản ứng kết thúc, nhưng điều chúng tôi muốn đạt được là phản ứng hoạt
động liên tục”.
Để đạt được mục tiêu này, các nhà khoa học phát triển một lò
phản ứng vi mô với một tấm phản ứng đứng thẳng đứng, có các kênh vi mô phủ chất
xúc tác kim cương. Trên đỉnh của tấm là khe hở để nước liên tục được bơm vào.
Chất lỏng sau đó chảy xuống tấm phản ứng. Lực mao dẫn hình thành màng chất lỏng
có độ dày từ 10 đến 50 micromet, lớp màng này liên tục bao phủ các vi kênh. CO2
được dẫn qua tấm phản ứng từ phía dưới theo cấu hình ngược dòng.
Một tấm phản ứng phủ hạt nano kim cương với các vi kênh của
lò phản ứng dòng chảy vận hành liên tục, chuyển đổi CO2 thành các khối xây dựng
C1. Ảnh: Fraunhofer IMM
"Bằng cách này, nhóm nghiên cứu có thể đưa trực tiếp một
lượng carbon dioxide lớn hơn nhiều vào màng chất lỏng xúc tác với một thể tích
dung dịch nhỏ hơn. Phương pháp này tăng cường sự tiếp xúc giữa khí-lỏng-rắn, khiến
hiệu quả phản ứng chuyển đổi CO2 cao hơn và thu được lượng lớn hơn axit
formic," ông Rehm nói.
Một tấm phản ứng phủ kim cương với các vi kênh là yếu tố
chính cho lò phản ứng dòng chảy vận hành liên tục, chuyển đổi CO2 thành các khối
xây dựng C1. Ảnh: Fraunhofer IMM
Ánh sáng khả kiến thay thế tia UV
Để giảm thiểu chi phí, các nhà nghiên cứu không sử dụng ánh
sáng UV-C tiêu tốn nhiều năng lượng như trong trường hợp chất xúc tác kích thước
nano và thay vào đó sử dụng ánh sáng khả kiến rẻ hơn và dễ xử lý hơn. Để thực
hiện điều này, các nhà khoa học sửa đổi bề mặt kim cương vì cần thu được ánh
sáng khả kiến nhưng vẫn kích hoạt phản ứng tương tự như kim cương kích thước
nano.
Nhóm nghiên cứu sử dụng ánh sáng khả kiến để cung cấp năng lượng cho phản ứng chuyển đổi CO2
Các nhà nghiên cứu đã liên kết hóa học các phức hợp kim loại,
là các hợp chất hữu cơ với tâm kim loại có khả năng hấp thu ánh sáng khả kiến với
bề mặt hạt nano kim cương.
Nhưng các phức hợp này không bao phủ toàn bộ bề mặt, cho
phép chất lỏng và carbon dioxide vẫn tiếp xúc với lớp kim cương. Khi ánh sáng
khả kiến chiếu vào lớp phủ biến tính, một số electron bị đẩy ra khỏi mạng
tinh thể kim cương và chạy lên bề mặt lớp kim cương. Những electron này chuyển
sang CO2, kết hợp với nước tạo thành axit formic.
TS Rehm giải thích: “Chúng tôi đã phát triển một máy bơm điện
tử chạy bằng ánh sáng.” Để cung cấp nhiều điện tử hơn, nhóm nghiên cứu đặt thêm
một điện áp thấp lên bề mặt kim cương.
Với những cải tiến này, các nhà khoa học đã đạt được những kết
quả ban đầu quan trọng, đó là chất xúc tác diện tích lớn và khả năng sử dụng
ánh sáng khả kiến. Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực giải quyết một thách thức, thời
gian tiếp xúc thấp: Lớp CO2 , nước và kim cương hiện chỉ có 10 đến 15 giây cho
phản ứng, không đủ thời gian để tạo ra lượng axit formic cần thiết cho những ứng
dụng công nghiệp. Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm 2 giải pháp, sử dụng phức
hợp kim loại hiệu quả hơn để tăng tốc độ phản ứng và điều chỉnh lò phản ứng để
cho phép có được thời gian tiếp xúc lâu hơn.
Sự kết hợp của quang hóa học và xúc tác sinh học
Trong một dự án riêng biệt khác, một nhóm nhà khoa học từ từ
4 viện Fraunhofer khác nhau đang có những bước tiến xa hơn trong nghiên cứu sử
dụng ánh sáng cho các phản ứng hóa học. Dự án kết hợp xúc tác quang hóa với xúc
tác sinh học, các phản ứng trong đó các enzyme sinh học đóng vai trò là chất
xúc tác, điều đó có thể cho phép kết hợp hai quy trình rất dễ dàng nhằm sản xuất
các hóa chất tốt với độ tinh khiết đồng phân đối quang cao, theo yêu cầu trong
các ứng dụng sản xuất dược phẩm hoặc hóa chất nông nghiệp.
Trong dự án này, nhóm
nghiên cứu khai thác các phản ứng diễn ra trong điều kiện thác nước, được thực
hiện bằng giải pháp kết hợp hai phương pháp xúc tác. Nhóm nghiên cứu hy vọng, kết
hợp 2 loại chất xúc tác có thể sẽ đạt được hiệu quả cao hơn trong sản xuất các
khối xây dựng C1, ứng dụng trong công nghiệp hóa chất bền vững.