Các nhà khoa học đã phát triển thành công một thiết bị khử muối di động sản xuất nước sạch, trong mà không cần đến bộ lọc hoặc máy bơm cao áp với nguồn điện năng sử dụng thấp.
Nhóm nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Massachusetts (MIT)
đã phát triển một thiết bị khử muối di động, nặng dưới 10 kg (22 pound), có thể
loại bỏ các hạt và muối để tạo ra nước uống, không cần đến bộ lọc hoặc máy bơm
cao áp.
Thiết bị có kích thước bằng một chiếc vali, cần ít năng lượng
hơn cả bộ sạc điện thoại. Thiết bị hoạt động từ điện năng của một tấm pin mặt
trời nhỏ, di động, có giá khoảng 50 USD. Thiết bị tự động tạo ra nước uống, vượt
quá tiêu chuẩn chất lượng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Công nghệ được đóng
gọn thành một thiết bị thân thiện với người dùng, chạy chỉ bằng một nút bấm.
Không giống như các thiết bị khử mặn di động khác yêu cầu nước
phải chạy qua các bộ lọc, thiết bị lọc mới sử dụng năng lượng điện loại bỏ các
hạt khỏi nước uống. Việc không có nhu cầu thay thế bộ lọc giảm đáng kể những
yêu cầu bảo trì bảo dưỡng thời gian dài.
Thiết bị bao gồm quy trình phân cực nồng độ ion (ICP) hai
giai đoạn, nước chảy qua 6 module trong giai đoạn đầu tiên, sau đó đi qua 3
mô-đun giai đoạn thứ hai, tiếp theo là quy trình thẩm tách điện đơn. Ảnh: M.
Scott Brauer
Những đặc tính này có
thể cho phép triển khai thiết bị ở các khu vực xa xôi và hạn chế nghiêm trọng tài
nguyên như các cộng đồng trên những đảo nhỏ, trên các tàu hàng đi biển dài ngày.
Thiết bị có thể được sử dụng để hỗ trợ những người tị nạn trong thiên tai hoặc binh
lính, thực hiện các hoạt động quân sự dài ngày trên đảo nhỏ hoặc trên biển.
Tác giả chính công trình, Jongyoon Han, GS Kỹ thuật điện, Khoa
học máy tính và kỹ thuật sinh học, thành viên của Phòng nghiên cứu thí nghiệm điện
tử (RLE) cho biết, đây là kết quả của 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học phân
tích và phát triển những quy trình khử muối riêng lẻ và đưa tất cả những sáng tạo
đó vào một chiếc hộp, xây dựng một hệ thống và thử nghiệm thực tế với nước biển.
Tham gia cùng Han là Junghyo Yoon, nhà khoa học nghiên cứu trong
RLE; Hyukjin J. Kwon, cựu nghiên cứu sinh sau TS; SungKu Kang, nghiên cứu sinh
sau TS tại Đại học Northeastern; Eric Brack thuộc Bộ Tư lệnh Phát triển Khả
năng Chiến đấu của Quân đội Mỹ (DEVCOM). Nghiên cứu đã được công bố trực tuyến
trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường.
Các thiết bị khử muối di động bán trên thị trường thường yêu
cầu máy bơm áp suất cao để đẩy nước qua các bộ lọc, rất khó thu nhỏ do ảnh hưởng
đến hiệu quả năng lượng của thiết bị.
Nhóm nghiên cứu sử dụng kỹ thuật, được gọi là phân cực nồng
độ ion (ICP), được nhóm nhà khoa học của Han phát triển hơn 10 năm trước. Quy
trình ICP áp điện trường lên các màng đặt trên và dưới kênh dẫn nước. Những
màng này đẩy lùi các hạt mang điện tích dương hoặc âm, như các phân tử muối, vi
khuẩn và virus khi chảy qua. Các hạt mang điện kết hợp thành dòng nước thứ hai
và cuối cùng bị thải ra ngoài.
Quy trình loại bỏ cả chất rắn hòa tan và lơ lửng, chỉ cho
phép nước sạch đi qua kênh. Kỹ thuật này chỉ yêu cầu một máy bơm áp suất thấp,
ICP sử dụng ít năng lượng hơn so với tất cả các kỹ thuật khác.
Thiết bị di động không yêu cầu bất kỳ bộ lọc nào, giảm đáng
kể yêu cầu bảo trì thời gian dài. Ảnh: M. Scott Brauer
Nhưng không phải lúc nào ICP cũng loại bỏ tất cả các muối nổi
ở giữa kênh. Vì vậy, nhóm nghiên cứu kết hợp thêm quy trình thứ hai, được gọi
là thẩm phân điện, loại bỏ các ion muối còn lại.
Nhóm nghiên cứu Yoon và Kang sử dụng công nghệ máy học để
tìm ra sự kết hợp lý tưởng giữa ICP và mô-đun thẩm tách điện. Thiết lập tối ưu quy
trình ICP hai giai đoạn, nước chảy qua 6 module giai đoạn đầu tiên, sau đó là
ba module giai đoạn thứ hai, tiếp theo là quy trình thẩm phân điện. Mặc dù một
số hạt mang điện có thể bị giữ lại trên màng trao đổi ion, nhưng nếu các hạt bị
mắc kẹt, chỉ cần đảo ngược phân cực của điện trường và các hạt mang điện dễ
dàng bị loại bỏ.
Các nhà khoa học thu nhỏ và xếp chồng những module ICP và thẩm
tách điện nhằm tăng hiệu quả năng lượng và cho phép kích thược phù hợp cho thiết
bị di động. Nhóm thiết kế thiết bị này cho người dùng bình thường, chỉ với một
nút bấm để khởi động quá trình khử muối và thanh lọc tự động.
Khi độ mặn và số lượng hạt giảm đến ngưỡng cụ thể, thiết bị
sẽ thông báo cho người dùng, nước đã có thể uống. Nhóm cũng cũng phát triển một
ứng dụng điện thoại thông minh, có thể điều khiển thiết bị không dây, báo cáo dữ
liệu thời gian thực về mức tiêu thụ điện năng và độ mặn của nước.
Sau khi thực hiện các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, sử
dụng các loại nước có độ mặn và độ đục khác nhau, thiết bị được thử nghiệm tại
Bãi biển Carson ở Boston. Thiết bị có thể lọc được một cốc nước trong vòng nửa
giờ.
TS Jongyoon Han và nhà khoa học Junghyo Yoon trong quá trình
nghiên cứu. Ảnh: M. Scott Brauer
Nước lọc vượt quá hướng dẫn về chất lượng của Tổ chức Y tế
Thế giới và giảm lượng chất rắn lơ lửng ít nhất bằng hệ số 10. Nguyên mẫu sản
xuất nước uống với tốc độ 0,3 lít mỗi giờ và cần 20 watt điện cho mỗi lít .
Nhóm nhà khoa học hy vọng sẽ làm cho thiết bị trở nên thân
thiện với người dùng, tăng cường hiệu suất năng lượng và tốc độ sản xuất. Nhóm
dự kiến thành lập một công ty khởi nghiệp để thương mại hóa công nghệ này.
Công nghệ mới cũng cho thể giải quyết các vấn đề khác trong
nước như phát hiện nhanh chóng các chất gây ô nhiễm có trong nước, độc hại với
con người.