Trong tương lai gần, trên thị trường sẽ có pin xe điện sử dụng vật liệu tái chế. Ngày 12/9, Electrek cho biết, 4 công ty tại Mỹ sẽ liên kết sản xuất pin lithium-ion, sử dụng kim loại tái chế lần đầu tiên ở quốc gia này.
Nhà sản xuất pin toàn cầu, tập đoàn sản xuất hóa chất Baden Aniline và Soda (BASF) của Đức tại Mỹ, nhà sản xuất bộ lưu trữ điện năng graphene Nanotech Energy có trụ sở tại Florida, doanh nghiệp tái chế pin lithium-ion Công ty Công nghệ Pin Mỹ (ABTC ) và công ty Vật liệu Tiên tiến TODA có trụ sở tại Ontario, chuyên sản xuất vật liệu hydroxit kim loại cho các nhà sản xuất pin sạc lại sẽ liên doanh để tạo ra hệ thống khép kín vòng tròn nội địa cho pin xe điện lithium-ion (EV).
Kim loại thu được trong quá trình tái chế pin xe điện Lithium-ion. Ảnh Electrek
Ông Daniel Schönfelder, phó chủ tịch cao cấp về kim loại cơ bản và tái chế pin tại BASF tuyên bố: “Quan hệ hợp tác này sẽ cho phép BASF và Nanotech sản xuất pin lithium-ion dành cho xe điện có hàm lượng tái chế đáng kể tại Mỹ.”
Phương thức hoạt động của liên minh 4 công ty như sau: ABTC sẽ tái chế pin phế liệu và vật liệu không đạt tiêu chuẩn, sản phẩm phụ trong dây chuyền sản xuất pin xe điện thí điểm ở Chico, bang California và tại nhà máy sản xuất thương mại theo kế hoạch của công ty Nanotech.
Những kim loại thu được sau tái chế từ ABTC sau đó được chuyển đổi thành vật liệu hoạt động điện hóa, đòi hỏi thực hiện 2 bước: sản xuất vật liệu tiền chất và sản xuất vật liệu hoạt tính cực âm.
Tiền chất của pin là vật liệu ở giai đoạn cuối cùng trước khi trở thành cực âm hoặc thành phần nguyên liệu tạo thành cực âm. Vật liệu cực âm là nguyên liệu thô quan trọng quyết định hiệu suất của pin xe điện.
Trong vòng tròn liên minh này, TODA sẽ sản xuất vật liệu tiền chất mới và BASF sẽ sản xuất vật liệu hoạt tính cực âm mới ở Battle Creek, bang Michigan, từ những kim loại có được từ tái chế pin như niken, coban, mangan và lithium mà ABTC thu hồi.
Nanotech và BASF sau đó sẽ sử dụng những vật liệu tái chế thu được để sản xuất pin. Chương trình sản xuất thương mại chu trình khép kín sẽ bắt đầu vào năm 2024.
BASF, công ty đang cung cấp dịch vụ tái chế và vật liệu hoạt tính cực âm trên cơ sở kim loại tái chế cho biết, sử dụng kim loại tái chế trong sản xuất pin xe điện lithium-ion EV mới sẽ giảm thải CO2 trong quy trình sản xuất pin khoảng 25% so với quy trình sử dụng kim loại khai thác từ các mỏ châu Á trong nhiều năm. BASF gần đây cũng đã công bố triển khai công nghệ tái chế pin ở châu Âu.
Lượng xe điện được sản xuất và cung cấp trên thị trường tiếp tục gia tăng với tộc độ cao, chính quyền tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng pin lithium nội địa và các dự án tái chế pin xe điện tại Mỹ. Năm 2022, Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp khoản ngân sách 3,1 tỷ USD tài trợ cho các công ty thành lập nhà máy sản xuất pin. Tháng 6, Bộ Năng lượng tiếp tục thông báo sẽ cung cấp 192 triệu USD tài trợ cho các công ty tái chế pin.