Nhóm nghiên cứu từ Đại học tự trị Barcelona (AUB) Tây Ban Nha và Đại học Aalborg, Đan Mạch cho biết, tổng lượng vi nhựa lắng đọng dưới đáy biển tăng gấp ba lần trong 20 năm qua, tương ứng với khối lượng nhựa đã tiêu thụ.
Nghiên cứu này là công trình nghiên cứu tái tạo lại một giai
đoạn với độ phân giải cao đầu tiên về ô nhiễm vi mô từ trầm tích thu được phía
tây bắc biển Địa Trung Hải.
Mặc dù đáy biển về cơ bản là nơi hấp thụ cuối cùng các hạt
vi nhựa trôi nổi trên mặt biển, nhưng mức độ tích tụ cũng như tốc độ loại bỏ hạt
vi nhựa khỏi nước biển và chôn lấp những hạt vi nhựa này dưới đáy đại dương vẫn
chưa được làm rõ.
Ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương
Các nhà khoa học phát hiện được, hạt vi nhựa bị giữ lại
nguyên vẹn không thay đổi trong trầm tích biển và khối vi nhựa dưới đáy biển ghi
lại toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu thụ nhựa toàn cầu từ năm 1965 đến năm
2016.
TS Laura Simon-Sánchez, nhà nghiên cứu của AUB cho biết: “Cụ
thể, kết quả cho thấy, kể từ năm 2000, lượng hạt nhựa lắng đọng dưới đáy biển tăng
gấp ba lần và không hề giảm đi, sự tích tụ không ngừng tăng lên mô phỏng lại
quá trình sản xuất và sử dụng trên toàn cầu các vật liệu này”.
Những trầm tích được phân tích được xác định là không thay đổi
dưới đáy biển kể từ khi lắng đọng từ nhiều thập kỷ trước.
TS Michael Grelaud, nhà nghiên cứu AUB giải thích: “Kết quả
này cho thấy, kể từ những năm 1980, nhưng đặc biệt là trong 2 thập kỷ qua, sự
tích tụ các vi hạt hạt polyetylen và polypropylen từ bao bì, chai lọ và màng bọc
thực phẩm, polyester từ sợi tổng hợp trong vải quần áo, đã gia tăng như thế
nào,”
Nhóm nghiên cứu thu được khoảng 1,5mg của 3 loại nhựa này
trên mỗi kg trầm tích được thu thập, trong đó polypropylene phổ biến nhất, sau
đó là polyetylen và polyester.
Mặc dù những hạt vi nhựa nhỏ hơn còn có rất nhiều trong môi
trường, nhưng những giới hạn trong phương pháp phân tích đã hạn chế những bằng
chứng thu được về mức độ của những hạt vi nhựa nhỏ trong những nghiên cứu phân
tích mức độ ô nhiễm vi nhựa của trầm tích biển.
Nghiên cứu của các nhà khoa học AUB và Aalborg được đặc
trưng bằng phương pháp áp dụng khoa học hình ảnh tiên tiến nhất để định lượng
các hạt có kích thước nhỏ tới 11 µm. Các nhà khoa học phát hiện được, khi đã bị
lắng đọng xuống dưới đáy biển, những hạt vi nhựa không còn phân hủy nữa, do thiếu
xói mòn, oxy hoặc ánh sáng.
GS Patrizia Ziveri của AUB cho biết: “Quá trình phân mảnh diễn
ra chủ yếu ở trầm tích bãi biển, trên mặt biển hoặc trong dòng nước. Sau khi lắng
đọng xuống trầm tích đáy biển, sự suy thoái hạt vi nhựa rất ít, vì vậy các hạt
vi nhựa từ những năm 1960 vẫn nằm dưới đáy biển, ghi lại dấu hiệu ô nhiễm do
con người gây ra.
Các nhà nghiên cứu đã chọn phía tây Địa Trung Hải làm khu vực
nghiên cứu, đặc biệt là Đồng bằng sông Ebro, vì những con sông được coi là điểm
nóng của những chất gây ô nhiễm, trong đó có các hạt vi nhựa. Ngoài ra, dòng trầm
tích từ sông Ebro cung cấp tốc độ bồi lắng cao hơn so với trên bề mặt đại dương.