Các nhà nghiên cứu Đại học Delaware, Mỹ phát triển một phương pháp mới, chuyển đổi rác thải nhựa thành các phân tử, sử dụng để chế tạo nhiên liệu máy bay phản lực, dầu diesel và vật liệu bôi trơn.
Nhiều triệu tấn rác thải nhựa cuối cùng bị đưa vào các bãi
chôn lấp mỗi năm. Đây là một vấn đề xã hội lớn và là nguy cơ phá hủy, gây nhiễm
độc môi trường sống đối với toàn thế giới.
Tại Mỹ, chỉ có gần 9% chất thải nhựa được tái chế. Còn lại
hơn 75% chất thải nhựa bị đưa vào các bãi chôn lấp và tới 16% bị đốt cháy, xả
thải khí độc vào bầu khí quyển gây ô nhiễm môi trường.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Đổi mới Chất dẻo (CPI) Đại
học Delaware (UD) thành công phát triển một giải pháp, trực tiếp chuyển đổi chất
thải nhựa sử dụng một lần, nguyên nhân chính tạo ra rác thải nhựa như túi nhựa,
hộp đựng sữa chua, chai nhựa, nắp chai, bao bì, v.v. sang dạng phân tử sẵn sàng
sử dụng để sản xuất nhiên liệu phản lực, dầu diesel và vật liệu bôi trơn.
Công trình khoa học được đăng tải trên tạp chí Science
Advances ngày 21/4, tập trung vào phương pháp sử dụng một chất xúc tác mới và
quy trình độc đáo, nhanh chóng phá vỡ những loại nhựa khó tái chế nhất là
polyolefin. Polyolefin chiếm 60 đến 70% tất cả các loại nhựa được sản xuất trên
thế giới.
Quy trình do nhóm nghiên cứu Đại học Delaware (UD) phát triển
yêu cầu năng lượng ít hơn khoảng 50% so với các công nghệ khác, không xả thải
carbon dioxide vào khí quyển, giảm thiểu khí thải hơn so với những kỹ thuật thường
được sử dụng.
Công nghệ này có thể được thực hiện chỉ trong vài giờ ở nhiệt
độ thấp, gần 250 độ C. Nhiệt độ này cao hơn một chút so với nhiệt độ lò nướng
450 độ F thường sử dụng trong gia đình. Đặc điểm quan trọng của phương pháp mà
nhóm nghiên cứu UD phát triển là có thể xử lý nhiều loại nhựa khác nhau ngay cả
khi bị trộn lẫn, đơn giản hóa rất nhiều trong công nghiệp tái chế rác.
Dion Vlachos, nghiên cứu viên chính của dự án, giáo sư Kỹ thuật Hóa học
và Phân tử Sinh học của Unidel Dan Rich, giám đốc Viện năng lượng Delaware và
Trung tâm xúc tác Đổi mới năng lượng UD cho biết: “Chuyển đổi hóa học là phương
pháp tiếp cận linh hoạt và hiệu quả nhất giải quyết chất thải nhựa.
Những thành viên tham gia công trình nghiên cứu là Sibao
Liu, phó giáo sư kỹ thuật hóa học và công nghệ tại Đại học Thiên Tân; Pavel
Kots, nghiên cứu viên của CPI; Brandon Vance, sinh viên đã tốt nghiệp UD; Andrew
Danielson, sinh viên năm cuối chuyên ngành kỹ thuật hóa học UD.
Tạo các phân tử sẵn sàng sử dụng cho nguyên liệu
Nhóm nghiên cứu UD sử dụng một quy trình hóa học, được gọi
là hydrocracking phá vỡ các hạt nhựa rắn thành những phân tử carbon nhỏ hơn và thêm
các phân tử hydro vào hai đầu để ổn định nguyên vật liệu cho sử dụng.
Quy trình Hydrocracking phá vỡ các hạt nhựa rắn
Quá trình đứt vỡ bằng xúc tác không phải là mới. Các nhà máy
lọc dầu sử dụng quy trình này để chuyển hóa dầu thô nặng thành nhiên liệu. Nhưng
phương pháp của nhóm nghiên cứu không chỉ phá vỡ các hạt nhựa mà còn biến đổi vật
liệu thành những phân tử nhánh, cho phép dịch chuyển trực tiếp thành sản phẩm
cuối cùng.
Quy trình chuyển hóa rác thải nhựa thành nhiên liệu và sản phẩm giá trị cao
Giáo sư Vlachos giải thích: “Công nghệ này chuyển hóa nhựa
thành các phân tử sẵn sàng sử dụng để sản xuất dầu nhờn hoặc nhiên liệu có giá
trị cao. Chất xúc tác, đóng vai trò then chốt trong công nghệ này là vật liệu
lai ghép, sự kết hợp của zeolit và hỗn hợp các oxit kim loại.”
Khoáng chất Zeolit có những đặc tính giúp tạo ra các phân tử
phân nhánh rất hiệu quả. Zeolit được sử dụng trong hệ thống lọc hoặc làm mềm nước
và chất tẩy rửa gia đình, nơi chúng chống lại các khoáng chất như canxi và
magiê, làm cho nước cứng trở nên mềm hơn và quá trình giặt giũ sạch hơn.
Hỗn hợp các oxit kim loại có khả năng phá vỡ các phân tử lớn
với liều lượng vừa đủ. Hai chất xúc tác này hoạt động riêng biệt có hiệu quả
kém. Nhưng nếu kết hợp cả hai sẽ tạo nên điều kỳ diệu, phá vỡ hoàn toàn cấu
trúc hạt nhựa cứng.
Sử dụng công nghệ và vật liệu sẵn có, rẻ và phong phú,
phương pháp do CPI phát triển có ưu thế hơn hẳn so với các kỹ thuật hiện nay đang
sử dụng. Ông Vlachos nhấn mạnh rằng cần phải tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để
chuyển các phương pháp khoa học này sang ngành công nghiệp.
Ông nói: “Đây không phải là những vật liệu đặc thù, vì vậy
chúng ta có thể nhanh chóng ứng dụng công nghệ này vào thực tế. Ông và Liu đã nộp
đơn xin cấp bằng sáng chế tạm thời về chất xúc tác sinh học mới và phương pháp
độc đáo thông qua Văn phòng Đối tác và Đổi mới Kinh tế của UD.
Những giải pháp bền vững, nền kinh tế tuần hoàn
Giảm chất thải nhựa bằng phương pháp chuyển hóa hóa học
thành nhiên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần
hoàn, những vật liệu phế thải được tái chế thành sản phẩm mới chứ không xả thải
ra môi trường. Các thành phần tái chế từ nhựa được sử dụng để chế tạo nhiên liệu,
nhóm sản phẩm có giá trị cao hơn sẽ tạo ra lợi ích cả về kinh tế và môi trường.
Giám đốc CPI LaShanda Korley, Giáo sư Khoa học và Kỹ thuật Vật
liệu và Kỹ thuật Hóa học và Phân tử UD phát biểu: “Phương pháp tiếp cận xúc tác
sáng tạo này là một bước tiến đáng kể đối với các quá trình khử phân tử, mở ra
một lộ trình mới xác định giá trị thực của chất thải nhựa. "
Những bước tiếp theo của CPI trong công trình nghiên cứu là
xác định những loại nhựa nào mà phương pháp của nhóm có thể xử lý và những sản
phẩm có thể tạo ra. Nhóm nghiên cứu của ông Vlachos hy vọng sẽ mở rộng hợp tác
với các đồng nghiệp trong trường và trong Trung tâm đổi mới chất dẻo nhằm khám
phá các công nghệ khác, cho phép tạo ra các sản phẩm có giá trị, tái chế lại chất
thải.
Vlachos nói: “Khi nền
kinh tế vòng tròn được phát triển, thế giới sẽ sản xuất ít nhựa nguyên chất hơn
vì sẽ tái sử dụng các vật liệu được tạo ra. Một mục tiêu khác là phát triển các
phương pháp để cải thiện chính quá trình tái chế. Chúng tôi muốn sử dụng điện
xanh để thực hiện quá trình xử lý hóa học rác thải nhựa để tạo ra những sản phẩm
mới, đó là mục tiêu của chúng ta trong vòng 10 đến 20 năm tới".