Ngày 09/12. Nguyên mẫu Starship hình viên đạn của SpaceX đã phát nổ và biến mất trong quả cầu lửa khi đang thực hiện quy trình hạ cánh sau khi phóng thử nghiệm và thực hiện chuyến bay cơ động trên bầu trời.
Công ty SpaceX phóng nguyên mẫu tàu vũ trụ thử nghiệm này từ
cơ sở lắp ráp, kiểm tra và thử nghiệm tên lửa ở Boca Chica, Texas. Mặc dù cuộc
thử nghiệm kéo dài 6 phút rưỡi kết thúc bằng thảm họa, CEO Elon Musk lại khá
hài lòng với kết quả của chuyến bay thử nghiệm.
"Sao Hỏa, chúng ta đang đến !!" ông tweet vài phút
sau khi quá trình hạ cánh thất bại và ca ngợi giai đoạn phóng và bay thành
công.
Musk giải thích, "áp suất thùng chứa nhiên liệu của tên
lửa thấp" trong quá trình hạ cánh, nguyên nhân này khiến vận tốc hạ cánh cao,
gây ra va chạm mạnh và tàu vũ trụ phát nổ.
Người sáng lập SpaceX cho biết, nhóm chuyên gia Starship thu
được được tất cả dữ liệu cần thiết của chuyến bay trước khi vụ tai nạn xảy ra.
Tàu vũ trụ hành khách khổng lồ Starship được phóng thử nghiệm
Tàu vũ trụ hành khách khổng lồ Starship nổ tung khi hạ cánh
Theo kế hoạch đề ra, tàu vũ trụ dự kiến đạt độ cao 12.500
mét trong chuyến bay thử nghiệm, nhưng Musk và SpaceX đều không cho biết, tàu
vũ trụ có đạt được độ cao này hay không. Đây là chuyến bay cao nhất cho đến nay
của Starship, tàu vũ trụ mà Musk khẳng định có thể đưa hành khách đến Hành tinh
Đỏ.
SpaceX trong một thông cáo báo chí cho biết, Starship đã
"phóng thành công, chuyển tiếp nhiên liệu phóng sang chế độ hạ cánh và thực
hiện các động tác lật ngang thân và điều khiển cánh vây chính xác để bay đến điểm
hạ cánh".
SpaceX trước đó đã dự kiến phóng Starship vào ngày 8/12,
nhưng xuất hiện vấn đề với động cơ Raptor, khiến tàu vũ trụ buộc phải tự động hủy
bay chỉ một giây trước khi cất cánh.
Starship bị phá hủy trong vụ nổ là một nguyên mẫu tàu vũ trụ
có chiều cao bằng 16 tầng nhà. Cuộc thử nghiệm được lên kế hoạch nhằm kiểm tra
phần thân kim loại khổng lồ của Phi thuyền số 8 (SN8), khả năng điều khiển và
hiệu suất hoạt động của ba động cơ tên lửa.
Những nguyên mẫu nhỏ hơn đã vượt qua các chuyến bay thử nghiệm,
một phần trong kế hoạch phát triển thế hệ tên lửa tiếp theo của SpaceX, có thể
mang theo hành khách.
Starship là tàu vũ trụ thế hệ tiếp theo của SpaceX, được thiết
kế với mục đích chế tạo một phương tiện không gian, phục vụ nhu cầu vận tải khách
hàng vào không gian hiện tại cũng như tương lai. Starship dự kiến sẽ thay thế Falcon
9 và Falcon Heavy, mà SpaceX hiện đang sử dụng cho các nhiệm vụ vận tải trong
không gian.
Musk cũng kỳ vọng Starship sẽ là tàu vũ trụ có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng, vận chuyển
con người đến sao Hỏa và thiết lập một căn cứ của con người trên hành tinh này.
SpaceX đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay Starship thương mại
đầu tiên vào năm 2021. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, Space X cần phải thực hiện
thành công việc đưa Starship lên quỹ đạo và quay trở về thành công, đảm bảo được
sự an toàn tối đa của tàu vũ trụ và hành khách bên trong.
Tháng 8/2019, SpaceX phóng thử nghiệm nguyên mẫu tàu vũ trụ
Starhopper một động cơ, hoàn thành một chuyến bay ngắn từ cơ sở thử nghiệm Boca
Chica của công ty. Trong quá trình thử nghiệm, Starhopper bay lơ lửng cách mặt
đất 152 mét và di chuyển sang bên, sau đó từ từ hạ cánh thành công xuống bãi
đáp gần đó. Toàn bộ cuộc thử nghiệm kéo dài 57 giây.
Ngày 19/12/2020, tên lửa đẩy Falcon 9 B1059 cất cánh lần thứ
tư, mang theo một vệ tinh do thám bí mật của Mỹ lên Quỹ đạo Trái đất thấp (LEO),
đánh dấu lần phóng thành công thứ 26 của SpaceX và lần hạ cánh thành công thứ
23 trong năm 2020 - Falcon 9 sẽ kết thúc năm 2020 với tư cách là tên lửa được
phóng nhiều nhất trên thế giới và là tên lửa đáng tin cậy nhất thế giới, giúp
SpaceX chuẩn bị cho một năm 2021 đầy tiềm năng thành công.
Tên lửa vận tải Falcon 9 B1059 của SpaceX phóng thành công lần thứ 26 trong năm 2020