Nhựa trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta sử dụng bao bì, quần áo, dụng cụ thể thao, đồ chơi, linh kiện điện tử và nhiều vật dụng khác, được chế tạo từ nhựa.
Sản xuất và tiêu thụ nhựa toàn cầu bùng nổ theo nghĩa đen
trong những thập kỷ gần đây, đồng thời cũng gây ô nhiễm môi trường nặng nề vì
chất thải nhựa tràn ngập mọi nơi và tồn tại dai dẳng trong những bãi rác chôn lấp
khổng lồ.
Sản xuất nhựa thế giới đến thời điểm này đạt mức kỷ lục gần
360 triệu tấn.
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Timmy Thiounn và trợ lý Giáo cư
Rhett Smith, thuộc Khoa Hóa và là thành viên Trung tâm Công nghệ Khoa học và Kỹ
thuật Vật liệu Quang học, Đại học Clemson, Clemson, South Carolina, Mỹ nhận định:
“Hậu quả của rác thải nhựa và ô nhiễm môi trường đã trở thành là những vấn đề nặng
nề của xã hội, sinh thái và kinh tế, đòi hỏi phải hành động ngay lập tức và quyết
liệt”.
Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Khoa
học Polyme, cả hai đã phân tích những nghiên cứu lý thuyết hiện đại, đang được tiến
hành nhằm phát triển các phương pháp mới, tái chế một số loại nhựa sản xuất nhiều
nhất trên thế giới.
Tái chế nhựa phế thải
Hầu hết rác thải nhựa bị đổ ra các bãi chôn lấp, nhưng số lượng
lớn rác nhựa thông dụng bị xả thải vào sông hồ và đại dương. Đó cũng không phải
là nguyên nhân duy nhất khiến việc tái chế nhựa phế thải trở thành vô cùng quan
trọng.
Thiounn và Smith phân tích, “Ngoài những tác động sinh thái
của hoạt động xả thải nhựa, tồn tại những vấn đề rất lớn về kinh tế và địa
chính trị trong sự phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung xăng dầu / khí tự nhiên
đang dần cạn kiệt trong khi dân số ngày càng tăng.
Trong hai thập kỷ qua, những nỗ lực tái chế phế thải nhựa
trên thế giới đã tăng lên nhưng những thách thức liên quan đến việc chuyển phế
thải nhựa thành nguyên liệu cho những sản phẩm mới, thân thiện môi trường vẫn
vô cùng nghiêm trọng, lượng nhựa tái chế trên toàn cầu thấp một cách đáng xấu hổ:
chưa đến 10% chất thải nhựa được tái chế.
Các nhà nghiên cứu cho biết, cứ mỗi tấn nhựa phế thải được
tái chế, thế giới tiết kiệm được 7 thùng dầu. Điều đó cho thấy, lượng nhiên liệu
thu được thực sự là khổng lồ nếu như chúng ta có thể hiện thực hóa được một chiến
lược tái chế nhựa hiệu quả.
Quy trình tái chế hiện nay
Hình thức tái chế đơn giản nhất là thường được sử dụng là đốt
cháy polymer để thu hồi năng lượng. Trong quá trình này, polymer bị đốt cháy và
thu được nhiệt năng. Nhưng phương thức này rất không kinh tế và giải phóng khí
độc hại cùng các loại độc chất hậu tái chế vào môi trường.
Quy trình tái chế tốt nhất hiện nay là tái chế cơ học phế thải
nhựa; ví dụ như lấy lốp xe đã thải loại loại nghiền vụn và sử dụng làm phụ gia
trong sàn cao su hoặc ghế công viên.
Do có rất nhiều loại nhựa khác nhau, có những tính chất lý
hóa khác nhau, hiệu quả chung cao nhất trong vấn đề tái chế phế thải nhựa được bắt
đầu bằng quá trình phân loại và tiền xử lý chất thải nhựa.
Đây là cơ sở căn bản của chu trình tái chế nhựa khép kín: rác
thải nhựa không bị nhiễm bẩn sẽ được chuyển trực tiếp thành sản phẩm mới, lý tưởng
nhất là không phải phá hủy các tính chất lý hóa của nhựa. Nhưng đây là tình huống
lý tưởng, không phải có thể làm với quy mô lớn.
Tái chế bằng phương thức hóa học để phế thải thành nguyên liệu
thô
Hai nhà khoa học Thiounn và Smith cho biết: “hiện đang có sự
chênh lệch vô cùng lớn giữa lượng rác thải nhựa và lượng nhựa phế thải được tái
chế”.
Vấn đề bức thiết hiện nay là chúng ta phải chuyển sang những
quy trình tái chế mới, có thể sử dụng đồng thời với những quy trình hiện tại nhằm
giảm bớt những thách thức, liên quan đến lượng phế thải nhựa khổng lồ bị xả ra
môi trường.
Một giải pháp chiến lược, thay thế cho những quy trình cơ học
là tái chế hóa học chất thải nhựa. Trong giải pháp này, những quy trình hóa học
sẽ phân hủy polymer thành các sản phẩm có giá trị cao hơn, làm nguyên liệu để sản
xuất nhiên liệu và các polymer.
Các cơ sở quy mô thí điểm sử dụng phương thức khí hóa nhiệt
đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc tái chế những rác thải đô thị toàn phổ
bao gồm cả nhựa, dệt, thực phẩm và nhiều thành phần chất thải khác.
Chất thải bị nhiệt phá hủy, sau đó, luồng hơi nước và oxy được
bơm vào, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các thành phần chất thải bị phá hủy,
dưới nhiệt độ cao thành trở thành hỗn hợp khí tổng hợp.
Từ đây, khí tổng hợp thô được gửi đến buồng làm sạch, điều
hòa nhiệt phân tách các loại khí gas, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong những ngành
công nghiệp khác nhau. Mặc dù quy trình phức tạp, nhưng phương thức hoạt động
hiệu quả và mang lại lợi ích cụ thể.
Phát triển nghiên cứu về chất xúc tác
Theo các nhà nghiên cứu, để có được sản lượng cao với những
sản phẩm mong muốn như monome, khí, dầu và chất rắn, cần sử dụng dung môi được
điều chỉnh thông minh, điều chỉnh đúng nhiệt độ của từng giai đoạn, thời gian nhiệt
hóa và phế liệu đầu vào.
Hiện nay, các nhà khoa học tập trung nỗ lực phát triển các
chất xúc tác, tăng cường hiệu quả tổng thể của quy trình, giảm nhiệt độ cần thiết
nhằm giảm tiêu hao năng lượng các quá trình tái chế.
Các nhà khoa học Thiounn và Smith nhấn mạnh: “Quy trình nhiệt
hóa tái chế chất thải nhựa hiện nay hứa hẹn sẽ trở thành một trong những quy
trình then chốt, giúp giảm khối lượng chất thải trong những bãi rác chôn lấp và
chống ô nhiễm môi trường tương lai hiệu quả.