Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) và sự bùng nổ Internet, hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) áp dụng trong du lịch đã phát triển nhanh chóng, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho ngành Du lịch.
Trong cuốn sách “Làn sóng thứ ba - Kỷ nguyên mới trong kinh
doanh theo mạng” của Richard Poe (2003) đã viết: “Nhờ có hệ thống và công nghệ
mới, làn sóng thứ ba tạo cơ hội không chỉ cho các nhà kinh doanh đẳng cấp cao
mà còn cho cả những con người bình thường được hưởng các thành quả kinh doanh,
và có thể tránh được rất nhiều rủi ro”. Hệ thống và công nghệ mới được nhắc đến
ở đây chính là sự phát triển của CNTT đang làm thế giới thay đổi nhanh chóng.
Như vậy, ứng dụng CNTT đã ngày càng trở nên phổ biến ở tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội.
Du lịch là một ngành công nghiệp mang tính tổng hợp và xã hội
hóa cao. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, hoạt động du lịch đang
phát triển với tốc độ cao. Theo dự báo đến năm 2020, du lịch sẽ trở thành ngành
kinh tế “công nghiệp” chiếm tỷ trọng lớn nhất trong những ngành xuất khẩu hàng
hóa và dịch vụ (WTTC, 2010). Việc phát triển nhanh của hoạt động du lịch, có phần
đóng góp không nhỏ của việc áp dụng CNTT với sự bùng nổ của Internet và sự tăng
trưởng của thương mại điện tử (e-commerce) trong rất nhiều lĩnh vực.
Trên thế giới, CNTT đã được ứng dụng trong ngành Du lịch từ
rất sớm. Những người làm trong ngành Du lịch đã rất quen với những nhà cung cấp
dịch vụ du lịch trực tuyến như GenaRes (www.genares.com);
Pegasus solution (www.pegs.com); Expedia (www.expedia.com); Asia (www.asia.com);
Travelocity (www.travelocity.com)… Chỉ riêng Pegasus solution đã liên kết và
cung cấp hệ thống đặt phòng trên 100.000 khách sạn và hệ thống dịch vụ trên thế
giới. Đối với du khách, chỉ cần gõ cụm từ “booking” hoặc “travel” trong tìm kiếm
“search” sẽ ra hàng loạt các trang web đặt phòng, đặt tour của rất nhiều công
ty, vé máy bay và các dịch vụ du lịch khác… Chỉ cần vào địa chỉ một trang như
Asia.com, du khách đã bị choáng ngợp với rất nhiều thông tin các khách sạn,
hãng du lịch…
Trước đây, các site chỉ tập trung vào một lĩnh vực nào đó
như giá vé máy bay hay khách sạn, nhưng bây giờ họ cung cấp toàn bộ các sản phẩm
du lịch: từ đặt tour đến phòng khách sạn, đặt ô tô rồi đến những gói du lịch trọn
vẹn. Sự cạnh tranh trên thị trường du lịch trực tuyến diễn ra rất gay gắt, mỗi
hãng lữ hành đều đưa ra các tính năng mới trên website của mình để nâng cao
tính cạnh tranh. Nếu như trước đây trang Asia.com chỉ đặt phòng khách sạn là chủ
yếu thì nay đã mở rộng cả đặt phòng, đặt tour hay các dịch vụ liên quan khác. Đại
lý du lịch trực tuyến “Orbitz” có tính năng “Deal Detector”, cho phép khách du
lịch có thể thay đổi loại vé họ muốn mua (tức là nếu giá vé vào thời điểm khách
đặt trước cao hơn so với giá vé bán vào ngày mà họ đã chọn để đi, thì tính năng
mới sẽ gửi một email đến họ và họ có thể thay đổi nếu vé bán ngày hôm đó vẫn
còn). Các hãng hàng không khắp thế giới cũng đang tăng cường ứng dụng TMĐT như
là một công cụ hiệu quả để điều chỉnh chi phí. Chẳng hạn, American Airline đã
đưa ra hệ thống đặt chỗ trên mạng SABRE vào năm 1978 và được phát triển thành hệ
thống dịch vụ khách hàng "EASY SABRE" giữa những năm 80, cho đến năm
1990 thì trở thành dịch vụ mở rộng America
Online.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (2015), doanh thu bán
lẻ trực tuyến quý 3/2015 của quốc gia này đạt 251,9 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng
doanh thu bán lẻ của cả nước. Riêng tại Trung Quốc - đất nước có thị trường bán
lẻ trực tuyến tăng mạnh - doanh thu bán lẻ trực tuyến nước này tính đến tháng
9/2015 ước đạt 672,01 tỷ USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ 2014 và chiếm khoảng
15,9% tổng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc. Trong đó, các sản phẩm dịch vụ như
du lịch, thời trang, hàng may mặc được mua sắm trực tuyến nhiều nhất (Cục TMĐT
& CNTT, 2015). Với hơn 1,4 tỷ người dùng Internet hiện nay, ứng dụng CNTT
là nhân tố tạo sức cạnh tranh cho các nước đang phát triển có tiềm năng du lịch
cạnh tranh bình đẳng với các cường quốc du lịch (Trần Võ Đại Nguyên, 2008).
Tại Việt Nam, theo Báo cáo Thương mại điện tử của Cục Thương
mại Điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương (2015), doanh số TMĐT (B2C)
đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức
bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Nhóm sản phẩm dịch vụ
lưu trú và du lịch cũng là nhóm sản phẩm được giao dịch nhiều nhất trên các sàn
thương mại điện tử (chiếm 9%). Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch (2012) với 52
doanh nghiệp du lịch thì 100% doanh nghiệp có máy vi tính nối mạng. Tỷ lệ dùng
Internet để thanh toán trên mạng đạt 27% với 49/52 doanh nghiệp đã có
website. Con số này chứng tỏ các doanh nghiệp đã có ý thức về vai trò của CNTT
trong quảng bá sản phẩm du lịch. Thực tế, việc ứng dụng TMĐT trong ngành Du lịch
đã được chú trọng từ lâu. Tổng cục Du lịch đã có website giới thiệu về Việt Nam
cùng các thông tin cần thiết về các cảnh đẹp và các thủ tục cho khách du lịch tại
các địa chỉ: www.vietnamtourism.gov.vn; www.dulichvn.org.vn;
www.vietnamtourism-info.com; www.vietnam-tourism.com...
Phần lớn các công ty du lịch, khách sạn đã có những trang web đặt phòng, đặt
tour như www.saigon-tourist.com; www.vietravel-vn.com; www.huonggiangtourist.com… Tại các
cơ sở lưu trú ở Việt Nam, tỷ lệ đặt phòng qua internet chiếm khoảng 17% từ năm
2013 đến nay (Grant Thornton Việt Nam, 2015).
Có nhiều mô hình TMĐT, nhưng trong du lịch người ta thường
áp dụng các mô hình như B2B (kết nối doanh nghiệp), B2C (kết nối doanh nghiệp đến
khách hàng), C2B (kết nối khách hàng với doanh nghiệp). Các khách sạn hay công
ty du lịch có thể xây dựng các website riêng lẻ để khách đăng ký và có thể đăng
ký với một công ty cung cấp hệ thống đặt phòng toàn cầu. Ở Việt Nam, đặc biệt
là các khách sạn thường đăng ký liên kết với hệ thống đặt phòng qua mạng toàn cầu
(Global Distribution System – GDS) và công cụ đặt chỗ trực tuyến (Web Booking
Engine - WBE). Người dùng GDS và WBE sẽ dễ dàng đặt phòng khách sạn từ khắp thế
giới. GDS kết nối khách sạn đến 4 kênh phân phối toàn cầu là Sarbe, Galileo,
Worldspan và Amadeus. Mỗi kênh có thế mạnh ở từng châu lục khác nhau. Sử dụng
GDS, thông tin khách sạn tự động được kết nối đến hơn 1.000 websites du lịch,
bao gồm 100 websites du lịch nổi tiếng nhất thế giới (www.expedia.com, www.travelocity.com, www.zuji.com...) và hơn 600.000 đại lý du lịch
trên toàn thế giới. Đồng thời, khách sạn cũng thực hành thương mại điện tử nhận
đặt phòng của khách du lịch khắp toàn cầu.
Các công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng toàn cầu đã phát triển
mạnh mẽ kết nối các khách sạn, khu du lịch, các công ty du lịch, các hãng hàng
không và các dịch vụ du lịch khác. Điều đó đã góp phần giúp các doanh nghiệp dễ
dàng quảng bá và bán sản phẩm của mình trên toàn cầu cũng như thuận tiện cho
khách hàng trong việc lựa chọn dịch vụ. Chỉ tính riêng đến năm 2009, Việt Nam
đã có hơn 70 khách sạn, resort từ 3 - 5 sao lựa chọn GDS và 72% trong số đó sử
dụng WBE do công ty GenaRes (www.genares.com)
cung cấp và con số này tăng mạnh qua các năm (Tổng cục Du lịch, 2012).
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Võ Đại Nguyên (2008), “Ứng dụng CNTT trong
ngành Du lịch: Doanh nghiệp "mạnh" hơn cấp quản lý”, Tạp chí Thế
giới Vi tính - PC World Việt Nam, http://www.ict.org.vn/DetailBlogs.aspx?id=78 truy
cập ngày 20/3/2012.
2. World Travel & Tourism – WTTC (2010), Economic Impact
Research, Published by WTTC, London E1W 3HA, UK.
3. Trang web: http://www.pegs.com truy
cập ngày 21/3/2014…
* Trường Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh (Hutech)
Sự phát triển CNTT và internet đã làm cho cuộc sống con
người thay đổi đáng kể. Chỉ một chiếc máy tính nối mạng, chúng ta có thể tham
quan mọi điểm đến trên thế giới và chỉ cần một động tác "nhấn chuột"
đã có thể đặt mua một tour đến các danh lam thắng cảnh, đặt vé máy bay, đặt
phòng khách sạn (booking) cùng nhiều dịch vụ khác…
|
TS. Nguyễn Quyết Thắng
Nguồn: Tạp chí Du lịch